Ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, Chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, được xác định là người đã trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Là người quan tâm đến cổ vật này từ đầu, ông Nguyễn Thế Hồng đã đăng ký tham gia đấu giá sau khi Millon công bố thông tin.
Ông Nguyễn Thế Hồng (thứ 5 từ trái sang) chụp ảnh cùng đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Đ.P.L. |
Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, cuộc đấu giá đã được hủy bỏ và chuyển thành đàm phán, thương lượng mua trực tiếp.
Kết quả sau quá trình thương lượng, ông Nguyễn Thế Hồng đã mua thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo với giá hơn 6,1 triệu euro.
Hợp đồng chuyển giao hiện vật đã được ký kết. Dự kiến, kim ấn về Việt Nam vào khoảng tháng 5 năm nay.
Trước đó, khi biết tin ấn vàng Hoàng đế chi bảo của triều Nguyễn xuất hiện trong sự kiện đấu giá tại Pháp, Bộ Văn hóa đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan tìm kiếm giải pháp hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về đất nước.
Bộ Văn hóa đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon, Pháp. Đoàn công tác đã đánh giá tính xác thực của ấn vàng Hoàng đế chi bảo và xác định đây là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8/3/1952.
Trong số các phiên bản ấn vàng của triều Nguyễn, ấn Hoàng đế chi bảo được đấu giá ở Pháp có giá trị lịch sử đặc biệt bởi đây là chiếc kim ấn đã được hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại trao cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều 30/8/1945.