Theo thống kê, trong năm 2022 Việt Nam có khoảng 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức. Có thể kể đến các cuộc thi như: Hoa hậu Sinh thái Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thương Hiệu Việt Nam, Hoa hậu Thời Đại Việt Nam…
Hầu như, tháng nào cũng có các cuộc thi sắc đẹp, thậm chí có đêm 2 người đẹp cùng đăng quang. Với 30 hoa hậu được tôn vinh và gần 100 danh hiệu, danh xưng đi kèm nhiều người cho biết không thể nhớ rõ tên các cuộc thi, dung nhan cũng như tên của các hoa hậu.
Chuyện "ra ngõ gặp hoa hậu, lên mạng xã hội gặp hoa hậu, á hậu là có thật". Bên cạnh đó, những lùm xùm xung quanh các cuộc thi hoa hậu cũng khiến cho công chúng ngán ngẩm, thất vọng.
Có thể nói chưa bao giờ các cuộc thi hoa hậu bùng nổ như hiện tại. Nhiều người đặt câu hỏi: Tổ chức thi hoa hậu nhiều như vậy để làm gì?
Thi sắc đẹp không phải là việc chạy sô!
Chia sẻ với Dân trí nhà thơ Dương Kỳ Anh - cha đẻ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho hay, việc "loạn" hoa hậu là có thật. Các cuộc thi này diễn ra với tần suất và số lượng lớn sẽ dẫn đến tình trạng khó kiểm soát trong công tác tổ chức, chất lượng nhan sắc, tài năng của thí sinh.
"Thời tôi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chỉ có mục đích là tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là ngày hội văn hóa hấp dẫn, lý thú và bổ ích để định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ, chứ không nghĩ đến việc kiếm tiền.
Tôi thấy hiện nay, nhiều cuộc thi không rõ mục đích và quy mô tổ chức nhưng vẫn dùng danh xưng hoa hậu. Điều này đã làm mất đi tính chất nghiêm túc của những cuộc thi và gây ra những hiểu lầm với công chúng", nhà thơ Dương Kỳ Anh nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, thi sắc đẹp không phải là việc… chạy sô. Một năm có 30 cuộc thi sắc đẹp thì thực sự là… loạn hoa hậu, loạn danh xưng.
Các cuộc thi sắc đẹp nên tổ chức 2 năm 1 lần, nếu không chất lượng khó đảm bảo, việc tìm kiếm, lựa chọn các gương mặt mới, xứng đáng với các tiêu chí cuộc thi cũng trở nên khó khăn.
Trong khi đó, Hoa hậu Đông Nam Á Phan Hoàn Thu cho biết, cô từng được nghe rất nhiều bình luận về người đẹp thi hoa hậu: Cô này đi thi để "đổi đời", cô kia tham gia "để kiếm đại gia"… Điều này khiến cô rất buồn.
"Trước đây, có người đã từng nói: 'Ở Việt Nam, cách nhanh nhất để trở thành sao hạng A chính là trở thành hoa hậu'. Đồng ý, chiếc vương miện đôi khi sẽ giúp các cô gái có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong cuộc sống và sự nghiệp, nhưng họ lại quên mất rằng, bên cạnh sự lấp lánh của hào quang và những lợi ích trước mắt thì nó còn là sứ mệnh nặng nề và trọng trách của cả một cộng đồng trên vai những người thắng cuộc.
Hoa hậu sống bằng hình ảnh, ca sĩ sống bằng giọng hát, diễn viên sống bằng tài năng, nên hình ảnh hoa hậu mà bị biến tướng, vấy bẩn thì khó lấy lại. Một khi sụp đổ hình ảnh sẽ mất uy tín, ảnh hưởng đến những người thành công đã đi trước của cuộc thi đó…", Phan Hoàng Thu tâm sự.
Hoa hậu Đông Nam Á Phan Hoàn Thu khẳng định, hoa hậu không phải là một nghề mà chỉ là một danh hiệu. Việc danh hiệu này có đáng tự hào khi được công chúng nhắc tới hay là một nỗi ê chề lắc đầu mỗi khi nhìn lại, thì phải xem người được đội lên đầu chiếc miện kia liệu có xứng đáng hay không?
"Cái gì ít mới quý, kim cương quý vì giá trị của nó và vì nó rất hiếm. Một năm có tới 30 cuộc thi hoa hậu thì cũng "chóng mặt" lắm. Có người đẹp một năm chưa kịp hoạt động gì đã hết nhiệm kỳ, không gây ấn tượng liệu có ai nhớ đến?
Tôi cũng từng là thí sinh, từng đăng quang tại một số cuộc thi sắc đẹp và cũng từng cầm cân nảy mực cho nhiều cuộc thi trong nước và Quốc tế, nếu nói có nên ủng hộ sự "bùng nổ" này hay không? Thú thực, tôi chỉ ủng hộ những cuộc thi uy tín và chất lượng thôi, còn "yếu kém" quá thì thôi, "dẹp loạn" là điều cần thiết", người đẹp Phan Hoàng Thu thẳng thắn.
Nhiều hoa hậu mới đăng quang nhưng đã "chết" tức tưởi trong ký ức khán giả
Nói về việc "loạn" các cuộc thi sắc đẹp thời gian qua, nhà văn, nhà viết kịch Chu Thơm cho biết, ngày trước, Bộ VH,TT&DL chỉ cho phép một số cơ quan làm văn hóa mới được tổ chức các cuộc thi, nhưng từ khi có Nghị định 144/2020/NĐ-CP thì việc cấp phép các cuộc thi sắc đẹp "thoáng" hơn, dẫn đến "nhà nhà, người người" tổ chức thi sắc đẹp, khiến cho công chúng "hoa mắt, chóng mặt".
"Giờ đây, tỉnh nào, ngành nào cũng có các cuộc thi người đẹp, khiến cho công chúng có cái nhìn méo mó về hoa hậu. Có công ty một năm làm đến 3-4 cuộc thi hoa hậu? Sao lại nhiều thế?
Ai được lợi từ các cuộc thi đó? Đừng để người ta nói: Thi hoa hậu là sự kiện của người thích tiền, thích son phấn chứ không phải là cuộc thi của vẻ đẹp, trí tuệ. Các cơ quan có uy tín nên tổ chức hoa hậu 2 năm làm 1 cuộc là được", nhà văn Chu Thơm thẳng thắn.
Nam nhà văn chia sẻ thêm, các công ty tổ chức sự kiện chưa chuyên nghiệp nhưng có nhiều giám khảo cũng "không ổn", nhiều người không có ảnh hưởng với xã hội cũng ngồi "ghế nóng" khiến cuộc thi không có uy tín.
"Danh xưng hoa hậu hiện nay bị rẻ rúng, coi thường do còn vướng nhiều lùm xùm, ồn ào từ chính thí sinh thi sắc đẹp đến các công ty tổ chức sự kiện. Đêm trước đăng quang, sáng hôm sau người ta đã "khui" ra nhiều người đẹp từng hút bóng cười, từng chưa tốt nghiệp PTTH, hay vướng vào các cuộc tình tay ba… thì làm sao mà chấp nhận được? Nhiều hoa hậu mới đăng quang nhưng đã bị "chết" tức tưởi trong ký ức, hồi ức không đẹp mà người hâm mộ dành cho mình", ông Chu Thơm cho hay.
Nhà viết kịch Chu Thơm cũng cho biết, ở nước ngoài, họ coi các cuộc thi hoa hậu như một sự kiện giải trí, xong rồi thôi. Chúng ta cũng nên đưa các cuộc thi sắc đẹp về đúng chỗ, không nên "tâng bốc" hoặc kỳ vọng quá nhiều vào trách nhiệm xã hội của các người đẹp đăng quang.
Thêm nữa, để quản lý chất lượng các cuộc thi, cần quy định về các đơn vị cấp phép, nên có những quy tắc cụ thể, hợp lý hơn. Bộ VH,TT&DL nên có một cuộc họp về việc "loạn" hoa hậu nào. Cái nào chưa ổn thì chúng ta có thể sửa sai, làm lại.
Đồng quan điểm, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết, để chấn chỉnh và kiểm soát tốt chất lượng các cuộc thi hoa hậu thì cần làm tốt khâu "hậu kiểm".
Nếu tỉnh thành tổ chức cuộc thi không tốt phải chịu trách nhiệm, nếu làm sai BTC cuộc thi đó sẽ bị phạt, phạt thật nặng hoặc cấm tổ chức và tước vương miện.
"Theo tôi, Nghị định 144/2020/NĐ-CP cần phải bổ sung 3 điều: Một là, những đơn vị nào mới được cấp phép biểu diễn, hai là danh xưng làm sao để không bị "loạn", ba là vấn đề hậu kiểm. Nếu làm tốt được 3 điều này thì các cuộc thi sẽ được diễn ra chuyên nghiệp, trật tự hơn", nhà thơ Dương Kỳ Anh nêu quan điểm.