Sau khi hoàn thành xong kỳ thực tập 3 tháng hồi cuối tháng 8/2019, tôi đến Đà Lạt 7 ngày, tìm một nơi đủ lắng để giảm căng thẳng, hoàn thành xong báo cáo thực tập trước khi bắt đầu học kỳ mới ở năm thứ tư đại học. Tôi ở một phòng trọ nhỏ tầng 2 trên đường Lữ Gia, phường 9, từ đây có thể nhìn thấy được những đồi thông xanh xa tít lúc nào cũng chập chờn sương bay và mây buổi sáng. Dịp này, tôi muốn trải nghiệm Đà Lạt theo cách của riêng mình, ở đủ lâu với thành phố, đi dạo qua những con đường để cảm nhận nhịp sống cư dân nơi đây.
Những ngày mưa tháng 8
Đến Đà Lạt vào mùa mưa nên tôi phải chấp nhận sẽ có rất ít ngày nắng. Mỗi khi ra đường, tôi phải mang theo áo mưa vì những cơn mưa không báo trước, chợt đến rồi đi khiến người ta lúng túng và bất ngờ, nhất là mưa đêm. Hôm nào về phòng quần áo tôi cũng hơi ẩm, tay thì lạnh cóng vì chạy xe máy dưới trời 17 độ C. Tôi thường pha trà nóng ngay sau đó để uống cho ấm người, thở nhè nhẹ và ngắm mưa rơi bên ngoài. Là đứa chịu lạnh kém nhưng dần tôi cũng quen với điều này.
Tôi thuê xe máy để tiện đi lại, nhưng vẫn thích đi bộ hơn, có hôm tôi dậy sớm để đi từ nhà trọ qua đường Quang Trung rồi ra hồ Xuân Hương ngắm cảnh, ghé ga Đà Lạt khi về, hoặc buổi chiều nọ tản bộ đến hồ Than Thở, dọc đường có thể dừng lại những hàng quán ăn món mình thích hoặc tham quan các nhà vườn trồng hoa quả, chụp lại một khoảng sân đầy hoa hồng và cà chua, sen đá, bí ngô.
Đường xá ở thành phố nhiều ngã rẽ, không dễ nhớ và tôi bị lạc đường, có lúc cơ duyên đưa tôi đến Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, trường THPT chuyên Thăng Long, nơi bạn tôi từng theo học. Tôi cũng gặp cơ quan của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng trên đường Nguyễn Du, một tòa nhà có kiến trúc lạ, trông cổ kính với tường dát đá, cửa ra vào hình vòm làm bằng gỗ, mái ngói cũ màu đỏ rất thơ mộng giữa những hàng thông ven đường.
Ngày mưa, đường Đà Lạt thưa thớt xe cộ qua lại, nền trời âm u, từng bước chân người lữ khách như chậm lại với thời gian. Ảnh: Huỳnh Nhi
Ngày nghỉ lễ 2/9 đầy bất ngờ
Ở Đà Lạt, nơi tôi lui tới mỗi ngày là những quán cà phê, tôi dạo quanh các con phố và ghé một quán bất kỳ khi thấy bên ngoài không nhiều xe đỗ, chọn góc bàn yên tĩnh rồi ngồi làm việc. Những quán này có bán các loại bánh ngọt hoặc đồ ăn vặt nên khi uống hết phần nước tôi hay gọi thêm bánh để ăn, chủ quán bảo họ có trà nóng, tôi có thể dùng miễn phí.
Món uống yêu thích của tôi là sữa đậu nành hoặc sữa bắp nóng ở đường Tăng Bạt Hổ. Con đường này có nhiều quán bánh ướt lòng gà nên tôi cũng thử nhưng không ấn tượng lắm. Tôi hay ăn các món nóng như phở, bún riêu, bún bò và thấy khá hợp vị. Phở gà ăn cùng xà lách non, món bún nóng lúc nào cũng có đĩa rau xanh thái sợi ăn rất tươi và giòn, ngọt.
Sau khi ăn tối, tôi thích đi dạo ở chợ Đà Lạt, ngắm các cô lớn tuổi đan khăn len, các tiệm bày đủ thứ bánh mứt trái cây xứ lạnh, các loại cây giống, sạp hoa tươi đủ màu và lẵng hoa bất tử bé xinh được trưng bày đẹp mắt. Tôi hay mua xiên nướng hoặc trái cây lắc, kem bơ nhâm nhi, nghe hát du ca rồi thong thả quay về phòng trọ.
Hôm 2/9, như thường lệ tôi vẫn đi bộ ra chợ Đà Lạt, đường xá tấp nập hơn bình thường, từ quảng trường Lâm Viên đến vòng xoay đài phun nước trung tâm Đà Lạt thì tắc đường, từng chiếc ôtô, xe máy cứ nhích lên phía trường nhưng trông ai cũng bình thản, không vội vã, như đã biết trước được tình huống này.
Khu vực chợ đêm Đà Lạt vào tối 2/9/2019. Ảnh: Huỳnh Nhi
Đường trong chợ đêm như phủ kín bước chân du khách, không chen chúc nhưng phải bước thật chậm. Tôi hơi bất ngờ vì mấy hôm trước nơi này không quá đông người. Tạt vào một tiệm đồ ven đường hỏi thì cô chủ bảo một năm được mấy ngày nghỉ du khách lên Đà Lạt chơi, cô và mọi người được dịp mua bán. Còn các bạn trẻ ngồi ăn bánh tráng nướng cùng tôi thì nhớ cái lạnh của Đà Lạt nên tranh thủ đi xe máy từ Đồng Nai lên đây ít hôm rồi về, nghe bạn nói tôi thấy cũng rất giống mình.
Như một đoạn phim ngắn
Trong 7 ngày ở Đà Lạt, tôi có quen một bạn cùng dãy trọ, mỗi lần gặp tôi bạn cứ hỏi tôi đã thấy buồn, thấy chán chưa, khi nào về Sài Gòn. Bạn nói khách du lịch thường đến 2-3 hôm rồi về, trừ khi làm việc luôn trên này, không thì dễ sinh buồn vì nhịp sống chậm rãi. Tôi cũng nhận mình có cảm giác như thế, nhưng lòng vẫn rất nhẹ và thoải mái, còn tha thiết nơi này.
Tiệm nước gần khu trung tâm Hòa Bình nơi tôi hay đến để ngồi viết báo cáo thực tập. Ảnh: Huỳnh Nhi
Ở đây, tôi gặp được những người tốt bụng, sẵn sàng chỉ đường và dành thời gian giới thiệu những điểm đến nổi tiếng, những di tích lịch sử ở thành phố, những quán cơm ngon cho tôi đổi vị mỗi ngày, hỏi han tôi có gì không vui thì có thể tâm sự với họ...
Lần đó, khi trên đường từ thủy điện Ankroet về lại trung tâm thành phố thì trời mưa lớn, giữa rừng thông không chỗ trú, chỉ có mỗi cái chòi nhỏ ven đường của chị bán trứng gà nướng, tôi và nhóm bạn khác vào ngồi trú, chị chủ bảo tôi hong khô khăn choàng, sưởi ấm tay kẻo lạnh, còn các bạn thì mời tôi trứng nướng dù chẳng ai biết ai. Trời mưa tầm tã và lạnh nhưng lòng tôi thì ấm áp vì tình cảm của những người xa lạ dành cho mình.
Nhà máy thủy điện Ankroet được người Pháp xây dựng vào năm 1942 có kiến trúc như một biệt thự Đà Lạt. Ảnh: Huỳnh Nhi
Chiều đó, tôi lên xe trở về Sài Gòn, vừa dọn phòng mà lòng còn tiếc nuối, đành hẹn với Đà Lạt vào một ngày không xa, tôi sẽ quay lại. Nửa đêm chiếc xe khách về đến Thủ Đức, tôi ghé trạm dừng rồi đi bộ về nhà, chợt thấy người nóng hẳn, nhìn lại mình vẫn còn quấn khăn choàng cổ và mặc một chiếc áo khoác dày, nhiệt độ lúc này không còn là 17 độ C nữa.