Chồng tôi tính gia trưởng. Anh luôn mặc định suy nghĩ phụ nữ sau khi lấy chồng không còn trách nhiệm với nhà ngoại. Vì thế, chẳng mấy khi anh cho vợ về thăm bố mẹ đẻ. Lúc nào anh cũng bảo:
“Thuyền theo lái, gái theo chồng. Cô bỏ ngay tư tưởng đã kết hôn còn suốt ngày đòi về ngoại”.
Kết hôn 4 năm, tính ra tôi chỉ được về nhà đẻ vài ba lần. Mỗi lần về cũng chớp nhoáng lại đi luôn. Bố mẹ tôi thương con nhớ cháu chỉ biết gọi điện chứ không bao giờ chủ động yêu cầu các con về thăm. Bởi họ hiểu con rể khó tính, không muốn làm khó con gái mình. Thậm chí biết tin bố ốm nằm viện, tôi bàn với chồng muốn về chăm ông vài ngày, anh thẳng thừng quát:
“Bố mẹ cô ốm, đã có anh trai, chị dâu cô lo. Không tới lượt phận gái đã lấy chồng chồng như cô phải về. Cô chỉ lấy lý do trốn việc bên nội là giỏi”.
Nhiều lần cãi vã to tiếng nhưng chồng tôi chẳng bao giờ biết nhận sai. Tôi chán, song không muốn đôi co lời qua tiếng lại vì sợ sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của con. Nghĩ vợ chồng nhường nhịn nhau một chút cho nhà cửa yên ấm cũng không đi đâu mà thiệt. Vì vậy hết lần này tới lần khác, tôi nhắm mắt bỏ qua. Tiếc rằng chồng tôi thấy vợ nhẫn nhịn lại càng được đà lấn tới, coi như đó là bổn phận của vợ.
Điều khiến tôi mệt mỏi hơn cả là dù bản thân có cố gắng thế nào thì dường như anh ấy vẫn không ghi nhận công lao của tôi. Đặc biệt là chưa bao giờ biết tôn trọng, giữ thể diện của vợ trước đám đông. Mỗi lần gia đình có việc, mình tôi đương đầu gánh vác nhưng hễ để xảy ra sai sót là chồng liền đay nghiến, chê bai, trách móc tôi trước mặt tất cả mọi người.
Chồng tôi là trưởng, khi có giỗ ít cũng làm chục mâm cỗ, nhiều thì 15, 20 mâm. Dù nhiều hay ít thì tôi cũng đều phải thức khuya dậy sớm lo liệu một mình, anh không bao giờ động chân tay giúp. Thậm chí vợ ốm bảo đặt cỗ bên ngoài, anh mắng ngay:
“Cô giỏi rồi, làm dâu tới ngày nhà chồng có giỗ lại đòi đi đặt cho nhàn. Thế tôi cưới vợ về làm cảnh à?”.
Tháng trước có giỗ ông nội chồng, vẫn như mọi khi tôi lại lên thực đơn từ hôm trước, 4h sáng dậy đi chợ. Anh ngủ tới 8h mới dậy, xuống bếp nhìn trước ngó sau hỏi:
“Cô lại không mua chả mực thắp hương ông à? Đã nói ngày sống ông thích món đó, tới ngày giỗ phải có để thắp hương. Có thế cũng không nhớ được”.
Tôi giải thích:
“Em không quên mà nghĩ 5 - 6 năm nay đều thắp hương món đó rồi. Năm nay em muốn thay đổi đi chút…”.
Không để vợ nói hết câu, anh đỏ mặt chỉ tay:
“Cô đã đoảng còn thích chống chế. Có vài mâm cỗ giỗ lo không nên hồn”.
Nghe tới đây, tôi thực sự không thể nín nhịn chồng thêm được, liền tháo luôn tạp dề đang đeo trên người xuống, dõng dạc lên tiếng:
“Nếu anh thấy tôi đoảng vụng, không lo được mấy mâm cỗ thì anh tự xắn tay vào mà làm. 10 mâm cỗ giỗ này, tôi không nấu nữa”.
Nói xong, tôi lên tầng đóng cửa, mặc chồng gọi thế nào cũng không ra. Mình anh cuống cuồng xoay xở không nổi, sau phải thuê thợ tới nấu cỗ.
Cỗ bàn xong xuôi, anh định lôi vợ ra trách mắng nhưng lần này tôi lên tiếng trước:
“Nếu anh cảm thấy tôi không làm tròn trách nhiệm làm vợ, đoảng vụng không xứng làm vợ anh, mình có thể ly hôn. Tôi mệt mỏi quá rồi, không còn sức chạy theo yêu cầu, tiêu chuẩn làm vợ của anh nữa”.
Chồng tôi chưa bao giờ thấy vợ “nổi loạn” như vậy cũng ngầm hiểu tôi đang “tức nước vỡ bờ”, có thể bất chấp tất cả nên lặng im không lên tiếng. Đồng thời sau hôm ấy anh cũng biết ý, giúp đỡ vợ việc nhà, còn chủ động giục tôi lên lịch cả nhà về ngoại chơi. Đấy, nếu tôi không “vùng lên” thì còn bị chồng đè nén mọi người ạ.
Theo Thời báo VHNT