Người dân thuê trọ tại khu vực chân cầu Long Biên (Hà Nội) xuất thân từ nhiều vùng miền khác nhau, phần lớn từ các tỉnh thành lân cận như Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình... Có người chỉ mới chuyển đến vài năm nhưng có người đã gắn bó với nơi này hàng chục năm. Vì hoàn cảnh khó khăn họ mới phải chọn sống ở xóm trọ nghèo này.
Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm của miền Bắc, người dân xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên phải "oằn mình" xoay sở trong những căn phòng trọ chật hẹp, tạm bợ.
Bà Trần Thị Ba năm nay đã 75 tuổi, hàng ngày đi thu gom ve chai để nuôi sống 2 miệng ăn. Mặc dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn nhặt nhạnh từng đồng để nuôi người con trai mắc bệnh tâm thần.
"Có những ngày mưa thì nhà dột, tôi phải lấy chậu hứng nước. Còn như mấy hôm nay trời nắng thì nóng lắm, trong nhà không khác gì cái bếp lò. Chưa kể nhiều lúc, hàng xóm người ta sửa nhà, nhà mình lại lung lay như sắp sập", bà Ba cho biết.
Bước ra từ trong căn nhà lụp xụp, chứa đầy quần áo cũ, bà Ba vui vẻ khi có người đến thăm. Bà kể, vợ chồng bà có 2 người con một trai một gái. Chồng bà bị u não mất sớm. Sức khỏe ốm yếu nên bà Ba cùng 2 con được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng những hoàn cảnh khó khăn.
Được một thời gian thì trung tâm này giải thể. Do sức khỏe ốm yếu, không có điều kiện chăm lo cho con nên bà Ba đành ngậm ngùi đem người con gái tên Nguyễn Thị T. (SN 1990) cho người khác làm con nuôi khi T. vừa tròn 5 tuổi. Điều này cho đến giờ vẫn khiến bà day dứt vì bao năm qua không biết con ở đâu, sống như thế nào.
Người con trai cả của bà là anh Nguyễn Văn B. (SN 1985) không được khôn ngoan như chúng bạn. Càng lớn anh B. càng trở nên ngờ nghệch. Đến tuổi đi học, B. thường xuyên bỏ đi lang thang khắp nơi khiến bà Ba phải khổ sở đi tìm kiếm.
"Cuộc sống ở quê khó khăn quá, tôi cùng con trai rời ra Hà Nội mong tìm kiếm công việc để lo miếng cơm sống qua ngày. Lúc đi từ Nam Định lên Hà Nội, mẹ con không có lấy một đồng trong người, tôi phải vẫy xe đi nhờ ra Hà Nội. Lang bạt một thời gian mẹ con tôi dạt về góc chợ Long Biên này với công việc nhặt phế liệu, ve chai kiếm từng đồng sống qua ngày", bà Ba kể lại.
Nói về cách xoay sở trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, bà Ba cho biết, nhà chỉ có một cái quạt, nắng nóng đến mấy thì bà cũng chỉ biết ở trong nhà thôi chứ cũng không còn lựa chọn nào khác.
"Nếu hôm nào mất điện thì cả xóm lại ra đường ngồi với nhau", bà Ba cười nói.
Sống một mình trong căn phòng trọ vừa chật hẹp vừa lụp xụp, bà Mai Thị Hoạt (59 tuổi) cho biết, bản thân đã sống ở đây được nhiều năm. Tùy vào thời tiết và các mùa, bà Hoạt hôm thì bán bánh trôi, hôm thì bán cháo để mưu sinh qua ngày.
"Sáng bán hàng xong, tối về tôi lại một mình trong góc trọ không quạt, thậm chí còn không có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng. Do sống gần như không dùng đến điện nên mùa hè tôi thường ra ngồi ở gốc cây, bờ sông để hóng gió tránh nóng", bà Hoạt kể.
Khi được hỏi về cách đối phó trong những ngày nắng nóng, chị P. (sống tại xóm trợ) tâm sự: "Nắng nóng thì vẫn phải cố chịu thôi, nhiều nhà còn không có quạt mà dùng vì giá điện cao quá. Tiền ăn người dân còn không có đủ thì làm sao trả nổi tiền điện".
Chị P. cũng chia sẻ thêm, thường vào buổi tối hoặc những ngày mất điện, từ trẻ con đến người lớn đều kéo nhau ra đầu ngõ ngồi. Người lớn còn có thể chịu được chứ nhiều nhà có trẻ con phải sống khổ sở, không biết phải xoay sở ra sao trong những ngày nắng nóng.
Cụ Thanh (81 tuổi, trú tại xóm Chợ, tổ 3, phường Phúc Xá, quận Ba Đình) cho biết, cuộc sống nơi đây vất vả nhưng nhiều người cố bám trụ vì có khu chợ Long Biên. Hầu hết mọi người đều là dân buôn bán nhỏ lẻ, cửu vạn ở chợ, không thì cũng bán nước ở bến xe như cụ Thanh. Họ vất vả ngược xuôi mưu sinh chỉ mong đến bữa có cơm có thịt; khi ốm có viên thuốc...
Với những con người nhỏ bé nơi xóm trọ nghèo này, nắng nóng chỉ là "câu chuyện nhỏ".