Hôn nhân là một phần quan trọng của cuộc sống, đòi hỏi sự vun vén của cả hai vợ chồng. Yêu và hôn nhân là hai chuyện khác nhau, không ít câu chuyện tình đẹp đẽ đã trở nên bi thảm khi bước chân vào hôn nhân.
Vậy những cuộc hôn nhân không hạnh phúc này đến từ đâu? Trên thực tế, mọi chuyện thường bắt đầu từ 4 điều nhỏ nhặt này.
Điều nhỏ nhặt thứ nhất: Sự im lặng
Sự im lặng rất đáng sợ, nó có thể khiến tình cảm vợ chồng dần dần xa cách. Vợ/chồng là người gần gũi nhất của bạn, nếu bạn không thể nói chuyện với họ thì bạn có thể giãi bày những điều thầm kín trong lòng với ai?
Nếu khi gặp vấn đề, cả hai không tìm cách giải quyết mà chọn im lặng vì sợ xảy ra xung đột thì sau một thời gian tích tụ, những mâu thuẫn đó sẽ bùng phát vào một thời điểm nào đó và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.
Nếu vợ chồng im lặng, không nói chuyện, chia sẻ hay nói những lời yêu thương với nhau thì dần dần cả hai sẽ chẳng còn chuyện gì để nói với nhau nữa. Cuộc hôn nhân đó sẽ thật nhàm chán, tẻ nhạt, vợ chồng sẽ chẳng khác gì hai người bạn cùng trọ.
Giải pháp: Giao tiếp nhiều hơn
Khi gặp bất kỳ khó khăn hay mâu thuẫn nào, hai vợ chồng hãy trao đổi nhiều hơn nhé! Hãy nói lên những trăn trở, khó khăn của nhau và tìm ra giải pháp chung. Chỉ thông qua giao tiếp hiệu quả, hai vợ chồng mới ngày càng thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau, tình cảm vợ chồng được siết chặt.
Ngày thường, hai vợ chồng cũng nên tìm kiếm những chủ đề chung để nói với nhau, đừng im lặng trong chính ngôi nhà của mình. Bạn cũng đừng tiếc lời khen ngợi, động viên đối phương, đó sẽ là “liều thuốc” đại bổ cho cuộc hôn nhân của hai người.
Điều nhỏ nhặt thứ hai: Đổ lỗi cho nhau
Trong cuộc sống hằng ngày, không thể tránh khỏi sẽ có nhiều điều vụn vặt khiến chúng ta cảm thấy bất mãn, thất vọng. Ví dụ, hai vợ chồng có thể xảy ra những bất đồng về các vấn đề như việc nhà, việc học hành của con cái,… rồi có thể cả hai sẽ đổ lỗi cho nhau.
Giải pháp: Hãy đặt mình vào vị trí của đối phương
Trên thực tế, sự đồng cảm có thể giúp chúng ta tránh đổ lỗi cho nhau. Hãy thử đặt mình vào vị trí của đối phương để suy nghĩ. Nếu bạn có thể nhìn nhận mọi việc một cách toàn diện, đặt mình vào vị trí của nửa kia để nghĩ thì có thể sẽ giảm bớt những cuộc cãi vã vô nghĩa giữa hai vợ chồng.
Điều nhỏ thứ ba: Thiếu sự chú ý
Đôi khi vì công việc hay sự việc nào đó mà chúng ta có thể sẽ bỏ qua nhu cầu lắng nghe, hỗ trợ và thậm chí là an ủi đối phương. Người nói cứ nói, còn việc bạn thì bạn cứ làm, nên những lời đối phương nói sẽ không thể lọt vào tai bạn được.
Sự thiếu chú ý, không quan tâm sẽ khiến nửa kia cảm thấy bản thân không được tôn trọng. Họ cảm thấy, họ đều không quan trọng bằng những việc kia của bạn, dần dần tình cảm vợ chồng sẽ rạn nứt.
Giải pháp: Chú tâm lắng nghe
Sự quan tâm là yếu tố rất quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ vợ chồng. Lắng nghe cẩn thận những gì nửa kia nói, đưa ra lời khuyên, lời động viên đúng lúc sẽ giúp tình cảm vợ chồng thêm khăng khít hơn.
Điều nhỏ thứ tư: Keo kiệt và bất cẩn
Tiền bạc có thể chi phối một cuộc hôn nhân. Nếu bạn quá keo kiệt, đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành hay quá bất cẩn trong việc quản lý tiền bạc, tiêu tiền như nước chảy thì hôn nhân đều bị ảnh hưởng.
Nếu quá keo kiệt, kiểm soát túi tiền của nửa kia thì đối phương có thể sẽ cảm thấy bị đè nén, bức bối. Nếu quá thoáng tính, không biết quản lý chi tiêu trong nhà thì tương lai của hai vợ chồng sẽ rất mù mịt.
Giải pháp: Biết cách quản lý chi tiêu
Học cách quản lý tiền bạc, chi tiêu trong gia đình. Hai vợ chồng nên bàn bạc, thống nhất với nhau về các khoản chi tiêu, đồng thời cố gắng tiết kiệm lo cho tương lai mai sau.
Theo Báo PNTĐ