Giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến ngày 13/7 là 2.149,11 chỉ vàng SJC, tương đương khoảng 14,313 tỷ đồng (tính theo giá vàng ngày 13/7 là 6,66 triệu đồng/chỉ).
Giá khởi điểm cho khoản nợ trên là 10,826 tỷ đồng. Người tham gia đấu giá được yêu cầu đặt cọc 1,082 tỷ đồng, tương đương 10% giá đấu khởi điểm.
Mức giá khởi điểm trên đã giảm đáng kể so với lần thông báo đấu giá gần nhất vào tháng 7/2023. Tại thời điểm đó, ngân hàng đưa ra giá khởi điểm 14,313 tỷ đồng (cao hơn gần 3,5 tỷ đồng so với giá khởi điểm lần này).
Được biết, khoản nợ bằng vàng được ký kết theo hai hợp đồng tín dụng giữa bà Ngân và Công ty Vàng bạc đá quý Agribank CN TP.HCM trong các năm 2004 và 2005. Đến nay khoản nợ được sáp nhập nguyên trạng vào Agribank.
Khoản nợ trên vẫn tiếp tục phát sinh tiền lãi kể từ ngày 14/7 cho đến khi bà Doãn Thị Ngân thanh toán hết nợ vay.
Được biết, tài sản đảm bảo cho khoản vay trên là nhà, đất tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Khoản nợ nêu trên được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy”.
Được biết, Công ty Vàng bạc đá quý Agribank (AJC) được thành lập từ năm 1994. Năm 2008, công ty tiến hành cổ phần hoá và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Năm 2017, Agribank thoái vốn hoàn toàn khỏi AJC sau khi chuyển nhượng 12,6 triệu cổ phần (tương đương 61,24% vốn điều lệ AJC) cho 3 nhà đầu tư gồm Công ty TNHH Thung Lũng Vua (mua vào 18,16% vốn điều lệ), Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Dịch vụ thương mại Hồng Ngọc (23,06%) và Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Phú Thịnh (24,78%).
Sau khi thoái vốn hoàn toàn, Agribank từng có văn bản khẳng định không còn liên quan đến công ty này, đồng thời yêu cầu không được sử dụng thương hiệu Agribank.