Những ngày qua, liên tiếp số bệnh nhi nhập viện vì bệnh sởi tăng cao. Công tác nhân lực, trang thiết bị y tế, phòng bệnh ở tại các khoa nhiễm để chăm sóc bệnh nhi cũng được tăng cường tối đa. Điều lo ngại nhất của các bác sĩ chuyên khoa nhiễm là tỉ lệ trẻ chưa tiêm vaccine phòng sởi nhập viện trong tình trạng nặng khá phổ biến.
Theo BS.CKII Dư Tuấn Quy – Trưởng Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, đa số ca bệnh khi nhập viện đều dương tính với bệnh sởi, khi khảo sát ra nhận thấy dịch sởi đang lan tràn thật sự, và hỏi ra thì người dân không tiêm chủng cho các trẻ. Có nhiều phụ huynh cũng chia sẻ thật lòng như kinh tế sa sút phải đi làm, phụ huynh gửi trẻ ông bà chăm sóc nên cũng quên đi vấn đề tiêm chủng cho con.
Đồng thời, TPHCM chủ yếu là dân nhập cư từ các tỉnh khác về, thuê phòng trọ kiếm sống nên việc truyền thông đến với người nhập cư chưa hiệu quả, đến khi trẻ mắc bệnh sởi mới nhận ra con trẻ chưa tiêm vaccine.
Còn ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, tình hình dịch bệnh sởi vẫn đang có số lượng gia tăng mỗi ngày. Tại Khoa Khám bệnh, khi phát hiện những bệnh nhi có biểu hiện bệnh đều được cách ly và đánh giá tình trạng bệnh có nên nhập viện hay không, bởi các chuyên gia cũng lo lắng về tình trạng lây nhiễm chéo của bệnh sởi trong bệnh viện và cộng đồng rất nhanh.
ThS. BS Nguyễn Đình Qui - Phó Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, bệnh sởi không phải là bệnh truyền nhiễm mới, nếu không muốn nói là xưa cũ, nhưng vẫn đủ độc và mạnh để gây ra các trận dịch lớn khi việc tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa khác không được đảm bảo.
Trước khi có vaccine phòng ngừa sởi vào năm 1963, 90% người lớn ở độ tuổi 20 đều đã từng bị bệnh sởi vì khả năng lây lan cực nhanh và kéo dài, hệ số lây nhiễm Ro của bệnh sởi rất cao, từ 12 – 18 (nghĩa là cứ 1 người bị bệnh có thể lây cho 12 – 18 người khác), cao hơn rất nhiều so với chỉ số Ro của bệnh COVID–19 là 2 – 5.
Các dấu hiệu phụ huynh có thể nhận biết để nghi ngờ con mình bị bệnh sởi như sốt cao liên tục, phát ban từ vị trí sau gáy, mang tai lan ra mặt, ngực, bụng, lưng và kết thúc ở tay chân. Giai đoạn lui bệnh thì ban da sẽ thâm dần tạo các vết hằn như “da hổ”, chỗ nào nổi trước thì thâm trước. Ngoài ra, còn các triệu chứng khác là ho, sổ mũi, mắt “tèm lem” (chảy nước mắt, đổ ghèn, đỏ mắt).
Diễn tiến bệnh kéo dài 7 – 14 ngày với giai đoạn lây từ 1 – 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng đến khi phát ban được 4 ngày.