Năm nọ, trường của các con tôi có gửi cho các phụ huynh một tấm phiếu ước để các phụ huynh có thể viết vào đó những ước muốn của mình gửi tới nhà trường và các thầy cô đang dạy con mình. Tôi không biết bao nhiêu phụ huynh sẵn sàng như tôi, viết vào tấm phiếu đó và như tôi, chờ điều ước của mình thành hiện thực.
Tôi chẳng ước gì lớn lao như trường giảm học phí, miễn học phí hay thay đổi mang tính cách mạng với giáo dục nước nhà. Những câu chuyện về sách giáo khoa hay cả bạo lực học đường cũng vậy. Bởi tôi hiểu, nhà trường nào cũng ước như vậy cả, thầy cô nào cũng ước như thế. Mà muốn điều ước đó thành hiện thực thì cần cả sự chung tay của phụ huynh và cả xã hội nữa. Tôi chỉ ước những thứ cỏn con, bé mọn mà thầy cô nào, nhà trường nào cũng có thể thực hiện được.
Tôi ước lũ trẻ của chúng ta trở lại trường và gặp được nhiều điều lấp lánh. Những thứ xù xì xấu xí xin hãy để cha mẹ và các nhà quản lý giáo dục lo. Lũ trẻ cần được thấy những thứ lấp lánh và chỉ thấy những thứ lấp lánh mà thôi. Những đứa trẻ vẫn đang phụ thuộc vào cha mẹ, thầy cô xứng đáng có được và thấy được những lấp lánh đó.
Từ kiến thức chúng học được, hấp thụ được thông qua thầy cô và sách vở. Tôi ước các thầy cô truyền thụ kiến thức bằng sự thích thú và say mê của mình thay vì coi đó như công việc hàng ngày, lớp nào cũng dạy thế, khóa nào cũng dạy vậy, lặp lại chính mình như một cái máy.
Lũ trẻ tinh lắm, nếu thầy cô dồn cảm xúc của mình vào bài giảng, chúng sẽ tiếp thu nhanh hơn. Để bài Văn đó, bài Toán đó, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa đó không chỉ mang kiến thức cho các con mà còn mang cả cảm xúc của người thầy, người cô ấy. Cho trẻ thấy được những lấp lánh sau con chữ, con số. Giống như câu nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey từng nói đại ý là: Mọi người sẽ không nhớ tới bạn. Họ sẽ chỉ nhớ cảm xúc mà bạn đã mang lại cho họ. Chúng ta luôn nhớ đến các thầy cô cũ của mình vì những cảm xúc mà thầy cô đó đã mang đến cho chúng ta đó thôi. Tôi ước lũ trẻ của tôi gặp được nhiều thầy cô như vậy, lan tỏa cảm xúc tích cực, lấp lánh cho học trò.
Tôi ước lũ trẻ gặp những lấp lánh của lòng tin vào việc thầy cô, nhà trường thực sự lắng nghe và bảo vệ lũ trẻ. Hãy giữ lòng tin của lũ trẻ vào mình. Một ngôi trường dẫu có đầy đủ cơ sở vật chất hay 99% học sinh giỏi đỗ các trường danh tiếng đi chăng nữa mà học trò không tin, không được lắng nghe, không được bảo vệ thì thứ chúng ta có chỉ là một "nhà máy sản xuất học sinh giỏi".
Nào đâu cần thầy cô vất vả gì, chỉ bằng việc dừng lại một chút, nghe học sinh nói thay vì chỉ nói cho học sinh nghe. Nào đâu cần nhà trường đầu tư gì nhiều, chỉ cần một kênh kết nối đủ bảo mật để mỗi học sinh gặp chuyện có thể kết nối và được bảo vệ thông tin. Tôi đã đi vài chục ngôi trường và luôn thiết tha xin các ban giám hiệu hãy lập hòm thư bí mật cho các em học trò vì thế.
12 năm làm anh Chánh Văn, tôi hiểu học trò cần được tâm sự nhiều đến thế nào. Chúng chỉ mong có một ai đó lắng nghe chúng hoặc được ẩn danh báo cáo những vấn đề chúng thấy mà chúng không dám công khai tố giác vì sợ bị hành hung.
Tôi ước lũ trẻ nhận được nhiều hơn nữa những lấp lánh mà mỗi ngôi trường, mỗi thầy cô đều có thể tạo ra sự lấp lánh đó. Như giúp những đứa trẻ kết nối với nhau, tạo ra những lấp lánh của tình bạn. Như tạo ra nhiều cơ hội để lũ trẻ tự phát sáng bản thân. Mỗi đứa trẻ đều nắm giữ những năng lực kỳ diệu riêng, nếu thầy cô và nhà trường tạo điều kiện, chúng sẽ tỏa sáng lấp lánh. Một đứa trẻ có thể tỏa sáng sẽ giúp nó tự tin sau này và có thể tạo ra vô vàn điều kỳ diệu khác.
Tôi cũng ước lũ trẻ của chúng ta được lấy lại quyền lên tiếng, quyền mà chúng hiển nhiên có trong luật quy định. Những đứa trẻ được nói lên ý kiến của mình, tham gia phản biện, bày tỏ ý kiến sẽ giúp xã hội tốt lên mai này. Chúng ta sẽ không còn những người lớn cúi đầu, người lớn tự bịt miệng mình vì không dám nói. Thẳng lưng tất thẳng lòng. Đừng làm người gù như nhiều người lớn thế hệ trước. Mà muốn vậy, hôm nay, lũ trẻ cần được biết quyền lợi của chúng đã được ghi trong luật Trẻ em. Để chúng được bày tỏ suy nghĩ của chúng đi. Sai thì ta nắn. Đúng thì ta khích lệ. Cái gì chưa đúng mà cũng không sai thì nên tôn trọng như giữ một cá tính của học trò.
Quyền lực của thầy cô sẽ chỉ là thứ áo mặc do nhà trường khoác lên, uy của thầy cô mới là của thầy cô. Tôi thực lòng muốn các thầy cô tạo được uy hơn là sử dụng quyền. Mà muốn có uy thì phải xây dựng bằng lòng cảm phục, bằng yêu thương hoặc sự tôn kính.
Tôi cũng ước cái câu các cụ ngày xưa nói: "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" sẽ được hiểu đúng bằng Tôn Sư Trọng Đạo dành cho các bậc cha mẹ. Làm sao con chúng ta có thể nghe thầy, tin thầy nếu cha mẹ luôn chê bai, tấn công thầy cô kia chứ? Nên điều ước này dành cho chính các vị phụ huynh như tôi: Hãy ứng trước lòng tin cho thầy cô giáo. Hãy tặng thầy cô niềm tin của mình. Một cách công khai, công bằng và thật sự. Hãy yêu lấy thầy cô của con để kết nối - đối thoại và chia sẻ cùng họ. Chúng ta đang chung nhau một sự quan tâm mà, đúng không?
Còn nhiều nữa những điều ước bé mọn tôi muốn gửi tới các thầy cô, nhà trường nhân mùa khai giảng sắp tới. Và tôi biết, chúng ta, những người cha, người mẹ hẳn cũng như tôi, có rất nhiều ước muốn. Tôi mong rằng thầy cô và nhà trường có thể nghe thấy những ước muốn này và tranh thủ được những phụ huynh trong hành trình nuôi dạy lũ trẻ lớn lên. Một đứa trẻ chỉ thực sự trở nên tốt đẹp khi nó có đầy đủ sự quan tâm của cả nhà trường lẫn gia đình. Đừng phó mặc con cho nhà trường và cũng đừng phủi bỏ trách nhiệm với con khi chúng ra khỏi phạm vi quản lý của nhà trường.
Khai giảng này, cùng lũ trẻ lớn khôn được không?
Tác giả:Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.