Ngôi đền gần 200 năm tuổi và công lao của họ Nguyễn
Đền Chợ Củi (đền Ông Hoàng Mười) thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vốn được xếp hạng là Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và thu hút hàng năm rất đông du khách ghé thăm. Theo sách "Văn bia Hà Tĩnh", bia được tạo lập vào sau đời Minh Mạng nhà Nguyễn (sau năm 1831).
Tại địa phương, dòng họ Nguyễn Sỹ đã có truyền thống trông coi đền và đảm nhận trách nhiệm thắp hương hơn trăm năm qua. “Thủ nhang” Nguyễn Sỹ Quý, cho biết, đến đời ông là đời thứ 8 của họ Nguyễn làm nhiệm vụ thủ nhang, chăm lo nội tự. Đền vẫn còn lưu lại bia đá và gia phả dòng họ Nguyễn lẫn bàn thờ tổ họ. Hồ sơ cấp bằng Di tích Lịch sử cấp quốc gia đền Chợ Củi vào năm 1993, cũng ghi nhận điều này.
Ông Trần Văn Minh, thôn 2, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hàng trăm năm qua, đền Chợ Củi bao đời được dòng họ Nguyễn cùng nhân dân đóng góp tu bổ, tôn tạo là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương.
Năm 1968, chiến tranh phá hoại khiến ngôi đền hư hỏng nặng nề, chính hộ gia đình Nguyễn Sỹ Quýnh (bố của ông Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá) thủ nhang cùng dân địa phương góp công của sửa sang lại ngôi đền để lấy nơi thờ cúng các vị thần linh và tổ tiên dòng họ Nguyễn.
Năm 1971 là giai đoạn phá đền chùa, ngôi đền lại bị chia ra cho hợp tác xã 3 toà trong để phá, nhưng cũng chính dòng họ Nguyễn cùng dân địa phương quyết gìn giữ và bảo vệ nên ngôi đền không bị phá và tồn tại đến ngày nay. Ông Trần Xuân Bá, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, trú tại xã Xuân Hồng cho biết, đây là ngôi đền linh thiêng của cả làng hàng trăm năm nay trước khi được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc Gia năm 1993. Trước đây, mảnh đất này còn rất hoang vắng, dân cư thưa thớt, rừng cây rậm rạp chưa có nhiều người sinh sống thì cụ Nguyễn Văn Tịu đã gìn giữ, trông nom cái am nhỏ để thờ cúng Phật Thánh và tổ tiên dòng họ Nguyễn.
Thực hiện việc trùng tu và tôn tạo đền Chợ Củi sau năm 2013, gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hoá là thủ nhang đã vượt qua khó khăn, thậm chí đi vay tiền để đảm bảo sự hưng vượng của đền.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục công việc của mình”
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra UBND tỉnh Hà Tĩnh vào đầu tháng 1/2024 này, công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích này đã có nhiều sai phạm. Theo kết luận, Ban Quản lý di tích Quốc gia đền Chợ Củi đã không đảm nhận, thể hiện được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Các hạng mục công trình tại đền chưa được đầu tư theo quy hoạch, xuất hiện tình trạng xây dựng trái phép trên đất nhà nước quản lý, vi phạm hành lang bảo vệ sông.
Ban Quản lý di tích cũng đã thực hiện việc giao khoán thu, chi và quản lý tiền công đức, tiền tài trợ, cúng tiến của các tổ chức, cá nhân cho gia đình thủ nhang mà không có quy chế phân cấp rõ ràng, cụ thể về nguồn thu, nhiệm vụ chi dẫn đến không nắm được số liệu thực tế thu chi...
Ngày 15/1/2024, Ban quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân đã tổ chức lễ tiếp nhận quản lý khu di tích văn hóa quốc gia Đền Chợ Củi (ở xã Xuân Hồng). Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa đã bàn giao chìa khóa hòm công đức, chìa khóa Cung đức Thánh mẫu và các cung còn lại của nội tự để Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân tiếp nhận, quản lý.
Việc chuyển giao quyền quản lý Đền Chợ Củi đã gây không ít tâm tư với gia đình “thủ nhang” và dân địa phương. Bản thân ông Qúy và gia đình có nguyện vọng muốn tiếp tục công việc “thủ nhang”, coi sóc Đền. Vì vậy, trước khi bàn giao chìa khóa và hòm công đức, ông Nguyễn Sỹ Hóa (57 tuổi) và anh trai là ông Nguyễn Sỹ Quý (62 tuổi đã gửi đơn thư “kêu cứu” gửi ra Trung ương.
Nguyện vọng của gia đình là cam kết thực hiện nghĩa vụ từ đóng góp nguồn thu của Đền vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Thủ nhang theo quy ước là người đứng đầu và có quyền quản lý một Đền, Phủ hay Điện Thờ. Thủ nhang có thể là chủ sở hữu nơi thờ tự, hoặc cũng có thể không. Trường hợp là điện thờ tư gia thì thủ nhưng cũng chính là chủ sở hữu của điện thờ đó. Trong trường hợp là Đền Phủ do nhà nước và cơ quan chức năng quản lý thì thủ nhang chỉ là người đại diện để quản lý Đền Phủ đó chứ không phải là chủ sở hữu.
Vướng mắc ở đây, theo ông Qúy cho biết: “Khi thành lập Ban Dịch vụ công ích này thì nói là phải người của Nhà nước, mà tôi hiện đã hết tuổi lao động, lại không trong biên chế của Nhà nước, nguyên tắc của đền thì phải có thủ nhang”.
Theo báo Thanh Tra, liên quan đến việc này, ông Phạm Quang Hòa, Trưởng Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho hay: “Gia đình có nộp đơn xin tiếp tục được làm quản lý một số hoạt động. Tuy nhiên, việc này thẩm quyền thuộc cơ quan cấp trên”.
Cũng theo báo Thanh Tra, Ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết: "Việc đó chúng tôi đã giao cho Ban là đơn vị được trực tiếp giao quản lý di tích, trên cơ sở nguyện vọng và xem xét năng lực, cũng như nhu cầu của từng cá nhân cùng các điều kiện khác. Ưu tiên đối với những người, gia đình đã có công trong việc bảo vệ, gìn giữ, tu bổ lâu nay”.
Vấn đề đặt ra ở đây là công việc “thủ nhang” vốn không bị quy định bởi tuổi tác và quy định hành chính. Các nghi thức thực hành tín ngưỡng ở đình chùa, đền vốn rất phù hợp với những người lớn tuổi và giàu kinh nghiệm, có sự am hiểu về tín ngưỡng. Ông Qúy cho rằng, về việc này ông hoàn toàn đáp ứng được bởi đã nhiều năm phụ trách công việc “thủ nhang”. Nguyện vọng của ông Qúy và gia đình cũng nhận được sự đồng tình của nhiều người dân địa phương.