Nhà có năm đứa con, bây giờ nghe thấy thôi nhiều người đã thấy rùng mình vì gánh nặng kinh tế, mà ngày xưa, những năm cuối thập niên 80 thì không phải là chuyện hiếm. Câu “trời sinh voi, trời sinh cỏ” hầu như được áp dụng với tất cả các gia đình đi kinh tế mới mà đông con như nhà tôi.
Đứa lớn với đứa bé cứ sàn sàn nhau, cách nhau một đến hai tuổi là chuyện thường, bố mẹ bận đi làm đúng với từ “kinh tế mới”, rẫy nương cần khai phá, đất Tây Nguyên đỏ tươi, dẻo quánh, trồng gì lên nấy, nhưng vì thế cỏ dại cũng tốt theo, không làm cỏ kịp thì lấy gì mà ăn.
Xóm kinh tế mới chỉ bốn nóc nhà trừ nhà tôi là có bố mẹ làm cán bộ thì ba nhà xung quanh thì một nhà vừa làm rẫy vừa làm công nhân cao su, một nhà đi bốc vác, còn một nhà buôn bán ngoài chợ. Mặc dầu mỗi nhà một cảnh, một nghề khác nhau nhưng vẫn có đặc điểm chung là đều đông con, bố mẹ đi cả ngày và đều phải nuôi heo, nuôi gà để tăng gia.
Nhà khá nhất xóm là nhà buôn bán, nhà gỗ toàn bộ lại còn có cái ti vi trắng đen để cả xóm coi ké, tiếp đến là nhà tôi và nhà làm công nhân, còn nhà bốc vác vì có cái chái bếp là vẫn đang bằng rơm trộn đất để trát nên cả bọn thống nhất đây là nhà nghèo nhất xóm.
Bởi bố mẹ đi cả ngày, nhà nào cũng đông con nên việc chém to kho mặn là đặc điểm đồ ăn của cả bốn nhà để có thể làm chắc bụng những đứa trẻ đang lớn. Nếu nói kể về món ngon của những ngày 'đói kém' ấy, chắc có lẽ đám trẻ trong xóm tôi chỉ kể được mấy món của Tết, vì chỉ có ngày đó, những món ăn mới bớt được bị mặn cháy vị muối.
Vậy nên, có món lạ, không mặn đắng để phải ăn dè chừng cho bữa sau khiến tôi nhớ mãi, đó là một món xào thơm lừng mùi hành phi mỡ lợn, có màu trắng ngà rắc thêm ít hành lá xanh thẫm, nó không có hình dạng cụ thể của loại hoa quả hay thịt trứng nào vì đã vị xay tơi ra, nên dầu có cố nhìn vẫn không thể đoán ra nó được làm từ vật liệu nào.
Minh họa cho món xào bí mật của mẹ
Và lạ hơn nữa là món xào được mẹ múc một đĩa tô đầy vun đặt giữa mâm chứ không phải cái đĩa cạn nhách có ba con cá hấp, ngồi cắn đũa đợi bố mẹ vẽ phần ra rồi mới rụt rè mà nhấm nháp. Đã vậy, ngó qua nồi vẫn thấy còn hơn nửa nồi xào, mẹ đặt vào đĩa tô cái thìa ngắn miệng to để múc vào bát rải lên cơm ăn cho dễ.
Đứa nào đứa nấy đều liếm mép vì vị béo thơm của mỡ lợn hòa với vị béo béo, bùi bùi, thơm thơm của món xào bở tơi ra trong miệng, chưa kể mỗi chén cơm được mẹ múc cả ba thìa đầy vun đồ xào ấy cho vào bát.
Ngon là từ cả năm chị em tôi đều bình chọn cho món ăn mới, nhưng khi hỏi mẹ đó là món gì thì mẹ nhất định không nói tên. Chỉ biết là từ ngày có món ngon đó, cỡ một tuần hai lần chúng tôi sẽ được mẹ nấu cho ăn, mà lạ đời là cái nồi đồ ăn mọi khi được mẹ đặt trong cái chạn thôi nay lại được treo lên cao để không đứa nào với tới.
Biết là để tránh bị ăn vụng, vì sang nhà đứa bạn nào cũng thấy cảnh cái nồi đồ ăn treo cao gần nóc bếp vậy mà chúng nó vẫn tìm cách khèo xuống để ăn vụng một tí, nhưng mấy chị em nhà tôi không hay ăn vụng nên cách mẹ làm có hơi kì lạ.
Chưa kể, đến Tết, chúng tôi phải nằn nì mãi mẹ mới làm cho một nồi xào, như mọi khi mẹ vẫn treo cao và đặc biệt là mẹ không hề mời khách món xào thơm ngon đó. Mặc dầu thắc mắc, nhưng bởi Tết còn bao nhiêu việc phải vui nên cái món xào đặc biệt đó vì sao chưa có tên, vì sao không mời khách chúng tôi quên béng việc phải thắc mắc.
Nguyên liệu để mẹ làm món ăn thơm ngon cho lũ trẻ
Rồi khi kinh tế của các nhà đã bắt đầu khởi sắc thì đám trẻ chúng tôi cũng đã lớn sớm rời khỏi nhà, nhanh chóng hòa vào cuộc sống năng động nơi phố lớn cùng với những bữa ăn ở cantin, cơm bụi, cơm tấm. Những bữa ăn ngày đói lùi dần trong dĩ vãng, cái món ăn đặc biệt ngày đó chúng tôi chỉ còn được ăn mỗi khi Tết đến.
Cái vị bùi bùi, béo béo, thơm thơm vẫn còn như trong kí ức, nhưng mẹ vẫn nhất quyết không dọn món này mỗi khi có khách. Lần này, cái tính cứng đầu trong tôi đã thắng trong việc gặng hỏi mẹ về món ăn không có tên này.
Mẹ thở dài, có quý báu gì đâu mà mời khách, nhà đông con nên phải ăn như vậy chứ! Rồi mặc tôi tròn mắt ngạc nhiên, mẹ thong thả xúc một thì món xào vào miệng, mắt mẹ đỏ hoe khi ăn xong, rồi khẽ cúi mặt xuống mẹ nói nhỏ, đó là bã đậu nành đấy, người ta để nuôi heo nuôi gà. Ngày ấy khổ quá, người ta bày cho mẹ, nói là mua về cho gà ăn chứ thật ra … tiếng mẹ nhỏ dần thành tiếng nấc. Tôi giật mình vòng tay qua vai mẹ mà cũng vỡ òa theo.
Những thắc mắc ngày xưa không cần mẹ nói thêm cũng đủ hiểu, cái bí mật to lớn để dành mỗi mùa Tết chẳng cho ai ngoài những đứa con ăn làm mẹ vừa khổ sở vì dấu diếm, lại vừa muốn nhắc nhở về quãng thời gian thiếu thốn ấy khiến chúng tôi cay mắt.
5 anh chị em lớn rồi mới biết món xào của mẹ là gì
Có lẽ đã nhẹ lòng hơn sau khi thổ lộ, nên sau năm ấy, mẹ quyết định loại món bã đậu ra khỏi những món ăn ngày Tết. Nhưng Tết năm ngoái, khi nhìn thấy chị Hai mua bã đậu về mẹ đã không khỏi ngần ngừ, chị Hai cười nói, không sao đâu mẹ, giờ người ta vẫn dùng bã đậu để nấu món ăn chay mà, không tin mẹ để con bằm thịt, làm chả chiên giòn cho mẹ xem.
Mãi sau chị Hai mới thì thầm với mấy đứa em, có biết là bã đậu rẻ thế đâu, chị vô hàng đậu phụ hỏi mua năm ngàn, ông chủ đưa cho một bịch thật lớn. Ổng cười bảo, giờ còn có người nhớ để mua về nuôi heo nuôi gà thế này thì tốt quá …