Một cách thi hay một cuộc thi làm sao "chết" được cả một sự nghiệp? Và sao những người làm toán lại phải nói cho ai nghe?

Bài báo mới đây dẫn lời của GS.TS Nguyễn Hữu Dư, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, phàn nàn rằng "thi trắc nghiệm bóp chết môn toán" đang gây xôn xao và dẫn đến nhiều tranh cãi.

Về phía những người có nghề nghiệp liên quan đến môn toán cũng được dịp cảm thán: "Làm toán giờ nói ai nghe".

Có vẻ như môn toán đang "đi xuống" và cách thi cử có thể khiến nó lụi tàn?

Môn toán không thể chết! - 1

Một thí sinh với biểu cảm vui mừng sau khi kết thúc bài thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hồi tháng 6 (Ảnh: Mạnh Quân).

Từng là một người học toán, tôi ngạc nhiên với những phát biểu trên. Một cách thi hay một cuộc thi làm sao "chết" được cả một sự nghiệp? Và sao những người làm toán lại phải nói cho ai nghe?

Nếu cho rằng một điều gì đó có thể "bóp chết" toán thì lạ quá. Còn biết bao các thầy cô, các thầy cô của thầy cô… rất nhiều người đang say sưa dạy toán, học toán cơ mà!

Cách đây gần 70 năm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói với các nhà lãnh đạo giáo dục như GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Văn Huyên, GS Ngụy Như Kon Tum "nhiều ngành khác thường phải bạc đầu mới thành bác học. Toán học không phải bạc đầu đâu, ta có thể đi nhanh".

Để có thể "đi nhanh", Thủ tướng nêu lên phương hướng rất rõ ràng: "Nếu trong tất cả các trường phổ thông từ cấp I lên cấp II, ta có cách gì phát hiện phần lớn và đừng bỏ sót những em có năng khiếu đặc biệt, rồi ta có cách dạy (...), nâng đỡ cho các em phát huy tài năng của các em thì rồi đây ta sẽ có những nhà toán học trẻ có tài năng ghê gớm. Đối với ngành toán, phải làm như vậy mới kịp người ta".

Năm 1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam, mở rộng ném bom ra miền Bắc. Quyết định mở các lớp toán lúc đó thể hiện một tầm nhìn vượt trội về giáo dục. Đất nước nghèo và đang trong hoàn cảnh chiến tranh, muốn vươn lên sánh vai với nhân loại trong nền kinh tế tri thức, chúng ta lựa chọn Toán học là điểm đột phá. Không cần nhiều tiền bạc, dự án, đầu tư. Chỉ cần sự tận tâm, ham học và sáng tạo của thầy và trò, sự động viên vô điều kiện của các cấp lãnh đạo.

Mùa hè năm 1974, ngay trong lần đầu tiên đoàn Việt nam tham dự Olympic toán quốc tế, anh Hoàng Lê Minh đã đoạt giải nhất trong con mắt ngưỡng mộ của bạn bè năm châu. Thật khó có thể tưởng tượng được một đất nước bị B52 ném bom rải thảm, các học sinh phải thắp đèn dầu học trong những túp lều tranh, lại có thể bước lên bục cao nhất của một cuộc thi trí tuệ thế giới!

Từ đó đến nay, biết bao các thầy cô giáo và các em học sinh đã được say mê khám phá vẻ đẹp của tư duy qua toán học và được hưởng lợi từ toán học. Tôi cũng là một trong những người đó. Và rất nhiều bạn bè tôi cũng vậy.

Nhưng rồi gió xoay chiều. Sau Đổi mới 1986, không nhiều người tin rằng toán học là nền tảng của tương lai nữa. Những khó khăn về kinh tế đã khiến thế hệ 8x đã được cha mẹ hướng cho đi học Ngoại thương, Ngoại giao, Thương mại, Kinh tế. Rồi đến lượt họ, khuyến khích các con học Tài chính, Ngân hàng, Marketing và vô khối các loại kỹ năng mềm khác.

Đến nỗi một giáo sư toán nổi tiếng ở hải ngoại phải tâm sự với tôi, trước đây sinh viên Việt Nam sang Tây, trình bày có thể ngượng nghịu, tiếng Anh có thể không thông, nhưng luôn được khen là tư duy sáng sủa. Giờ thì các cháu trình bày tự tin, tiếng Anh lưu loát, nhưng tiếc rằng logic đã không còn sắc như xưa.

Đến nỗi, một ông em tôi viết bài kêu gọi tiết kiệm tiền học tiếng Anh, để dành thời gian học cách suy nghĩ mạch lạc bằng tiếng Việt đã bị cả cộng đồng phê phán.

Chúng ta đã bỏ những kỹ năng cứng là trí tưởng tượng, suy luận logic vốn đang sở trường sang những kỹ năng mềm như trình bày, ngoại ngữ mà thực tế là khi vào cuộc đều có thể học khá nhanh.

Khó khăn kinh tế, sự thiếu quan tâm của chính quyền, gia đình…. nhưng sự đi xuống của toán học còn có phần lỗi lớn của chính những người làm toán, những thành viên của Hội toán học Việt Nam, cả những người Việt Nam đã thành danh ở trong nước và nước ngoài nhờ toán học.

Trong khi đó, ngày nay khi ngành nghề nào cũng cần công nghệ thông tin, khi những khái niệm như "Trí tuệ nhân tạo", "Phân tích dữ liệu lớn", "Thực tại ảo" đang hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, thì Toán học lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Nói riêng về một lĩnh vực được coi là "nhạy cảm" với dân toán là kinh doanh, kiếm tiền. Với kinh nghiệm đua tranh và được chứng kiến, tôi có thể khẳng định tư duy toán học cũng có những lợi thế vượt trội. Các công ty khởi nghiệp được các nhà toán học dẫn dắt, bao giờ cũng tỏ ra chắc chắn có khả năng thành công cao.

Đó là, việc quen tiết kiệm, chi tiêu với ngân sách thấp nhất hóa ra là yếu tố sống còn để khởi nghiệp

Đó là, tư duy logic, thiết kế bài bản, không đốt cháy giai đoạn, giúp tránh được những cạm bẫy growth hacking (chiến lược tăng trưởng đốt cháy giai đoạn) và sức ép từ nhà đầu tư

Có duy nhất điều mà những người làm toán cần phải tập trung cải thiện, đó là mang toán học vào cuộc sống, hay ngược lại, miêu tả cuộc sống bằng những ngôn ngữ toán học, qua các sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Điều này cũng không khó lắm, chỉ cần thay đổi tư duy một chút.

Hãy coi làm ra một sản phẩm hay cung cấp một dịch vụ tốt, cũng như một bài toán phải giải. Lời giải càng ngắn gọn, trong sáng càng tốt. Và thực tế để muốn giải được thì phải đọc rất nhiều xung quanh và đêm nào cũng nằm mơ thấy nó.

Hai nhà Toán học Nguyễn Văn Lượng và Trần Nam Dũng đã lập ra trung tâm Titan, dạy dỗ hàng ngàn học sinh yêu toán trên cả nước, tạo cảm hứng cho hàng chục nghìn các bạn khác. Những công việc như tổ chức các cuộc thi, ra tạp chí toán, gặp gỡ Việt Nam và thế giới, không việc gì muốn làm mà không làm được, chẳng cần phải trông đợi vào nhà nước.

Hay giáo sư Tiến Dũng ở Toulouse (Pháp), sau những tháng ngày vất vả đi nhiều nước để gặp các bác sĩ, gọi vốn nhà đầu tư, lập trình…, vừa mới khoe với tôi rằng sản phẩm khám bệnh da qua hình ảnh chụp bằng smartphone của nhóm nghiên cứu do anh dẫn dắt "chắc chắn là cạnh tranh được với những nhóm hàng đầu trên thế giới".

Cách đây mấy tháng, tôi cùng với một người bạn, thành lập một quỹ có tên là Ái Việt để hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp. Tôi có nói với nhân viên: nhớ ưu tiên các nhà sáng lập xuất thân là dân toán nhé.

Bạn nhân viên phản đối kịch liệt, cho đến khi tôi đưa ra ví dụ những người giỏi toán khởi nghiệp thành công, mà chính bạn nhân viên này cũng là "sản phẩm của chuyên toán". Thế là chúng tôi thống nhất, nhà sáng lập đã từng học chuyên toán sẽ được ưu tiên!

Tôi tin là sẽ có ngày, "thực tại ảo", hình ảnh các nhà toán học yếm thế sẽ biến thành thực tế thật của một nền toán học hùng mạnh, có vị trí xứng đáng trong xã hội đang biến đổi không ngừng!

Vì vậy, chúng ta đừng sợ điều gì sẽ bóp chết môn toán.

Tác giảÔng Nguyễn Thành Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tại trường Đại học Lomonosov, Liên Xô (cũ). Là một trong những người sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nam từng giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn này; sau đó ông rời vị trí CEO FPT để thử sức ở lĩnh vực giáo dục, với khởi đầu là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Ông Nam cũng được biết đến là người khởi xướng dự án đại học trực tuyến FUNiX.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Môn toán không thể chết!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO