Món côn trùng giòn rụm, đắt lạ, khách 'yếu tim' không dám động đũa ở Đồng Nai

Phan Đậu (Phan Đậu)| 01/04/2022 16:34

Thoạt nhìn, dế cơm có vẻ ngoài xấu xí, kém hấp dẫn nhưng chúng lại là nguyên liệu chế biến nên nhiều món ngon nức tiếng ở Long Khánh (Đồng Nai), thu hút khách thập phương.

Nhiều năm trở lại đây, khi nhu cầu thưởng thức “của ngon vật lạ” của thực khách tăng cao, dế cơm nhanh chóng trở thành đặc sản hấp dẫn tại vùng đất Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) và được giới sành ăn nhiệt tình săn đón.

Trước đây, dế cơm là món ăn dân dã của bà con bản địa nhưng dần dần trở thành đặc sản “độc nhất vô nhị” được nhiều người ưa chuộng, có giá thành cao, khoảng 3.000 - 5.000 đồng/con, tùy kích cỡ và chất lượng

Món côn trùng giòn rụm, đắt lạ, khách 'yếu tim' không dám động đũa ở Đồng Nai - 1

Vài năm nay, dế cơm trở thành đặc sản nổi tiếng ở Long Khánh (Đồng Nai) được nhiều thực khách săn đón, tìm mua (Ảnh: Trung Lê)

Theo nhiều người địa phương có kinh nghiệm, thời điểm dế cơm sinh sản nhiều nhất là vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi những cơn mưa cuối mùa dần thưa thớt. Lúc ấy, người dân Long Khánh bắt đầu vào rừng, nương rẫy hay các đồn điền cao su để “săn” dế cơm.

Dế cơm là loài côn trùng sống tự nhiên dưới lòng đất, trong những cái hang có độ sâu và ngóc ngách khác nhau. Để bắt được loại dế này, người ta phải dùng nhiều cách, phổ biến nhất là bắt kiến nhọt thả xuống rồi lấp miệng hang. Chờ khoảng vài phút, dế cơm bị kiến nhọt cắn sẽ nhảy bật lên khỏi miệng hang, những người đi săn tha hồ bắt.

Ở một số nơi, việc bắt kiến nhọt không dễ, người ta sẽ dùng cọng bông cỏ gạo (hay còn gọi cỏ lá tre) làm cần câu bắt dế cơm.

Món côn trùng giòn rụm, đắt lạ, khách 'yếu tim' không dám động đũa ở Đồng Nai - 2

Dế cơm khó đánh bắt, lại không thể nuôi, chỉ tìm thấy trong tự nhiên nên có giá thành cao (Ảnh: Trung Lê)

Anh Trần Văn Tám (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) có hơn 4 năm “săn” dế cơm. Anh cho biết, muốn bắt được loài côn trùng này phải canh chừng ở trước những cái hang nhỏ xíu, ẩn sâu trong lòng đất. Đặc biệt, nên “săn” dế cơm vào lúc sáng sớm vì thời điểm này, chúng to tròn và béo nhất.

“Việc bắt dế cơm không dễ vì không phải khu vực nào cũng có loài côn trùng này sinh sống. Thông thường, dế cơm chỉ xuất hiện ở những gò đất cao, nhất là các bãi cát bỏ hoang hoặc nơi trồng khoai, đậu,...”, anh Tám nói.

Người đàn ông này tiết lộ thêm, sở dĩ người ta thường bắt dế cơm thay vì bắt các loại dế khác như dế than, dế lửa, dế tiêu… bởi chúng ăn cỏ nên rất sạch, có độ béo mập, to và hương vị thơm ngon đặc trưng. Trung bình mỗi ngày, anh Tám bắt được 150 - 200 con dế, ngày nào “trúng đậm” thì có thể lên tới 250-300 con.

Món côn trùng giòn rụm, đắt lạ, khách 'yếu tim' không dám động đũa ở Đồng Nai - 3

Giá dế cơm đầu mùa khá đắt, mỗi con khoảng 4.000 - 5.000 đồng vì việc săn bắt khó khăn. Tuy nhiên, vào vụ, loài côn trùng này được bán với giá rẻ hơn, khoảng 2.000 - 3.000 đồng/con.

Món côn trùng giòn rụm, đắt lạ, khách 'yếu tim' không dám động đũa ở Đồng Nai - 4

Dế cơm sống trong môi trường tự nhiên, ăn cỏ nên rất sạch, có vị béo ngậy, thơm ngon (Ảnh: Trung Lê)

Không chỉ “săn” dế cơm khá khó mà việc chế biến chúng cũng đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công. Dế bắt về được đem rửa sạch, móc ruột, bẻ sạch cánh, đuôi và hai cẳng chân sau. Vì loài dế này có kích thước to nên người dân Long Khánh thường nhồi thêm nhân vào bụng chúng trước khi nấu để tăng hương vị đậm đà, tạo thành đặc sản trứ danh.

Phần nhân này gồm thịt ba chỉ băm nhuyễn, trộn đều với gia vị, tiêu, tỏi, nước mắm rồi bọc kín hạt lạc (đậu phộng) rang. Sau đó, người ta nhét hỗn hợp đó vào bụng từng con dế. Công đoạn này phải thật cẩn thận, tránh làm thân dế cơm bị rách, vỡ, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.

Món côn trùng giòn rụm, đắt lạ, khách 'yếu tim' không dám động đũa ở Đồng Nai - 5

Dế cơm chiên nước mắm là món nhậu khoái khẩu được “cánh mày râu” yêu thích vì hương vị thơm ngon, đậm đà và độ giòn rụm hấp dẫn (Ảnh: Út Loan)

Món côn trùng giòn rụm, đắt lạ, khách 'yếu tim' không dám động đũa ở Đồng Nai - 6

Dế chiên giòn ăn kèm lá lốt trở thành món nhậu khoái khẩu của nhiều thực khách (Ảnh: Trung Lê)

Dế cơm sau khi sơ chế sạch, nhồi nhân có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như chiên giòn, chiên nước mắm, kho mặn, xào sả ớt,... Với món chiên giòn, đầu bếp chỉ cần nhúng dế cơm vào lòng trắng trứng, lăn qua lớp bột mì rồi thả vào chảo ngập dầu đang sôi. Khi chúng chuyển sang màu vàng cánh gián, dậy mùi thơm nức mũi thì có thể vớt ra, để ráo dầu rồi ăn kèm lá lốt hoặc ăn với rau thơm, cà chua,... đều ngon.

Món dế cơm chiên nước mắm được xem là ngon và hấp dẫn nhất, khiến cả người dân và thực khách thập phương đều say mê. Dế làm sạch, đem chiên trực tiếp trong dầu nóng rồi vớt ra, chuyển sang chảo khác để đảo cùng nước mắm, tỏi, ớt tùy thích. Món này ăn ngay khi nóng, thưởng thức cùng cơm trắng rất ngon.

Món côn trùng giòn rụm, đắt lạ, khách 'yếu tim' không dám động đũa ở Đồng Nai - 7

Dế cơm được đóng gói, vận chuyển tới nhiều tỉnh thành xung quanh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đặc sản nổi tiếng của thực khách cả nước (Ảnh: Dat Le Van)

Dế cơm có vị béo ngậy, giòn rụm, hòa quyện cùng vị đậm đà của thịt xay, lạc rang càng làm tăng thêm độ ngon của món ăn. Tuy nhiên, với những thực khách lần đầu thưởng thức sẽ có chút dè chừng, thậm chí rùng mình vì vẻ ngoài của loài côn trùng này khá xấu xí. Còn những người ăn quen, có cơ hội nếm thử nhiều lần sẽ cảm thấy say mê, thích thú hương vị lạ miệng của dế cơm.

Ngày nay, dế cơm đã xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn tại Đồng Nai, nhất là Long Khánh. Thậm chí, loài côn trùng này còn được người dân làm sạch, đóng gói để vận chuyển tới nhiều tỉnh thành, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách thập phương.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/mon-con-trung-gion-rum-dat-la-khach-yeu-tim-khong-dam-dong-dua-o-dong-nai-c12a28809.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/mon-con-trung-gion-rum-dat-la-khach-yeu-tim-khong-dam-dong-dua-o-dong-nai-c12a28809.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Món côn trùng giòn rụm, đắt lạ, khách 'yếu tim' không dám động đũa ở Đồng Nai
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO