Đây là kết quả cuộc khảo sát do Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC)phối hợp với công ty Valisethực hiện trong tháng 1 - 2/2021, với sự tham gia của phụ nữ trên khắp Nhật Bản đã từng đi du lịch nước ngoài ít nhất một lần trong năm 2019, trong đó chiếm khoảng 90% là hai nhóm tuổi 20-29 và 30-39.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến công bố kết quả khảo sát ngày 22/6, bà Yui Hiramatsu - Trưởng phòng Giải pháp Marketing của Valise, cho biết có tới 24% số nữ du khách tham gia khảo sát chọn du lịch Việt Nam vì đồ ăn ngon, trong khi 17% lựa chọn Việt Nam vì có các thành phố muốn đến, 15% vì có những điểm du lịch hấp dẫn và 12% vì chi phí du lịch rẻ. Các nguyên nhân khác gồm: vì gần Nhật Bản (chiếm 7%), vì có bầu không khí hấp dẫn (9%), vì có các khách sạn đẹp (13%) và vì có thiên nhiên phong phú (3%). Đáng chú ý, chỉ có 1% cho biết họ chưa từng cân nhắc tới thăm Việt Nam hoặc Campuchia, trong khi tỷ lệ này đối với Lào là 16% và đối với Myanmar là 18%.
Bà Yui nhấn mạnh đồ ăn ngon chính là điểm làm nên sự khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Bên cạnh đó, thế mạnh của Việt Nam là mỗi địa phương có những vẻ đẹp riêng. Do vậy, các nữ du khách Nhật Bản có thể lựa chọn điểm đến phù hợp với mục đích đi du lịch như đi tắm biển, mua sắm hay thưởng thức các món ăn. Đặc biệt, theo bà Yui, không có bất cứ nữ du khách nào trả lời rằng họ không thực sự có ấn tượng với Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Yui cũng chỉ ra một số điểm hạn chế của Việt Nam từ cuộc khảo sát này. Chẳng hạn, một số người tham gia khảo sát cho biết họ chưa được nghe về bất kỳ lễ hội hay sự kiện đặc biệt nào ở Việt Nam, trong khi đây lại là lý do để các nữ du khách quyết định điểm đến trong tương lai. Bên cạnh đó, văn hóa cà phê ở Hà Nội, thường được coi là “Melbourne thứ hai”, là một trong những điểm hấp dẫn đối với phụ nữ nhưng nhiều người vẫn chưa biết điều đó. Ngoài ra, một số người vẫn có ấn tượng “chi phí du lịch ở Việt Nam đắt đỏ”.
Liên quan tới việc thu hút du khách trong thời hậu dịch COVID-19, theo kết quả khảo sát, có ba vấn đề mà các nữ du khách Nhật Bản quan tâm nhất lần lượt là sự sạch sẽ của điểm đến, bảo hiểm và các lợi ích khác, và hệ thống y tế ở nơi đến. Mặc dù vậy, theo bà Yui, trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người chú ý hơn tới tình hình dịch COVID-19 và các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở nơi đến hơn là sự sạch sẽ.
Đối với vấn đề thu thập thông tin du lịch, kết quả khảo sát cho thấy tất cả những người tham gia đều sử dụng mạng xã hội, trong đó đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng Instagram lên tới 100%, tiếp đó là Twitter, Youtube, Pinterest và một số mạng xã hội/blog khác. Những thông tin phổ biến mà họ thường thu thập là thông tin về các điểm du lịch, thực phẩm, đồ uống và nhà hàng, các quán cà phê và khách sạn…
Theo Tổng cục Du lịch Nhật Bản, số lượng người Nhật đi du lịch nước ngoài đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 20 triệu người vào năm 2019, trong đó nữ giới ở độ tuổi 20-29 đứng đầu về cả độ tuổi và giới tính. Vì vậy, việc hoạch định các chính sách nhắm vào các đối tượng này là rất quan trọng trong thời hậu dịch COVID-19.