Gọi là canh chua vì đặc điểm chung của món này dù thay đổi theo công thức, vùng nào cũng buộc phải giữ vị chua thanh trong canh bằng nguyên liệu từ các loại hoa quả hay lá.
Ngoài top 10 món cá ngon nhất thế giới, canh chua cá của Việt Nam còn đứng vị trí thứ 27 trong danh sách những món xúp ngon nhất thế giới và những món hải sản ngon nhất thế giới của trang web này.
Nếu ai đã từng lớn lên ở miền Tây thì sẽ chẳng ai mà quên được món canh chua cá lóc. Mỗi lần tết đến hoặc đi xa trở về quê, được thưởng thức món canh chua, ngửi mùi “huyền diệu” của các loại rau sau vườn, những kí ức về quê luôn đong đầy trong ký ức. Nhiều người đánh giá đây là món ăn vừa hào phóng vừa đậm đà phong vị thời khẩn hoang. Hào phóng vì nó kết hợp với nhiều loại rau, mỗi loại đều có vị thuốc nhằm điều chỉnh sự mất quân bình âm dương trong cơ thể; đồng thời góp phần kích thích tiêu hóa, làm cho ngon miệng.
Món canh chua có đến gần chục nguyên liệu, nào là giá đỗ, thơm, cà chua, đậu bắp, dọc mùng, ngò gai, ngò om... chưa kể còn những thứ làm chua như me, khế hay mấy loại rau muối lên men.
Mỗi người có những cách nấu, cách sử dụng nguyên liệu khác nhau cho nồi canh chua. Các bà nội trợ hay dùng chanh, me, giấm nhưng có người lại chỉ dùng mỗi me, vì me là nguyên liệu có sẵn trong vườn. Nồi canh chua như một “thang thuốc” với đủ thành phần dinh dưỡng với các vị mặn, ngọt, chua, cay, nồng bên cạnh những nguyên liệu, gia vị hoàn toàn Việt. Người thưởng thức chỉ nếm thôi cũng đủ biết tay nghề của thợ nấu thế nào.
Vào mùa nước nổi, người ta lại thích ăn món canh chua cá linh, bông điên điển, vì lúc này rất nhiều. Mùa này cánh đồng mênh mông nước. Men theo những cây điên điển trổ bông vàng óng đong đưa theo từng nhịp sóng trên đồng, sẽ hái được cả rổ bông điên điển. Có bông điên điển là nghĩ ngay đến cá linh. Việc mua cá linh lúc này ở vùng đầu nguồn lũ rất dễ dàng, ở tại nhà cũng mua được, từ những người bán dạo.
Khi nước tràn ngập các bờ sông, bờ ruộng, cũng là lúc điên điển trổ đầy cành những đóa hoa vàng rực.
Cá linh được cắt bỏ phần đầu, bông điên điển rửa sạch. Khi nồi nước sôi sùng sục thì đổ cá linh vào vớt bọt, cho bông điên điển vào, nêm me chua và các gia vị như đường, ớt, nước mắm,... cá và bông điên điển vừa chín tới thì tắc bếp, múc ra dùng.
Món canh chua cá linh nấu với bông điên điển khi ăn vào cảm nhận được vị chua của me, thơm của cá linh và cả vị nhẫn nhẫn, giòn của bông điên điển, vị cay của ớt hòa cùng nước mắm cũng chế biến từ cá linh thật là thú vị.
Canh chua bông điên điển là đặc sản mùa nước nổi ở miền Tây.
Cá ngát nấu canh chua cũng là món ăn bổ dưỡng và được nhiều người dân miền Tây ưa thích. Cá ngát thuộc lớp cá da trơn, sống trong môi trường nước mặn, sinh sống nhiều ở các tuyến sông rạch, ao đầm nuôi tôm và vùng đất ngập mặn ven biển ở Cà Mau. Cá ngát ít xương, nhiều thịt, thịt thơm và béo.
Chế biến món canh chua cá ngát cũng đơn giản, không cầu kỳ và cũng giống như nhiều loại canh chua khác. Cá ngát nấu canh chua thường chọn cá ngát tương đối lớn (khoảng 800 gam trở lên), còn sống thì thịt cá mới tươi ngon. Tốt chất là nên lấy phần đầu để nấu canh chua. Vì đầu cá ngát béo và thơm ngon hơn phần thịt.
Nên sử dụng lẩu khi ăn canh chua cá ngát để canh được nóng, nhúng được nhiều rau. Canh chua cá ngát chấm với muối ớt hoặc nước mắm mặn.