Theo Techcrunch, ở một góc độ nào đó, bất kể công ty nào, trong đó có cả hãng xe điện Tesla, cũng cần có một Tim Cook - CEO một tay giúp Apple nằm trong top những công ty giá trị nhất thế giới.
Trang tin này cho rằng, hiện tại, Tesla, với bộ máy vận hành theo kiểu phân cấp, đang không có người thừa kế rõ ràng. Không ai sẵn sàng đứng lên tiếp quản đế chế xe điện khổng lồ này nếu Elon Musk một ngày nào đó bất ngờ tuyên bố rời khỏi chiếc ghế CEO để tập trung phát triển dự án khác. Tesla chính là Musk và dường như mọi chuyện xảy ra với Tesla đều cần Musk nhúng tay. Nói cách khác, Tesla lúc này không thể dứt được Elon Musk.
Tesla hiện không có bộ phận PR. Toàn bộ thông tin đều được Elon Musk đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân. Ông thừa nhận rằng hầu hết những gì trước nay bản thân gây dựng được “không phải do tôi muốn, mà vì tôi phải làm’’.
Elon Musk thừa nhận rằng hầu hết những gì trước nay bản thân gây dựng được “không phải do tôi muốn, mà vì tôi phải làm’’. |
Việc Tesla được tỷ phú giàu nhất thế giới tham gia gây dựng và phát triển được cho là rất tốt, song nếu tương lai hãng xe này chỉ đơn thuần dựa vào các sản phẩm đang dần mất đi vị thế độc tôn, việc chỉ có một người lãnh đạo duy nhất rất có thể sẽ khiến “ông vua’’ này phải từ bỏ “ngai vàng’’.
Quyết định độc đoán của Elon Musk biến Tesla trở thành nhà máy sản xuất ô tô gần như tự động là một ví dụ. Vị CEO này đã nhanh chóng nhận ra đây là một sai lầm lớn bởi chúng đã khiến quá trình sản xuất Model 3 giảm tốc và không thể đáp ứng kịp lượng đơn đặt trước của khách hàng. Điều Tesla tiếc nhất khi đó, có lẽ là việc Elon Musk không có nhiều cánh tay đắc lực để có thể cùng đưa ra phương án phát triển hoàn mỹ nhất.
Elon Musk liệu có đang tạo ra môi trường làm việc "độc hại"?
Đúng là hiện tại Tesla vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, lợi nhuận hàng quý và số lượng các đơn đặt hàng đều chứng kiến những con số kỷ lục, song công ty này vẫn gặp phải không ít các vấn đề liên quan đến độ an toàn của xe. Một mình Elon Musk sẽ khó có thể bao quát hết quá trình vận hành của cỗ máy chưa thực sự hoàn hảo này.
Trong khi đó, thứ duy nhất Tesla đang thừa lại là những dòng tweet.
Tesla không có bộ phận truyền thông nên mọi thông tin đều được thông báo qua tài khoản chính thức của Tesla hoặc Elon Musk. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Twitter của CEO này chỉ xoay quanh chủ đề công việc. Thay vào đó, lại có quá nhiều những “trò đùa” diễn ra trên nền tảng này, từ việc thao túng mua cổ phiếu meme đến những chiếc Tweet dày đặc mâu thuẫn chính trị, từ đó vô hình chung làm loãng đi những mẩu tin tức về Tesla.
Tờ Business Insider trước đó từng trích lời một cựu quản lý của Tesla rằng Elon Musk đang tạo ra môi trường làm việc “độc hại’’ với những mục tiêu “cao không tưởng’’, song lại không có kế hoạch cụ thể để đạt được chúng.
Đáp lại, Elon Musk chỉ khẳng định: “Nếu các nhà đầu tư biết được khối lượng công việc của tôi tại Tesla, họ sẽ khá lo lắng đấy. Không phải tôi muốn thế, mà là công ty cần hoàn thành mọi việc”.
Theo CNBC, hồi năm 2018, nhiều nhân viên đã từng hoặc đang làm việc tại Tesla đều nhận xét rằng sự cực đoan của Musk đã ảnh hưởng tiêu cực tới công ty. Họ cho rằng ông quá coi trọng tiểu tiết.
Trên thực tế, khi được hỏi về lý do không chia sẻ nhiều công việc cho nhân viên, Musk chỉ trả lời rằng ông không thể tìm được ai thích hợp để giao việc. Nỗ lực của nhân viên dường như chưa bao giờ đủ để thỏa mãn cơn cuồng công việc của vị tỷ phú từng dành tới 100 giờ mỗi tuần để cống hiến cho Tesla và SpaceX.
Đây có thể là một trong những lý do khiến Tesla có tỷ lệ giám đốc nghỉ việc cao. Theo nhà phân tích Toni Sacconaghi của AllianceBernstein, tỷ lệ nghỉ việc của các lãnh đạo làm việc cho Musk lên tới 44% trong 9 tháng đầu năm 2019.
Công ty Tesla |
“Với tỷ lệ này, toàn bộ đội ngũ giám đốc hơn 150 người có thể ra đi trong chưa đầy 4 năm. Tỷ lệ thôi việc cao không chỉ gây ra nhiều bất ổn mà còn cho thấy những quan ngại về định hướng và môi trường làm việc của công ty”, chuyên gia Sacconaghi nhận xét.
Tesla cần giống Apple
Vì lợi ích của công ty, Tesla cần hướng tới một tương lai xa hơn - thời điểm mà Elon Musk không còn nắm quyền lãnh đạo. Những gì xảy ra với Apple sẽ là bài học giá trị.
Trong nhiều năm, hoạt động kinh doanh của Apple từng gắn bó sâu sắc với Steve Jobs - người đã giúp công ty này thoát khỏi bờ vực phá sản và mở ra cuộc cách mạng mới cho chiếc điện thoại thông minh. Có thể nói, không có Jobs thì không có Apple. Nhưng một công ty không thể nào dưới trướng một người mãi.
Tim Cook gia nhập Apple vào năm 1998 trong vai trò phó chủ tịch cấp cao phụ trách bộ máy hoạt động của Apple trên toàn cầu. Năm 2011, ông được bổ nhiệm làm CEO, sau đó giúp Apple tăng hơn gấp đôi doanh thu và lợi nhuận.
Tim Cook |
Cook không có sự can đảm hay tầm nhìn như Steve Jobs. Thay vào đó, ông thuê những người đủ thông minh và tài giỏi để thay mình làm việc mà vẫn đảm bảo rằng Apple tiếp tục có lãi và cung cấp các sản phẩm chất lượng cho thị trường.
Nhiều người cho rằng Tesla cần một Tim Cook như thế. Hãng sản xuất ô tô điện này cần một nhà lãnh đạo có thể tiếp tục cho ra mắt các dòng EV mang nhiều tính năng thú vị, song vẫn phải đảm bảo rằng xe được giao đúng hẹn mà không gặp sự cố. Dù muốn hay không, các đối thủ của Tesla vẫn đang ngày càng thu hẹp khoảng cách và sẵn lòng mời chào các chủ sở hữu Model 3 chuyển sang mua các sản phẩm của họ. Chính vì vậy, một ngày nào đó, nếu không được “nuôi dưỡng’’ thích hợp, “cây đa’’ Tesla rất có thể sẽ không giữ nổi “chiếc vương miện’’ cho chính mình.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, Techcrunch, BI)