Mỗi ngày thu tiền triệu nhờ đi hái “lộc trời”

20/06/2022 13:02

Trung bình mỗi chuyến đi “săn” nấm linh chi kéo dài từ 2 - 3 ngày, nếu may mắn họ có thể kiếm được vài triệu đồng. Bà con vùng cao ví nấm linh chi là “lộc trời” ban tặng để có tiền trang trải thêm cho cuộc sống.

Ổn định nhờ đi lấy nấm linh chi

Ông B’rông Thâm (thôn 1, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc) được xem là một trong những tay sành sỏi trong nghề hái nấm linh chi ở địa phương. Chúng tôi gặp ông, khi ông vừa trở về từ chuyến đi “săn” nấm kéo dài 3 ngày trên các triền núi trải dài gần 20 km theo hướng phía Gia Bắc, giáp ranh tỉnh Lâm Đồng. Khuôn mặt ông đen sạm bởi sương gió nhưng lộ rõ niềm vui, phấn khởi bởi chuyến đi thu hoạch được nhiều “lộc trời”.

nam-1-.jpg
Nấm linh chi rừng La Dạ.

Ông Thâm cho biết, trước đây nghề hái nấm linh chi rất dễ dàng, bởi nấm rất nhiều nhưng ít người biết đến. Thế nhưng, từ khi người dân phát hiện ra nhiều công dụng của nó thì giá nấm linh chi ngày một cao, người đi lùng hái càng nhiều nên linh chi ngày càng ít đi. Vì vậy, thay là vì đi về trong ngày như trước đây, thì ông Thâm cùng nhiều người dân trong làng đã tụ họp thành nhóm từ 3 – 4 người đi sâu vào trong rừng săn nấm từ 2 -3 ngày mới quay trở về.

Theo ông Thâm, cứ sau mùa mưa, thì nấm linh chi bắt đầu sinh sôi nảy nở. Để đến được những khu vực có nấm, ông cùng với các thành viên trong đoàn phải chuẩn bị hành lý như quần áo, gạo, cá khô… và xuất phát từ 6h sáng, lội qua nhiều con suối, băng qua nhiều cánh rừng mới đến được nơi “trú ẩn” của nấm. “Chuyến đi nào thuận lợi, được ông bà thương thì có thể kiếm được từ 15 – 20 kg nấm, thu về tiền triệu. Nhưng cũng có những chuyến đi chỉ kiếm được vài kg, đủ mua gạo và cá khô. Chẳng hạn như chuyến tôi vừa mới đi về, được hơn 15kg nấm linh chi tươi, bán được số tiền khá. Nghỉ ngơi, 2 ngày sau tôi sẽ đi lại”, ông Thâm chia sẻ.

Bà K’Thị Hèm (52 tuổi, thôn 3, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc) cũng là một trong những người thường xuyên vào rừng “săn” nấm để kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, thời điểm này khi vụ mùa thu hoạch đã xong, bà lại cùng với 4 thành viên khác trong gia đình, băng đường rừng hơn 10 km, vào núi Sà Luân sau làng để tìm nấm linh chi.

Bà kể, ở khu vực núi này, linh chi chỉ mọc trên những cây đã chết đứng, không bao giờ mọc trên những thân cây còn sống. Trong hành trình đi, có khi nhóm của bà bắt gặp được hàng trăm tai nấm chen nhau trên những thân cây đã chết. Lúc đấy mừng lắm. “Do vậy, khi thu hái, tôi bao giờ cũng để lại một phần chân nấm để có nguồn thu cho mùa sau. Bởi khi có mưa, linh chi sẽ tiếp tục mọc lên”, bà Hèm nói.

“Lộc trời” ngày càng khan hiếm nên muốn tìm kiếm được vùng nấm mới, từng nhóm “thợ” phải đi sâu vào các ngõ ngách của các cánh rừng. Nơi mà càng ít người lui tới, sẽ càng có nhiều nấm. Chính vì thế, đòi hỏi mỗi người đi rừng phải có sức khỏe, sự bền bỉ. Tuy nhiên, nghề hái “lộc trời” cũng chẳng dễ dàng chút nào khi trong mỗi chuyến đi, việc các thành viên trong đoàn bị muỗi, vắt cắn cũng trở nên bình thường. “Chúng tôi cũng thường xuyên đối diện với rắn độc, rồi những cơn mưa rừng có lũ. Hay những lần da thịt bị gai, cây rừng cắt chảy máu. Hiểm họa rình rập là vậy nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên các chuyến đi “săn” lùng nấm của chúng tôi vẫn cứ nối tiếp nhau”, bà Hèm bộc bạch thêm.

Ông Xim Miêm - Chủ tịch UBND xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, ở vùng cao này, mùa nấm linh chi thường bắt đầu từ giữa tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 7, đã tạo cơ hội cho người dân địa phương có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Sau mỗi chuyến đi, người kiếm được ít thì cũng vài trăm ngàn, người nhiều thì cũng được vài triệu đồng. Một số tiền cũng kha khá đối với những người nghèo ở vùng cao.

Dược liệu quý

Bấy giờ ở vùng cao La Dạ, những cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã cũng chính là những điểm thu mua nấm linh chi cho bà con sau khi đi rừng về. Cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Thủy (thôn 3, xã La Dạ) trung bình một ngày lại có khoảng từ 3 - 5 người dân đến bán nấm. Chị Thủy cho biết, cửa hàng chị thu mua chủ yếu là nấm linh chi đỏ và nấm linh chi đen, trong đó nấm linh chi đỏ là loại nấm khá phổ biến trong những cánh rừng, giá thu vào khoảng 100.000 – 130.000 đồng mỗi kg tươi, tùy theo kích thước tai nấm nhỏ hay lớn. Còn nấm linh chi đen thì giá cao hơn, nhưng loại này khá hiếm.

nam-2-.jpg
Phân loại nấm rừng.

“Mỗi mùa nấm linh chi, tôi có thể thu mua từ 3 – 5 tạ. Có thời gian lên đến đỉnh điểm là 1 tấn kg tươi. Sau khi thu mua thì tôi đem phơi khô, trung bình khoảng 2,3 kg tươi sẽ được 1 kg khô. Rồi bày bán tại quán, nhiều du khách vãng lai đi ngang qua thấy sẽ mua về sử dụng hoặc làm quà, với giá từ 300.000 – 400.000 đồng/kg đối với linh chi đỏ”, chị Thủy chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo chị Thủy, khách hàng là du khách thì rất ít, chủ yếu vẫn là các đầu nậu ở Phan Thiết, Đức Linh, Tánh Linh đến thu mua. Các đầu nậu này sẽ bán cho thương lái phía Bắc hoặc bán trực tiếp cho thương lái Trung Quốc để làm dược liệu.

Còn cửa hàng tạp hóa của ông Trần Văn Bình cũng trên địa bàn xã La Dạ, trung bình mỗi ngày ông mua được khoảng 10 – 15 kg, chủ yếu từ các mối quen đi rừng. “Nấm linh chi lấy từ rừng, chữa bệnh rất tốt nên các tiệm thuốc đông y và người sành về đông y rất thích mua nấm linh chi rừng bởi dược tính của nó cao hơn so với nấm trồng. Tôi thu mua của bà con bao nhiêu đều hết bấy nhiêu vì từ miền xuôi lên mua rất nhiều, thậm chí còn đặt trước”, ông Bình nói.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma Iucudum. Theo các chuyên gia, nấm này là một trong những loại thuốc quý, giúp giải độc tố phòng ngừa bệnh tật. Nấm đem sấy khô có mùi thơm đặc trưng, ngâm với rượu hoặc nấu nước uống sẽ hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tắc mạch máu não, chứng táo bón hiệu quả, ung thư và hạn chế tình trạng xơ cứng động mạch, giải độc cơ thể, phòng ngừa bệnh tim mạch, tăng tuổi thọ cao…

Với những công dụng quý, mong rằng “lộc trời” sẽ không bao giờ cạn để người dân vùng cao có thêm thu nhập, cuộc sống thêm ấm no.

Theo Báo Bình Thuận

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỗi ngày thu tiền triệu nhờ đi hái “lộc trời”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO