Môi giới bất động sản chuyển nghề bán cơm chiên, phở bò

03/09/2023 11:08

Kể từ khi bất động sản rơi vào khó khăn, một số công ty môi giới thật sự đã bị bỏ lại phía sau. Phần lớn môi giới đã chuyển sang làm công việc khác, như bán cơm, phở, cà phê...

Chuyển nghề để sống

Anh Trần Văn Thanh, giám đốc một công ty môi giới bất động sản khu vực Bến Cát (Bình Dương) đã mở quán bán cơm chiên, phở bò được khoảng 4-5 tháng nay. Kinh doanh thuận lợi, anh còn mở thêm cửa hàng thứ 2, trong khi ban đầu chỉ có ý định buôn bán tạm thời chờ thị trường bất động sản "ấm" trở lại.

Anh Thanh gắn bó với nghề được khoảng 10 năm. Ban đầu, anh là nhân viên môi giới trực tiếp các dự án, lô đất cho khách hàng. Sau đó, thị trường phát triển tốt, anh cùng người bạn tự mở công ty, duy trì gần 10 nhân sự.

Từ năm 2022, thị trường bất động sản gặp khó, thu nhập không đủ bù đắp chi phí. Có lúc, anh dùng tiền cá nhân để đầu tư chứng khoán, mong muốn lời chỗ này đắp lỗ chỗ kia. Nhưng chứng khoán cũng dập dìu, anh lỗ thêm một khoản.

"Từ ngày bán phở, tôi thu về tiền tươi mỗi ngày, ăn thật làm thật, vài tháng là hòa vốn. Văn phòng tôi đã đóng cửa, không phải trả mặt bằng thuê vì đó là đất của nhà. Một thời gian nữa rồi tính tiếp", anh Thanh nói.

Trường hợp của anh Thanh trùng lặp với một kết quả khảo sát mới đây của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services (DXS - FERI).

Trong nửa đầu năm, khảo sát đối với gần 500 môi giới đã ngưng hoạt động, DXS - FERI thu về kết quả 52% chưa có ý định trở lại làm việc trong năm nay. 36% sẽ trở lại khi thị trường hồi phục và một tỷ lệ nhỏ hơn, chỉ 12% người được hỏi dự kiến quay trở lại vào năm nay.

Môi giới bất động sản chuyển nghề bán cơm chiên, phở bò - 1

Môi giới bất động sản rời bỏ thị trường khi bất động sản gặp khó (Ảnh: Hà Phong).

Tại sự kiện diễn ra gần đây, bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Đất Xanh Services, nói tròn một năm kể từ ngày bất động sản rơi vào khó khăn, một số công ty môi giới thật sự đã bị bỏ lại phía sau, hiện giờ có thể còn sếp, còn chủ nhưng không còn nhân viên.

Một số công ty vẫn đang tiếp tục gồng với số lượng nhân sự tối thiểu để duy trì. Bà cũng ghi nhận thị trường có tình trạng môi giới mở thêm dịch vụ mới, như mở quán cà phê, môi giới du học, môi giới xuất khẩu lao động.

Cũng theo khảo sát trên, khoảng 10% môi giới sẵn sàng rời ngành trong năm nay, 19% người được hỏi trả lời rằng hoạt động nghề môi giới bất động sản song song với việc tìm thêm công việc khác để ổn định cuộc sống. Dự báo đến cuối năm nay, số lượng môi giới còn lại tối đa 20-30% so với cuối năm 2022, bà Liên cho hay.

Khảo sát từ bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường BHS Group cũng chỉ ra lực lượng môi giới đã "biến mất" một cách nhanh chóng. Cách đây hơn 1 năm, một sản phẩm mới ra thị trường có tới hàng ngàn môi giới tham gia. Nhưng hiện nay, đến 70% môi giới đã chuyển sang làm công việc khác. 30% còn lại là những người lành nghề, có sẵn tích lũy tiền bạc mới chống chọi được trong thời gian khốc liệt vừa qua.

Đồng thời, báo cáo còn cho thấy sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động lên đến gần 50%. Trong số 50% còn lại thì 30% là hoạt động cầm chừng (không trả lương cho môi giới hoặc bán được hàng thì mới có lương), 20% có hoạt động thực tế nhưng dựa trên một kho hàng eo hẹp (chủ yếu là ở thị trường Hà Nội, TPHCM và cho chủ đầu tư Vingroup).

Ẩn số về sự trở lại của môi giới trên thị trường địa ốc

Ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng DXS - FERI, cho rằng nửa cuối năm, các chủ đầu tư rất khó khăn trong việc tìm kiếm, chọn lựa đơn vị môi giới hỗ trợ để ra hàng. Kể cả khi bất động sản có nhiều dấu hiệu tích cực thì chưa chắc có nhiều môi giới bỏ nghề sẽ quay lại. Những môi giới có đạo đức nghề nghiệp, phục vụ khách hàng tốt thì mới có thể tiếp tục tồn tại ở thị trường này.

Bởi, năm 2020, môi giới tham gia thị trường rất đông vì bất động sản có hiện tượng "nóng sốt", đồng thời ở những ngành nghề khác như du lịch có nhiều người mất việc làm và lượng lao động mất việc đó tham gia vào thị trường bất động sản. Hiện tại, khi những ngành nghề khác đã hồi phục trở lại, không phải mọi người đều có nhu cầu quay trở lại làm môi giới bất động sản. Sau mỗi đợt sàng lọc, số lượng môi giới ngày càng ít đi chứ không còn nhiều, ông Khôi nói.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS Group, nhận định thị trường bất động sản đang dần mở ra giai đoạn mới, khi lãi suất đã và đang tiếp tục giảm, một số tỉnh tạo điều kiện tháo gỡ pháp lý các dự án, Quốc hội họp liên tục để tiếp tục chốt lại những điều luật cuối cùng của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản.

Khó khăn trước mắt vẫn còn nhưng những gì khó khăn nhất đã ở phía sau. Một số chủ đầu tư đã bắt đầu ra hàng, thị trường nhen nhóm tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, ông Tuyển lại thấy một thảm cảnh từ các sàn giao dịch và lực lượng môi giới. Họ là những người lan tỏa thông điệp thị trường rất nhanh, là cầu nối giữa người mua và người bán để thúc đẩy quá trình thanh khoản của bất động sản diễn ra hiệu quả hơn. Thực tế, dù nguồn cung và cầu có tốt hơn nhưng mắt xích môi giới yếu sẽ làm chậm quá trình phục hồi của thị trường.

Ông chỉ ra nguyên nhân suy yếu là thị trường mất thanh khoản đột ngột. Các chủ đầu tư rơi vào tình cảnh khó khăn, việc thanh toán công nợ cho sàn và môi giới bị chậm. Sàn không đủ kinh phí trả lương. Môi giới không đủ tiền để tiếp tục duy trì và đầu tư tiếp cho nghề. Một số môi giới ở lại với thị trường thì không có nguồn hàng mới đủ uy tín để bán.

Ông Tuyển cho rằng cần có một bài toán tổng thể giúp cho thị trường bất động sản tốt hơn thì cần sự góp mặt của lực lượng môi giới chuyên nghiệp. Họ khai phá tạo ra thị trường và nhu cầu đối với sản phẩm bất động sản, định hướng cho nhà phát triển tạo ra nguồn cung phù hợp với nhu cầu thị trường, kết nối cung - cầu.

"Tôi hy vọng các chủ đầu tư sắp tới sẽ có dồi dào nguồn cung bất động sản hơn, có tiềm lực để giải quyết công nợ và đặc biệt có cái nhìn thực tế hơn về lực lượng là cánh tay nối dài của họ tới khách hàng", Chủ tịch BHS Group nói.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Môi giới bất động sản chuyển nghề bán cơm chiên, phở bò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO