Quan niệm phổ biến cho rằng việc dạy dỗ con cái chỉ có thể bắt đầu khi đứa trẻ lớn lên một chút, khoảng ba hay bốn tuổi, vì khi đó chúng mới có khả năng hiểu biết. Thật ra điều này không đúng, sự giáo dục có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ ngay từ lúc nó còn trong bụng mẹ. Tình cảm giữa mẹ và con không phải chỉ có sau khi đứa trẻ ra đời mà đã bắt đầu từ khi đứa con được thành hình trong bụng mẹ. Do đó, người mẹ có tâm trạng gì thì đứa con đều biết.
Nếu người mẹ thông minh, hiểu biết thì bà sẽ biết cách giáo dục đứa con bằng cách nói chuyện với nó ngay từ lúc mang thai. Vì tâm thức đứa bé đã có từ lúc thụ thai nên việc liên hệ với nó càng sớm thì càng dễ có sự thông cảm giữa mẹ và con. Không những mẹ mà người cha cũng phải tìm cách nói chuyện với con từ lúc nó còn là bào thai. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng tốt đẹp đến đứa trẻ, giúp nó trở nên khôn ngoan, dễ dạy hơn.
Nếu cha mẹ thường xuyên ở trong trạng thái giận dữ, hay cãi nhau trong giai đoạn người mẹ mang thai, thì chắc chắn đứa trẻ cũng dễ dàng trở nên nóng tính, hung dữ khi lớn lên. Nếu cha mẹ quá mải mê công việc, tính toán, âm mưu hơn thiệt thì đứa con sau này cũng sẽ cứng đầu, khó dạy, không nghe lời và thường bị bệnh suyễn, hay ngạt thở.
Cho nên, thai giáo, hay sự giáo huấn, dạy dỗ trong giai đoạn thai nhi là rất quan trọng. Thật ra quan niệm thai giáo đã có từ xa xưa, từ thời của các nền văn minh cổ. Tiếc thay, ngày nay người ta vẫn tranh cãi chứ không hoàn toàn công nhận việc này, bởi họ cho rằng không có bằng chứng cho thấy bào thai có khả năng học hỏi.
Mọi đứa trẻ sinh ra đều có những liên hệ nhân quả với cha mẹ nó. Luật Nhân quả vô cùng phức tạp, khó lòng biết được đó là nhân duyên, là nợ nần thế nào, nhưng dẫu sao, mỗi đứa trẻ được sinh làm người là để có cơ hội học hỏi những bài học chúng cần học, để chuyển hóa và thăng cấp.
Khi sinh ra, mỗi đứa trẻ đều có những mong muốn hay mục đích cùng những tiềm năng sẵn có để hỗ trợ cho việc học hỏi của chúng. Do đó bổn phận của cha mẹ là ý thức việc này để hướng dẫn, giúp cho con mình có được cơ hội học hỏi, phát triển theo ý nguyện hoặc giúp con tự tìm ra mục đích đời mình.
Đa số cha mẹ không hiểu được việc này nên thường ép buộc con cái phải làm việc này việc nọ để đáp ứng những mong muốn của chính họ thay vì của con. Lẽ tất nhiên, cha mẹ nào cũng mong con mình thành công, giàu sang, có danh vọng, địa vị trong xã hội, nhưng liệu kiếm nhiều tiền, mưu cầu danh vọng và vật chất có phải là mục đích mà đứa trẻ đó tìm kiếm khi đến làm con họ không? Bổn phận của người làm cha mẹ là giáo dục con cái nên người, giúp chúng phát triển, trưởng thành, làm con có hiếu trong gia đình, công dân tốt của xã hội. Đó là nhân lành đóng góp tích cực cho cộng nghiệp của quốc gia.
Khi đứa con trưởng thành, tự nó sẽ biết tìm ra mục đích của mình để học hỏi và hoàn tất những gì nó cần phải học. Nếu không biết dạy dỗ con, để đứa trẻ trở thành phần tử xấu, gây tai hại cho xã hội thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm vì đã không hoàn thành bổn phận của mình.
Trích sách Muôn kiếp nhân sinh 2.