Từ ngày 14/4, Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 11 tuổi. Ngành y tế ước tính đến quý 2 sẽ tiêm cho toàn bộ 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 và tiêm đủ 2 mũi. 3,6 triệu trẻ còn lại (đã mắc Covid-19, thuộc nhóm trì hoãn tiêm 3 tháng) sẽ được tiêm vào tháng 8, 9.
Theo TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng phòng chỉ đạo Tuyến, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), để đảm bảo cho trẻ có sức khỏe và tinh thần tốt nhất cho việc tiêm chủng vaccine Covid-19, trước hết cần giảm sự lo lắng của các vị phụ huynh. Khi phụ huynh lo lắng cũng khiến các con sợ và căng thẳng.
"Khi trẻ lo lắng sẽ có phản ứng stress do tiêm chủng, phản ứng này không phải do vaccine mà do trẻ lo lắng quá khiến trẻ tái mặt, hồi hộp, đau bụng", TS Nhàn phân tích.
Bên cạnh đó, bữa sáng nên cho cháu ăn sáng và uống nước đầy đủ. Khi đến điểm tiêm, các phụ huynh nên tuân thủ quy trình của điểm tiêm.
Sau khi trẻ tiêm vaccine Covid-19, TS Nhàn lưu ý rằng, gia đình nên theo dõi sức khỏe của trẻ trong 28 ngày, đặc biệt trong 7 ngày đầu và nhất là trong 24h đầu. Theo thống kê, có đến 86% các phản ứng nặng sẽ xảy ra trong nửa tiếng đầu tiên.
Trước khi trẻ về, các bác sĩ tại điểm tiêm sẽ phát ra tờ giấy ghi các triệu chứng cần theo dõi trong đó. Do đó, phụ huynh cần tiếp tục giúp nhân viên y tế theo dõi tiếp trẻ với bất cứ triệu chứng gì, ví dụ như: khó thở, đau bụng, nôn ói, phù mô mềm như môi hay lỗ tai. Khi phát hiện các dấu hiệu này cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để thăm khám.
Ngoài ra với tác dụng phụ thường gặp nhất là đau chỗ tiêm, phụ huynh nên chườm lạnh không nên chườm nóng để giúp giảm đau.
"Đặc biệt sốt do vaccine thường kéo dài không quá 48 tiếng. Do đó, phụ huynh cũng nên nhớ rằng nếu trẻ bị sốt 39 - 40 độ trở lên và kéo dài trên 48 tiếng thì cần đưa trẻ đi khám. Bởi vì có thể trẻ đã tình cờ mắc một bệnh khác trước khi tiêm vaccine, điển hình như sốt xuất huyết", TS Nhàn nhấn mạnh.