Chợ cũng bán hàng từ xa
9h30 sáng, gian hàng của các tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) chỉ lác đác khách đến mua. Tiểu thương Nguyễn Thị Thanh Thúy đeo mắt kính, khẩu trang, đang tính tiền hàng cho những vị khách cuối cùng.
Theo bà Thúy, chợ truyền thống mở lại thời điểm này phải chấp nhận cảnh đìu hiu do người dân bị hạn chế đi lại và tâm lý lo sợ dịch nên lượng người đi mua trực tiếp giảm hẳn. Chợ mở tới 16h chiều, nhưng quá trưa là bà Thúy dọn hàng về.
Tính đến ngày 9/8, địa bàn TP.HCM chỉ còn 37/237 chợ truyền thống hoạt động. Chợ Nguyễn Tri Phương nằm trong số 37 được mở lại.
Vách ngăn ni lông giữa người bán và người mua |
Ghi nhận của PV. VietNamNet sáng ngày 16/8 cho thấy, các tiểu thương tại đây đều quây, ngăn cách gian hàng bằng vách ni lông trong suốt, ngăn giọt bắn trong quá trình giao dịch. Đây là việc làm cần thiết khi chợ đã từng phải đóng cửa 2 lần do phát hiện các ca F0 trước đó.
Đội trưởng bảo vệ chợ Nguyễn Tri Phương - ông Nguyễn Kim Long - cho biết, hiện chỉ có 30/648 tiểu thương hoạt động tại chợ, với khoảng 500 lượt khách vào mua hàng mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, toàn bộ đội bảo vệ và tiểu thương đang hoạt động phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 một tuần/lần, chợ được phun khử khuẩn 2 ngày/lần.
Thời gian tới, chợ sẽ triển khai thêm việc bán hàng từ xa. Tiểu thương đăng ký mặt hàng, giá bán lên ứng dụng kết nối để người đi chợ có thể đặt mua, sau đó sẽ có đội ngũ vận chuyển hàng đến tận nơi.
“Đây là mô hình có thể áp dụng lâu dài, đảm bảo an toàn khi các chợ dần mở lại trong thời gian tới”, ông Long nói.
Chợ Nguyễn Tri Phương vắng người sáng 16/8 |
Và bán hàng lưu động
Tại chợ Bình Thới (quận 11), Trưởng Ban Quản lý chợ - ông Nguyễn Bá Tùng liên tục cầm loa nhắc nhở và đi tới các sạp hàng yêu cầu hoạt động mua bán đảm bảo giãn cách. Chợ được mở lại từ ngày 1/8, trung bình một ngày có từ 15-20 quầy hàng, chỉ hoạt động trong buổi sáng.
Để được bán hàng, các tiểu thương ngoài việc bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính thì nguồn hàng cam kết phải ổn định, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu người dân. Cứ 3-5 ngày, toàn bộ các tiểu thương tại đây được xét nghiệm một lần.
“Đi bán hàng lại như vậy là mừng rồi, nhưng cũng có chút lo cho sức khỏe. Chúng tôi mong sớm được tiêm vắc xin mũi hai để yên tâm hơn”, một tiểu thương bán thịt heo tại chợ nói.
Theo ông Tùng, ngoài bán hàng tại chỗ, chợ truyền thống Bình Thới còn tổ chức 3-4 đội bán lưu động, mỗi đội từ 4-5 tiểu thương tới bán tại các khu phố trên địa bàn. Đây là sáng kiến được thực hiện nhằm giảm tải lượng người đến mua hàng trực tiếp, đồng thời giúp cư dân tại các ngõ, hẻm không phải di chuyển xa khi nhiều tuyến đường đã bị chặn.
Người dân mặc cả áo mưa đi chợ Bình Thới để phòng dịch |
Nhiều tiểu thương phấn khởi khi chợ truyền thống mở lại |
“Phường nào có nhu cầu đăng ký địa điểm với quận, chúng tôi sẽ bố trí lịch để đội lưu động đến bán thực phẩm tận nơi cho bà con. Nhu cầu người dân lớn, mua bán lại thuận tiện nên các hàng bán hết rất nhanh”, Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Thới thông tin.
Đại diện một số chợ truyền thống cho rằng nên sớm dần mở lại chợ để giảm tải cho các chợ đang hoạt động, giảm lượng người dồn vào một điểm. Khi mở lại, tùy theo quy mô, đặc thù mỗi chợ, ưu tiên các không gian thoáng để bày bán các sạp hàng.
Trước đó, trong văn bản gửi tới các đơn vị ngày 9/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng yêu cầu cần nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp, đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống hoặc hình thành các điểm bán nhỏ, ưu tiên các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả.
Quảng Định