Mô hình 3D các loài cá quý hiếm của sông Hậu được giới thiệu ở Phòng Thông tin nghề cá trên bè của ông Lý Văn Bon ở cồn Sơn. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin quảng bá du lịch
Dự án xây dựng “Phòng thông tin nghề cá trên dòng sông Hậu” gọi tắt là dự án Piscis Cồn Sơn do nhóm học sinh Trương Quang Huy, Đỗ Phú Minh đến từ trường Quốc tế Anh Việt Hà Nội và Trần Việt Khôi đến từ Trường Quốc tế Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với sự hỗ trợ của Khoa Thủy sản trường Đại học Cần Thơ, đội ngũ thiết kế của Công ty LH’s Design.
Em Trương Quang Huy, một trong ba thành viên của nhóm dự án cho biết, nhóm đã nhiều lần đến Cồn Sơn tham quan du lịch và rất ấn tượng với các sản phẩm đặc sắc của địa phương, cũng như tình cảm chân chất của người dân nơi đây. Tuy nhiên, những người nông dân làm du lịch tại Cồn Sơn đang gặp khó khăn trong việc quảng bá các sản phẩm du lịch. Do đó, nhóm quyết định hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin quảng bá du lịch, bắt đầu từ việc làm phòng thông tin bè cá Bảy Bon, cửa ngõ của khu du lịch Cồn Sơn. Từ đó, dự án Piscis Cồn Sơn ra đời nhằm cung cấp thông tin về các loài cá đặc hữu của khu vực cồn Sơn và dòng sông Hậu.
Cả ba học sinh đã dành 7 tháng để thực hiện ý tưởng với sự hỗ trợ của chủ bè cá và các giảng viên trường Đại học Cần Thơ. Em Đỗ Phú Minh cho biết, để có tiền thực hiện dự án, em và hai người bạn đã hỗ trợ gia đình chú Bảy Bon bán hơn 400 kg cá thát lát rút xương; đồng thời làm gia sư dạy thêm môn Toán và tiếng Việt trong một thời gian dài. Khi có quỹ, cả nhóm bắt tay vào thiết kế mô hình các loài cá đặc trưng. Với sự giúp đỡ của những sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nhóm tiến hành in 3D, tô màu để giống với nguyên bản các loài cá nhất. Sau đó, nhóm thu thập thông tin từng loài cá.
“Phòng thông tin nghề cá trên dòng sông Hậu” cung cấp cho du khách thông tin của 27 loài cá đặc trưng trên dòng sông Hậu. Trong đó có mô hình 3D của 15 loài bao gồm: Những loài cá kinh tế, những loài cá du lịch và những loài cá có nguy cơ tuyệt chủng được tổng hợp bằng cả 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, kèm theo là các bảng biểu giới thiệu về đặc tính của các loài. Đây là các loài cá đặc trưng của sông Mekong với 3 tiêu chí trưng bày là: Sự quý hiếm, nhu cầu bảo tồn cao, giá trị kinh tế lớn. Phòng được trang trí với các mô hình 3D sống động kết hợp với các loài cá thực tế được nuôi dưỡng, bảo tồn trên bè cá Bảy Bon giúp gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Ông Lý Văn Bon (Bảy Bon) nuôi cá chép Koi để làm du lịch ở cồn Sơn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Ông Bảy Bon chia sẻ, khi nghe ý tưởng của 3 học sinh, ông đã bị thuyết phục về ý nghĩa thiết thực của dự án. Hiện nay, việc cung cấp thông tin đến với du khách ở Cồn Sơn chỉ qua giới thiệu của các hướng dẫn viên nên rất khó có thể truyền đạt đầy đủ. Do đó, Phòng thông tin này đặc biệt hữu ích với du khách, nhất là khách nước ngoài. Du khách đến đây có thể vừa tham quan cá dưới sông vừa có thể tìm hiểu từng loài cá đặc trưng của sông Mekong qua những thông tin, mô hình được thể hiện chi tiết, tỉ mỉ.
Bảo tồn nhiều giống cá bản địa quý hiếm
Bè cá Bảy Bon được lắp dựng vào năm 1999. Trong suốt hơn 20 năm hoạt động, nơi đây là địa điểm nghiên cứu, thử nghiệm của nhiều tiến sỹ, sinh viên thủy sản trong và ngoài nước. Sau nhiều năm vừa kinh doanh thủy sản vừa nghiên cứu cùng các chuyên gia, bè cá Bảy Bon là địa điểm đón khách du lịch đến Cồn Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự đa dạng của các loài thủy sản trên sông Mekong.
Ông Bảy Bon tên đầy đủ là Lý Văn Bon (59 tuổi, quê Cà Mau). Trước khi bén duyên với nghề nuôi cá bè, ông công tác ở Cục Hải quan tỉnh Cà Mau. Cách đây khoảng 20 năm, ông tình cờ quen một tiến sỹ chuyên về thủy sản người Pháp tên là Philip Serene và biết được dòng sông Mekong là nơi nuôi cá rất thuận lợi. Sau đó, ông nghỉ việc và phối hợp với ông Philip Serene cùng nhiều tiến sỹ về thủy sản ở Hungary và Trường Đại học Cần Thơ chọn Cồn Sơn để đặt bè cá và tiến hành nghiên cứu.
Ông Lý Văn Bon giới thiệu các loài cá của sông Hậu cho du khách đến tham quan cồn Sơn. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Theo ông Bảy Bon, trước đây, khu vực sông Hậu chảy ngang qua Cồn Sơn có dòng nước chảy rất mạnh nên ít bị ô nhiễm giúp cá nuôi mau lớn. Thời điểm ấy, nhóm của ông tập trung nghiên cứu các loại cá gồm: Cá bống tượng, cá tra, cá dứa nước ngọt, cá chạch lấu, cá bông lau… Đến nay, ông đã sở hữu 30 lồng bè nuôi nhiều loài cá. Năm 2016, ông phối hợp với người dân Cồn Sơn làm du lịch cộng đồng. Bè cá của ông thu hút nhiều du khách tham quan, tìm hiểu về các loài cá hiếm của sông Mekong và tận mắt xem quá trình nuôi cá. Công việc nuôi cá thương phẩm kết hợp làm du lịch mang lại cho gia đình ông Bảy Bon thu nhập từ 5-7 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua, thành phố đã có những khảo sát về những loài cá sông Mekong. Kết quả cho thấy, những năm gần đây, nhiều loài cá quý hiếm đang có nguy cơ biến mất do hoạt động khai thác quá mức của con người. Để bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, hàng năm, Sở Nông nghiệp thành phố Cần Thơ đều tổ chức hoạt động thả cá về môi trường tự nhiên vào ngày truyền thống của ngành thủy sản.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đánh giá, sự kiện ra mắt "Phòng thông tin nghề cá trên sông Hậu" tại bè cá Bảy Bon có ý nghĩa quan trọng. Đây là một trong những mô hình góp phần lưu giữ những giống cá nước ngọt đặc hữu của sông Mekong. Du khách khi đến Cồn Sơn ngoài tham quan du lịch còn có cơ hội tìm hiểu về những loài cá quý hiếm đang bị đe dọa do hoạt động khai thác quá mức của con người. Ông Phạm Trường Yên mong muốn mô hình như của ông Bảy Bon sẽ ngày càng được nhân rộng, vừa phát triển du lịch vừa nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn thiên nhiên trên sông Hậu nói riêng và sông Mekong nói chung.
Thanh Liêm