Mở hàng lãi nghìn tỷ, đại gia Việt tham vọng đột phá, dân ôm cổ hồi hộp

05/05/2022 17:15

Hàng loạt doanh nghiệp lớn báo cáo lợi nhuận quý I tăng trưởng mạnh và đặt kế hoạch kinh doanh ấn tượng cho cả năm 2022. Đây là động lực giúp giữ dòng tiền ở lại thị trường chứng khoán.

Dồn dập báo lãi lớn

Lần đầu tiên, thị trường ghi nhận có ngân hàng lãi trên 11 nghìn tỷ đồng trong quý I. Số lượng ngân hàng báo lãi trên 1.000 tỷ đồng rất nhiều.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần ba lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank đạt được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng vượt lên trên 95 nghìn tỷ đồng.

VPBank dự kiến doanh thu trong các quý tiếp theo sẽ tăng cao hơn, trong khi quy mô hệ sinh thái ngân hàng được mở rộng sang lĩnh vực cung cấp dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm.

Techcombank của ông Hồ Hùng Anh cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng trong quý I/2022, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu nhập hoạt động đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 13,2%.

Ngân hàng đồng loạt báo lợi nhuận cao.

Ngân hàng SHB của ông Đỗ Quang Hiển có lợi nhuận trước thuế đạt 3.226 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ dù ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng. Tổng thu nhập hoạt động quý I của nhà băng này đạt gần 4,7 nghìn tỷ đồng, tăng 84%. Động lực đến từ hoạt động cốt lõi khi thu nhập lãi thuần tăng tới 89% lên 4.223 tỷ đồng.

Ngân hàng ACB của nhà ông Trần Hùng Huy ghi nhận lợi nhuận quý I tăng 33% so với cùng kỳ lên hơn 4,1 nghìn tỷ đồng. MBBank (MBB) cũng tăng trưởng 29% lên hơn 5,9 nghìn tỷ đồng. VPBank thậm chí ghi nhận lợi nhuận tăng 178% lên hơn 11,1 nghìn tỷ đồng. LienVietPostBank tăng 61% lên 1.795 tỷ đồng.

Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang trong khi đó báo cáo lợi nhuận I/2022 của doanh nghiệp tăng trưởng 8 lần so với cùng kỳ năm trước lên gần 1,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, mảng tiêu dùng bán lẻ The CrownX tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của tập đoàn.

Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Gelex lãi trước thuế 901 tỷ đồng, tăng 170%. Chứng khoán TCBS tăng 40% lên 1,18 nghìn tỷ đồng. FPT tăng 27% lên 1.779 tỷ đồng.

Hóa chất Đức Giang ghi lợi nhuận trước thuế tăng 412% so với cùng kỳ lên 1.586 tỷ đồng. Đạm Phú Mỹ (DPM) có lợi nhuận trước thuế tăng 1.071% lên 2.522 tỷ đồng.

Kế hoạch năm ấn tượng

Trong năm 2022, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận gần 30 nghìn tỷ đồng (tăng 107% so với 2021) và có kế hoạch tăng vốn lên gần 80 nghìn tỷ. VPBank cũng có chiến lược M&A để mở rộng hệ sinh thái của nhà băng này trong năm nay.

Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu thuần hợp nhất ước tính sẽ từ 90 nghìn-100 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22-36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước tính sẽ trong khoảng 6,9-8,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 82-124% so với mức 3.800 tỷ đồng trong năm 2021 (sau khi loại trừ khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi).

Thị trường chứng khoán đang xu hướng giảm.

Năm 2022, Ngân hàng HDBank lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021. Tổng tài sản dự kiến tăng 18% lên 440.439 tỷ đồng, tổng huy động và dự nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 17% và 20%. Ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức tỷ lệ 25%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Techcombank (TCB) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 87% lên mức gần 11,7 nghìn tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức từ 18%; nợ xấu dưới 1,3%.

Doanh nghiệp tăng trưởng tốt, chứng khoán có cơ hội bứt phá

Trong tháng 4, chứng khoán Việt Nam ghi nhận áp lực bán mạnh. Chỉ số VN-Index giảm trên 10%, từ mức đỉnh cao 1.524 điểm hồi đầu tháng xuống mức 1.300-1.350 điểm. Mức chiết khấu này được đánh giá là khá cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được dự báo có triển vọng tích cực và đa số doanh nghiệp vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Trên thực tế, áp lực bán ra không còn nhiều nhưng sức cầu cũng suy giảm khá mạnh. Thanh khoản trên thị trường chỉ bằng khoảng 50-60% so với thời kỳ sôi động cuối 2021 đầu 2022.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp tốt giảm theo đà giảm chung trên thị trường là cơ hội để mua cổ phiếu giá thấp.

Việc thanh khoản liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây được xem là diễn biến bình thường sau một đợt thị trường giảm sâu và nhiều nhà đầu tư bị tổn thương, sự thận trọng vẫn còn ngự trị, đặc biệt trước kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Thanh khoản giảm cũng do hoạt động vay ký quỹ giảm. Dòng tiền có thể trở lại vào sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế hồi phục trở lại sau làn sóng dịch bệnh. Hơn thế, thị trường tài chính đang biến động mạnh, chưa đựng nhiều rủi ro. Xung đột địa chính trị leo tháng và Mỹ có thể tăng mạnh lãi suất.

Chứng khoán Việt Nam vẫn được dự báo tích cực khi mà nền kinh tế được đánh giá tăng trưởng cao và các doanh nghiệp hoạt động tốt. Theo các chuyên gia, đối với các nhà đầu tư dài hạn, thị trường giảm là cơ hội mua vào các cổ phiếu với giá tốt. Dù vậy, các nhà đầu tư cũng cần tìm hiệu triển vọng ngành, định giá doanh nghiệp khi đầu tư và ở thời điểm này không nên dùng nhiều margin khi mà đợt điều chỉnh lần này thực tế cũng chưa nhiều so với đoạn tăng từ đáy Covid.

M. Hà

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/mo-hang-lainghin-ty-dai-gia-viet-tham-vong-dot-pha-dan-om-co-hoi-hop-2014341.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/mo-hang-lainghin-ty-dai-gia-viet-tham-vong-dot-pha-dan-om-co-hoi-hop-2014341.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mở hàng lãi nghìn tỷ, đại gia Việt tham vọng đột phá, dân ôm cổ hồi hộp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO