Mở cửa trường học, làm sao để không 'mỗi nơi một phách'?

Nguyệt Hà| 25/02/2022 12:23

Cho trẻ đến trường an toàn là một nút thắt không dễ mở. Hơn nữa, nhiều người còn dự cảm rằng liệu mở cửa trường học có bền vững không hay lại 'nay mở, mai đóng'?

Mở cửa trường học, làm sao để không 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược'?
Mở cửa trường học, làm sao để không 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược'?. (Ảnh: Minh Hiền)

Câu chuyện cho trẻ quay trở lại trường trở nên nóng trên các diễn đàn thời gian gần đây. Người cho rằng, việc trẻ đến trường không phải là lý do lây lan dịch bệnh. Người bảo vệ quan điểm học sinh đến trường lúc này không an toàn, là đánh đổi sức khỏe của trẻ, nhất là số ca nhiễm tăng cao từng ngày. Vậy “nút thắt” nào cho thực trạng này?

Không ít ý kiến vẫn băn khoăn liệu đi học có an toàn? Nếu trong lớp có F0 thì ai chịu trách nhiệm? Người lớn đã tiêm vaccine, nếu nhiễm cũng nhẹ nhưng trẻ em đã tiêm đâu mà đi học? Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, mà mỗi câu hỏi được ví như một nút thắt.

Câu chuyện đưa trẻ đến trường thực tế là một nút thắt không dễ mở. Hơn nữa, nhiều người còn dự cảm rằng liệu mở cửa trường học có bền vững không hay lại “nay mở, mai đóng”? Trẻ sẽ càng bất an, lo lắng nếu vừa đến trường đã phải quay về vì lớp báo có F0. Làm sao để việc mở cửa trường học không phải kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”…

"Phụ huynh cũng mong bản thân được 'giải phóng', mong con thoát khỏi việc học online. Nhưng họ cũng cần yên tâm khi con đến trường, không cảm thấy hoang mang khi lớp con có F0, không lúng túng khi con trở thành F".

Băn khoăn, lo lắng, thận trọng là tâm trạng chung của phụ huynh. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói: "Cách tốt nhất để dự báo tương lai là hãy tạo ra nó".

Tại sao nhiều kịch bản về mở cửa trường học mà vẫn lúng túng? Nhiều tháng qua, phụ huynh nô nức để con em được tới trường. Nhưng Hà Nội và một số tỉnh thành nơi có ca nhiễm tăng cao từng ngày, học sinh mới đến trường lại phải quay về vì lớp có F0. Có nơi học sinh đến lớp để học online vì giáo viên nhiễm Covid-19. Liên tục nhiều tỉnh thành thông báo chuyển từ học trực tiếp sang online để phòng dịch. Giáo viên bắt buộc "phân thân", phải dạy “2 trong 1”, vất vả, chật vật là thế, lịch dạy bị xáo trộn nhưng chất lượng giờ giảng chưa đảm bảo.

Nhiều kịch bản mở cửa trường học được đưa ra nhưng có lẽ cần một kịch bản chủ động, thích ứng hiệu quả để tránh sự lúng túng, mỗi nơi một kiểu. Phụ huynh có lý do để lo lắng, chưa thực sự yên tâm để con em đến trường khi dịch đang gia tăng chóng mặt.

Ai cũng hiểu, trẻ nghỉ ở nhà quá lâu sẽ dễ trầm cảm, mệt mỏi, mất kết nối với thế giới thực. Bao cảnh báo được đưa ra nhưng phụ huynh vẫn băn khoăn, ai đảm bảo nếu các em đến trường thì không bị nhiễm cùng những nỗi lo mang tên “hậu Covid-19”.

"Một điều quan trọng khi mở cửa lại trường học chính là thái độ và sự sẵn sàng của phụ huynh. Muốn có được niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục, để ngành giáo dục không 'đơn thương độc mã' trong cuộc chiến gỡ các nút thắt khi cho trẻ đi học lại, phụ huynh cũng cần bình tĩnh, tránh hoang mang thái quá và có thái độ hợp tác".

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers nói rằng: "Đóng cửa trường học chỉ là biện pháp tạm thời và là biện pháp cuối cùng trong ứng phó với đại dịch. Trường học phải được ưu tiên mở cửa đầu tiên khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ".

Phụ huynh cũng mong bản thân được “giải phóng”, mong con sớm thoát khỏi việc học online. Nhưng họ cũng cần yên tâm khi con đến trường, không cảm thấy hoang mang khi lớp con có F0, không lúng túng khi con trở thành F.

Hiện nay, các hạn chế về đi lại, sinh hoạt đều đã được gỡ bỏ, trường học cũng cần mở cửa đón học sinh. Cần có một kịch bản khung mang tính thống nhất, xuyên suốt, có thể lường được những tình huống xảy ra. Để phụ huynh không cảm thấy bất an, “đứng ngồi không yên” mỗi ngày con đến trường trong bối cảnh dịch phức tạp.

Bên cạnh đó, cần sự thống nhất trên cơ sở ý kiến của các cơ quan có chuyên môn như có cần thiết xét nghiệm sàng lọc cho học sinh hay không, học sinh F1, F0 khi nào có thể an toàn trở lại trường, nếu học bán trú thì cần đảm bảo những tiêu chí gì để không gia tăng lây nhiễm... Khi có sự thống nhất xuyên suốt dựa trên cơ sở khoa học, hẳn là các trường sẽ không lúng túng và phụ huynh cũng có thêm niềm tin.

Hơn nữa, một điều quan trọng khi mở cửa lại trường học chính là thái độ và sự sẵn sàng của phụ huynh. Để xã hội có niềm tin vào ngành giáo dục; để phụ huynh đồng hành cùng nhà trường, giáo viên; để ngành giáo dục không “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến gỡ các nút thắt khi trẻ đi học trở lại, phụ huynh cũng cần bình tĩnh, tránh hoang mang thái quá và cần có thái độ hợp tác.

"Cả xã hội đang sống trong điều kiện bình thường mới và việc xuất hiện F0 trong trường học là điều chúng ta phải chấp nhận. Việc nghỉ ở nhà cũng chưa chắc đem lại an toàn cho trẻ".

Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ trẻ nhiễm ở nhà hay trường học là như nhau. Hiện hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã cho trẻ đến trường thay vì học online. Nhưng học sinh đi học trong điều kiện bình thường mới luôn trong tâm trạng bất an.

Cũng dễ hiểu khi phụ huynh đưa con đến các địa điểm vui chơi để giảm áp lực, cân bằng tâm lý nhưng lại e dè, lo lắng khi cho con trở lại trường. GS. Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) nêu quan điểm, đã xác định sống chung với Covid-19, chúng ta phải chấp nhận sẽ có các trường hợp học sinh mang virus gây bệnh (có biểu hiện hoặc không có biểu hiện) trong lớp học.

Cả xã hội đang sống trong điều kiện bình thường mới và việc xuất hiện F0 trong trường học là điều chúng ta phải chấp nhận. Việc nghỉ ở nhà cũng chưa chắc đem lại an toàn cho trẻ.

Mới đây, Hà Nội điều chỉnh lịch học lớp 1-6 nội thành, việc đến trường dường như vẫn còn “rón rén”, e dè khiến phụ huynh lúng túng, bị động vì kế hoạch thay đổi chóng mặt. Trẻ em cần được đến trường sớm nhất, do đó rất cần ý kiến của các nhà chuyên môn, nhìn nhận đúng về tình hình dịch bệnh hiện tại, cũng như những nguy cơ sẽ phải đánh đổi nếu trẻ học online quá lâu.

Trường học là nơi cuối cùng phải đóng cửa, nơi đầu tiên mở cửa trở lại - đó là phương châm của nhiều quốc gia trong phòng chống dịch Covid-19, có lẽ cũng là bài học mà chúng ta cần suy nghĩ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mở cửa trường học, làm sao để không 'mỗi nơi một phách'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO