Ngày 20/5, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết UBND tỉnh này đã có quyết định phê duyệt trữ lượng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi).
Theo đó, kết quả xác định trữ lượng sau thăm dò tính đến ngày 27/4 cho thấy trữ lượng được tính trong báo cáo và trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác chưa đến 2 triệu m3.
Cụ thể, trữ lượng địa chất cát làm vật liệu xây dựng thông thường hơn 1 triệu m3; khoáng sản đi kèm là cát làm vật liệu san lấp hơn 924 nghìn m3. Như vậy, tổng khối lượng cát sau thăm dò, đánh giá trữ lượng là hơn 1,9 triệu m3. Kết quả này thấp hơn trữ lượng dự báo ban đầu được đưa ra bán đấu giá gần 1,5 triệu m3.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng được đưa ra đấu giá dựa trên tham số R. Đây là tham số liên quan đến mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá.
Kết quả tham số R sau đấu giá và trữ lượng dự báo được đưa vào công thức để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Với cách tính này, một doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng với số tiền lên đến 380 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây là cách tính dựa trên trữ lượng dự báo ban đầu là 3,4 triệu m3. Số tiền thực tế mà doanh nghiệp phải nộp còn phụ thuộc vào kết quả thăm dò trữ lượng.
Như vậy, việc trữ lượng khảo sát giảm gần 1,5 triệu m3 (giảm khoảng 43% so với dự báo) dẫn đến số tiền doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước giảm xuống rất nhiều.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Trung - quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi - cho biết trữ lượng mỏ cát sau thăm dò giảm so với trữ lượng dự báo là bình thường.
Việc xác định trữ lượng dự báo gặp rất nhiều khó khăn. Sở không được đo đạc trên thực địa mà chỉ dự đoán; khiến trữ lượng dự báo ban đầu chênh lệch với trữ lượng khảo sát, đo đạc thực tế.
"Theo quy định, Sở không được đo đạc, khoan thăm dò trên thực địa nên khó đưa ra trữ lượng dự báo chính xác. Có nhiều mỏ đấu giá xong nhưng sau đó khảo sát, đo đạc thì trữ lượng quá thấp không thể khai thác được", ông Trung nói thêm.