Tiết kiệm trăm tỷ cho chủ xe ô tô mới
Nói về những sai phạm của hệ thống đăng kiểm thời gian qua, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ví như "cơn bão, sóng thần", để lại những hậu quả đau đớn.
Nhằm lấy lại niềm tin nơi khách hàng, ông An cho biết, Cục Đăng kiểm đã khẩn trương tìm cách khắc phục những bất cập, “bịt” các lỗ hổng chính sách.
Ngày 7/2, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ GTVT đề xuất một loạt nội dung mang tính chất “cải tổ” hoạt động đăng kiểm: Miễn kiểm định lần đầu với xe mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong đặt lịch đăng kiểm, cho phép cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S, 4S có thể thực hiện đăng kiểm. Những đề xuất này nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận.
Trong những đề xuất kể trên, phải kể đến phương án miễn kiểm định lần đầu với xe mới mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đã báo cáo với Bộ GTVT.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT tháng 12/2022, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu sửa đổi thủ tục kiểm định lần đầu đối với các xe ô tô được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới, chưa qua sử dụng, kiểm định trong thời gian 1 năm, tính từ năm sản xuất.
Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu đưa ra phương án với các xe này, chỉ thực hiện lập hồ sơ phương tiện, nhập, ghi nhận thông tin phương tiện trong cơ sở dữ liệu đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mà không thu giá dịch vụ kiểm định.
Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thành lập tổ công tác nghiên cứu nội dung miễn đăng kiểm với xe mới. Kết quả nghiên cứu trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 11.2022) trên cơ sở số lượng các phương tiện mới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đã được chứng nhận tại Việt Nam, cho thấy tỷ lệ không đạt của phương tiện cần phải bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định lại đối với nhóm phương tiện này chiếm tỷ lệ rất thấp (từ 0,17 - 0,31%).
Từ kết quả trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thấy việc miễn đăng kiểm đối với những xe này là phù hợp, bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Tính toán của Cục Đăng kiểm cho thấy, nếu công đoạn này được tiết giảm, chủ xe giảm thời gian và chi phí từ 250.000 đến 570.000 đồng theo từng loại xe.
Như vậy, với hơn 300.000 ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được người tiêu dùng mua mới mỗi năm sẽ tiết kiệm cho người dân từ trên 75 - 180 tỷ đồng chi phí đăng kiểm lần đầu. Hơn thế nữa, hơn 300.000 chủ phương tiện cũng không mất vài giờ, thậm chí vài ngày chờ đợi đăng kiểm xe.
Chủ xe đồng tình, thực hiện chờ hướng dẫn cụ thể
Bày tỏ sự đồng tình trước phương án miễn đăng kiểm lần đầu, anh Nguyễn Quốc Huy (nhân viên sale showroom Toyota Hà Đông) cho biết, trước khi xuất xưởng nhà sản xuất phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, do đó xe mới đi đăng kiểm gần như không có gì kiểm tra.
Thời điểm trước Tết, có những xe mới mua nhưng khách hàng phải chờ 3- 4 ngày mà không thể đăng kiểm được. Anh Huy cùng đồng nghiệp buộc phải hỗ trợ khách hàng đi đăng kiểm ở các tỉnh xa.
“Thực tế xe chưa nộp được phí đường bộ, chưa được đăng kiểm nghĩa là chưa được lưu thông. Khi đó công an giao thông phát hiện sẽ xử phạt, trong khi phải đi xa, nếu không may xảy ra va quệt, bảo hiểm cũng từ chối thanh toán.
Do đó, nếu bỏ được quy định kiểm định lần đầu, chủ phương tiện có thể đăng ký hồ sơ đăng kiểm online cho xe mới. Nghĩa là chủ xe chỉ phải đóng phí đường bộ, nộp hồ sơ online sau đó ra Chi cục đăng kiểm nhận tem đăng kiểm hoặc nhận tại nhà (nếu như Chi cục đăng kiểm nhận dịch vụ chuyển phát nhanh) là xong mà không cần đưa xe đến trạm đăng kiểm nữa”, anh Huy nói.
Cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất của Cục Đăng kiểm, TS. Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lưu ý, để triển khai phương án này, Bộ GTVT phải cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật.
“Xe mới bán đến tay người tiêu dùng vậy làm cách nào để họ nhận được tem đăng kiểm dán trên xe ? Thủ tục thực hiện ra sao?
Quan trọng nhất là triển khai như thế nào cho cái tem đăng kiểm đối với xe mới. Lâu nay, dù mua mới chủ phương tiện vẫn phải đưa xe đến cơ quan đăng kiểm, chạy vào thử, mất mấy trăm nghìn tiền phí sau đó dán tem đăng kiểm. Cơ quan đăng kiểm phải nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể, tránh lúng túng khi triển khai”, ông Thanh nói.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, ngoài hướng dẫn cho các cơ sở, doanh nghiệp và người dân, Bộ GTVT cần có thông tư liên Bộ Công an để thông báo cụ thể về việc này.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng dự thảo bổ sung, sửa đổi Thông tư 16 về kiểm định phương tiện giao thông đường bộ. Theo đó, xe ô tô mới đăng ký biển số lần đầu sẽ thực hiện qua những bước sau:
Bước 1: Đơn vị đăng kiểm căn cứ số khung, số máy, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của xe để tra cứu dữ liệu thông số kỹ thuật của phương tiện từ cơ sở dữ liệu trực tiếp. Đơn vị đăng kiểm tải dữ liệu và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu kiểm định.
Bước 2: Đơn vị đăng kiểm nhập thông tin hành chính, chụp ảnh thực tế phương tiện, chỉ kiểm tra nhận dạng phương tiện và thực hiện lập hồ sơ phương tiện cho xe, in giấy chứng nhận kiểm định (có mã QR code), tem kiểm định, tem thu phí sử dụng đường bộ. Không thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện trên thiết bị tại đơn vị đăng kiểm. Không thu giá dịch vụ kiểm định.
Bước 3: Chủ phương tiện nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận và phí sử dụng đường bộ được quy định theo đầu phương tiện quy định.
Bước 4: Dán tem kiểm định, tem thu phí sử dụng đường bộ lên xe và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe.