Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, trào lưu thử mì thanh long được chia sẻ rầm rộ. Lần đầu tiên, mì ăn liền được sản xuất kết hợp với thanh long - một loại quả khi mới nghe có vẻ không mấy liên quan đến mì ăn liền.
Ông Lê Quang Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Caty Food, đơn vị sản xuất mì thanh long - có những chia sẻ với phóng viên báo Dân trí về việc sản xuất loại mì này.
Ông Huy cũng đồng thời là Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Thanh long Bình Thuận. Ông kể, khoảng thời gian năm 2019-2020, ban chủ nhiệm hiệp hội luôn trăn trở vì thanh long của bà con trồng nhiều nhưng tiêu thụ không kịp. Nhiều vườn đã phải đổ bỏ quả đi, lãng phí, tốn nhiều công sức, mồ hôi nước mắt của bà con.
Thanh long tươi là loại trái cây giàu dinh dưỡng nhưng vỏ mềm, nhiều nước nên không để được lâu. Việc bảo quản, đóng gói, vận chuyển đi xa loại quả này khá khó khăn. Chi phí xuất khẩu cũng tương đối lớn. Vì thế mà ban chủ nhiệm Hiệp hội Thanh long Bình Thuận luôn tìm cách tăng số lượng đầu ra để ổn định thu nhập cho bà con.
Ông Huy cho hay, ngày trước, ban chủ nhiệm từng tìm hiểu cách chế biến thanh long sấy, nước ngọt thanh long, rượu vang thanh long, mứt thanh long. Tuy nhiên, vì một vài lý do, các sản phẩm trên đều chưa thu hút được người dùng trong và ngoài nước nên chưa có nhiều kết quả như mong đợi.
Sau nhiều nghiên cứu, mì thanh long ra đời. Tuy nhiên, nguyên liệu chính của mì ăn liền là mì - một thành phần khác biệt hẳn so với thanh long về mặt kết cấu, độ chín. Do vậy, công thức mì thanh long là một vấn đề không đơn giản cho đội ngũ sản xuất, chế biến.
Công ty nơi ông Huy làm Chủ tịch HĐQT kết hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (nay là Trường Đại học Công Thương TPHCM) và viện Khoa học Kinh tế và Công nghệ Sài Gòn, để nghiên cứu sản xuất mì ăn liền có thành phần là thanh long và thành công sau gần 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm.
Khi nhận được phản hồi tốt từ khách hàng, ông Lê Quang Huy cho biết đó là thành quả sau thời gian dài không ngừng cố gắng của đội ngũ công ty. Theo ông, thành công của mì thanh long phần nào giúp bà con vùng trồng yên tâm sản xuất.
Sau khi đạt được thành công bước đầu tại thị trường Việt Nam, ông Huy cho biết đã sẵn sàng đưa sản phẩm mì thanh long đến với những thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới, trong đó có Mỹ, sau Trung Quốc. Hiện tại, chuyến hàng đầu tiên là một container 40 feet với trọng tải 30 tấn đã được xuất khẩu sang Mỹ vào tháng 11 vừa qua.
Theo ông Huy, việc có mặt tại Mỹ và Trung Quốc là tia sáng trên hành trình đưa mì thanh long vươn xa trên thị trường quốc tế.