Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), khi chạy thử đoạn trên cao tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, ở giai đoạn đầu tiên sẽ vận hành hệ thống trong thời gian tối thiểu 5 ngày nhằm đo lường hiệu suất RAMs (có thể kéo dài đến 6 tuần nếu tính khả dụng của hệ thống dưới 98%). Lịch tàu chạy từ 9h đến 19h, từ thứ 2-6 hàng tuần, với tối thiểu là 4 đoàn tàu, tối đa là 8 đoàn tàu.
Giai đoạn 2 của quá trình chạy thử sẽ diễn ra ngay sau khi đánh giá hiệu suất RAMs, với 5 kịch bản giả định tàu gặp sự cố. Cụ thể, kịch bản mất điện toàn tuyến hoặc một số tuyến; mất nguồn cấp điện phụ trợ; phát hiện cháy tại một ga và tình huống xuất hiện tàu cứu hộ.
Hiện, hệ thống các ga ngầm và ống hầm của tuyến metro này đạt trên 42% khối lượng công việc.
Liên quan đến dự án này, lãnh đạo MRB cho biết, vào tháng 8/2021, do vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án phải dừng thi công gói thầu CP03. Sau đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của TP Hà Nội, vấn đề được tháo gỡ, công tác đền bù đã hoàn tất. Đầu tháng 11/2022, các nhà thầu đã huy động công nhân đến công trường.
Về phần đi ngầm dưới lòng đất của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, MRB cho biết đoạn này chỉ dài 4km nhưng các ga này lại đi qua khu nội đô chật hẹp và bắt buộc đảm bảo giao thông trên khu vực. Do đó, dự kiến vào giữa hoặc cuối năm 2023, Robot đào hầm mới có thể chính thức hoạt động.
Về mặt kỹ thuật, sau khi trao đổi với các chuyên gia và lắng nghe khuyến nghị tư vấn về hệ số an toàn, robot được thiết lập với tốc độ 10m/ngày đêm. Với công nghệ khoan ngầm này, robot khoan đến đâu, các cánh tay robot sẽ lắp đặt luôn vỏ hầm tới đó, tức là sẽ tạo ra một ống hầm hoàn chỉnh.
Dự án metro, Nhổn - ga Hà Nội có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị (5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu thiết bị) và 1 gói Tư vấn chung. Đến nay, UBND TP Hà Nội đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị (trong đó gói thầu CP01 và CP04 đã thi công xong, hiện đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công).
Do việc chậm trễ trong GPMB, nhà thầu HGU (liên danh Huyndai và Ghella) đã gửi 3 khiếu nại yêu cầu bồi thường với tổng chi phí là 114,7 triệu USD và đề nghị chấp thuận thanh toán nếu không sẽ không thể tiếp tục thực hiện công việc và sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại lên Trọng tài quốc tế. Phía MRB cũng đã cử thành viên đại diện cho chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của Hợp đồng.
Liên quan đến việc tái khởi động gói thầu CP03 của dự án này, đại diện MRB cho biết, hiện 2 bên đều đưa ra những lý lẽ của mình tại Ban hòa giải của Tòa trọng tài. Tuy nhiên, 2 bên đều xác định việc thi công vẫn sẽ tiến hành, song song với đó cùng chờ Ban giải quyết tranh chấp của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra các phán quyết cuối cùng.
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km ngầm. Dự kiến, sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35 km/h; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ.
Dự án đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Đến hết tháng 8, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75%, trong đó đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).
Về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, HĐND TP Hà Nội đồng ý đề xuất tăng từ hơn 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng; nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước.