Ralph Lauren đã cho ra mắt bộ sưu tập ảo đầu tiên với 50 mẫu thiết kế trên nền tảng Zepeto.
Metaverse là một cột mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp thời trang xa xỉ. Theo ước tính của công ty tài chính JPMorgan, thị trường này có thể đạt doanh số 50 tỷ USD vào năm 2030.
Cuộc đua thời trang trên vũ trụ ảo
Đối với nhiều người, Metaverse (vũ trụ ảo) có thể vẫn là một khái niệm xa lạ, tuy nhiên trên thực tế, nó đã xuất hiện từ nhiều năm trước và trở thành tâm điểm của sự chú ý trong thời gian gần đây.
Metaverse cũng từng là bối cảnh trong những bộ phim giải trí nổi tiếng như “The Matrix,” “Ready Player One”…
Về cơ bản, Metaverse là một thế giới ảo nơi có thể tái hiện hoàn hảo đời sống thực dựa trên nền tảng số, những người tham gia vào nền tảng này có thể “sống” một cuộc đời thứ hai dưới một avatar (nhân dạng ảo).
Với nền tảng đồ sộ được đầu tư bởi những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Microsoft, Google…, Metaverse trở thành mảnh đất kinh doanh màu mỡ cho nhiều lĩnh vực, trong đó có thời trang.
Gucci hay Balenciaga đều tung ra những show diễn ảo trong thời kỳ COVID-19. Để đáp ứng nhu cầu ở nhà vẫn mua sắm được, các nhãn hàng này còn phát triển luôn tính năng thử đồ ảo.
Trên thực tế, thời trang Metaverse đã có mặt từ lâu dưới cái tên “skins” - trang phục trong game 3D. Đến nay, doanh thu từ thời trang Metaverse, chỉ tính riêng mảng game, đã đạt tới 40 tỷ USD mỗi năm.
Không dừng lại ở game, vũ trụ ảo giờ đây đã mở ra những hoạt động trực tuyến như học tập, trình diễn thời trang, tổ chức sự kiện…, kéo theo sự gia tăng nhu cầu sở hữu những bộ trang phục ảo để đại diện cho bản thân trên Metaverse.
Mark Zuckerberg - Chủ tịch Meta, từng chia sẻ: “Bạn sẽ có một tủ quần áo ảo cho những dịp khác nhau được thiết kế bởi những nhà thiết kế khác nhau."
Nền kinh tế trong Metaverse vận hành quanh sự phát triển của tiền ảo nói chung và NFT (một dạng tài sản số) nói riêng. Và mặc dù thị trường NFT thời trang vẫn còn khiêm tốn hơn so với âm nhạc, nghệ thuật và thể thao, chúng đang trên đà phát triển nhanh chóng.
Mùa Hè năm 2021, Ralph Lauren đã cho ra mắt bộ sưu tập ảo đầu tiên với 50 mẫu thiết kế trên nền tảng Zepeto nơi khách hàng có thể chọn mua cho avatar của họ.
Tháng 10/2021 đánh dấu sự thành công của Dolce & Gabbana khi nhà mốt này tung ra thị trường bộ sưu tập sản phẩm NFT gồm 9 mẫu thiết kế kỹ thuật số và thu về hơn 6 triệu USD.
Sản phẩm NFT đầu tiên của Gucci lấy cảm hứng từ BST “Aria”
Tháng 6/2021, Gucci tạo ra sản phẩm NFT đầu tiên - một bộ phim dài 4 phút, lấy cảm hứng từ bộ sưu tập “Aria” và bán đấu giá với mức khởi điểm 20.000USD.
Trước đó, chiếc túi ảo Dinoysus của nhà mốt này được bán với giá 350.000 Robux - một loại tiền kỹ thuật số được sử dụng trên nền tảng Roblox. Số tiền này tương đương với hơn 4.115USD, nhiều hơn giá trị của chiếc túi thực ngoài đời đến 800USD.
Sản phẩm NFT đầu tiên của Gucci lấy cảm hứng từ BST “Aria”.
Cũng trên nền tảng Roblox, Nike đã tạo ra thế giới ảo của riêng mình - Nikeland, để người dùng có thể thi đấu thể thao và trải nghiệm những sản phẩm của thương hiệu trước khi chúng ra mắt thị trường thực tế.
Balenciaga lại gia nhập Metaverse bằng một hình thức khác: hợp tác với trò chơi nổi tiếng Fornite, cho phép nhân vật trong game được mặc áo khoác, áo giáp, đi giày và mang kính của mình. Prada, Adidas, Balmain… là những cái tên tiếp theo gia nhập vào thị trường này, bắt đầu bằng việc phát hành NFT tương ứng với sản phẩm.
Nikeland.
Có thể thấy, những nhà mốt cao cấp đã nhận thức một cách sâu sắc rằng việc tham gia Web3 và Metaverse là bước đi đúng đắn cần phải có để tiếp cận được những khách hàng trẻ hơn thuộc thế hệ gen Z, những người tạo lập xu hướng và thay đổi cuộc chơi trên vũ trụ ảo, đồng thời cũng là những khách hàng tiềm năng sẵn sàng chi trả cho các nhu cầu xa xỉ của mình.
Sàn diễn của tương lai
Thời trang Metaverse được cho là mang lại nguồn lợi nhuận lớn bởi chi phí cho nguyên vật liệu và nhân công gần như bằng 0, thời gian sản xuất cũng ngắn hơn nhiều so với ngoài đời thật. Bên cạnh đó, các thương hiệu có thể tạo thêm một nguồn thu mới từ việc phát hành độc quyền những thiết kế lưu trữ của mình trên vũ trụ ảo.
Một lý do nữa khiến các thương hiệu thời trang cao cấp gấp rút tham gia thị trường ảo nằm ở tính xác thực. Bởi NFT có thể được mã hóa để thiết lập nguồn doanh thu định kỳ, nó cho phép các thương hiệu thu được từ 2.5% cho đến 10% phí hoa hồng trên giá bán mỗi khi NFT của họ được giao dịch.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng xa xỉ có thể theo dõi các mặt hàng của họ bằng cách giao dịch chúng dưới dạng NFT, từ đó cho phép họ xác định hàng giả. Vì dữ liệu về quyền sở hữu được lưu giữ trong Ethereum (một nền tảng điện toán có mã nguồn mở dựa trên công nghệ Blockchain) nên rất khó để mua hoặc bán các mặt hàng giả trong vũ trụ ảo.
Biểu tượng NFT Cryptopunk #3167 của Tiffany & Co.
Sân chơi Metaverse ngày càng trở nên nhộn nhịp khi đón chào thêm nhiều cái tên lớn của ngành thời trang xa xỉ. Mùa thu năm 2022, Hermès đặt nền móng cho việc truy cập Web3 sau khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm NFT, tiền mã hóa và Metaverse.
Gucci sau thành công với sản phẩm NFT đầu tiên đã tung ra BST NFT giới hạn “SuperGucci," đồng thời cộng tác với 10KTF vào tháng 3/2022 để cho ra mắt dự án “Gucci Grail," một bộ sưu tập độc đáo các NFT được cá nhân hóa và chế tác bởi nghệ nhân kỹ thuật số Wagmi-san. Tiffany & Co. biến biểu tượng NFT Cryptopunk #3167 thành món trang sức thật làm bằng vàng hồng và đá quý gây sốt giới mộ điệu vào tháng 4 năm ngoái.
Bộ sưu tập “Gucci Grail” được chế tác bởi nghệ nhân kỹ thuật số Wagmi-san
Gala Vrbanic, nhà sáng lập nền tảng kinh doanh thời trang kỹ thuật số Tribute Brand, dự đoán rằng trong tương lai “tất cả các khoảnh khắc và xu hướng thời trang sẽ diễn ra trong thế giới ảo." Nói cách khác, chúng ta sẽ dần thể hiện phong cách cá nhân qua avatar trong vũ trụ Metaverse thay vì trong cuộc sống thực.
Với sự đầu tư nghiêm túc mang tính chiến lược từ các thương hiệu cao cấp, gia nhập Metaverse có lẽ sẽ không phải là một xu hướng nhất thời của ngành công nghiệp tỷ đô này. Tham gia Metaverse cũng là một cách để duy trì di sản cho các thương hiệu, đồng thời hướng tới một tương lai bền vững hơn, nơi không còn những cuộc tranh cãi về sự túng quẫn của thị trường lao động dệt may và mức chi phí khổng lồ cho những kho bãi chứa hàng./.