Vậy nên trả lời câu hỏi về điểm yếu như thế nào để gây ấn tượng và ghi điểm với nhà tuyển dụng Cà Mau, Cần Thơ, TPHCM…? Hãy xem qua một số gợi ý sau đây nhé.
Thừa nhận điểm yếu
Nhiều bạn có tâm lý “giấu dốt”, lẩn tránh điểm yếu nên khi phỏng vấn, họ tìm mọi cách che giấu nó. Có nhiều trường hợp, ứng viên trả lời không có bất kỳ điểm yếu nào. Tuy nhiên, sẽ không có ai hoàn hảo tuyệt đối. Dẫu có thì đó cũng không phải câu trả lời giúp bạn ghi điểm thậm chí còn bị mất điểm bởi sự kiêu ngạo. Ngược lại, nếu trả lời quá nhiều điểm yếu tiêu cực, có thể bạn sẽ mất cơ hội được tuyển dụng.
Thay vào đó, bạn nên thừa nhận điểm yếu của bản thân. Tất nhiên đó là điểm yếu có chọn lọc. Hơn nữa, điểm yếu đó nên là điểm bạn có thể khắc phục và nó không ảnh hưởng quá lớn tới công việc đang ứng tuyển.
Một ứng viên cởi mở, trung thực và có lựa chọn khôn ngoan sẽ ghi điểm với nhà tuyển dụng hơn là ứng viên kiêu ngạo, tìm mọi cách che giấu điểm yếu hay ứng viên tiêu cực, thiếu tự tin.
Thể hiện sự sẵn sàng thay đổi/ cải thiện điểm yếu
Điểm yếu là điểm cần phải thay đổi. Nhà tuyển dụng không quá mong đợi ứng viên hoàn hảo ngay từ đầu. Chưa kể, một ứng viên hoàn hảo chưa hẳn là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí tuyển dụng. Vậy nên, khi đặt câu hỏi điểm yếu khi phỏng vấn, điều nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy là sự sẵn sàng thay đổi và sự thay đổi đó giúp bạn tạo ra giá trị cho công việc, cho doanh nghiệp.
Vì thế, bạn hãy thể hiện là người linh hoạt, sẵn sàng thay đổi. Bạn cũng nên thể hiện là người ham học hỏi, có khả năng quan sát, tự học để thích ứng môi trường mới cũng như nâng cấp bản thân mỗi ngày.
Đây là phẩm chất mà nhà tuyển dụng mong chờ ở ứng viên. Do đó, bạn nên mạnh dạn thể hiện tinh thần này khi nói về điểm yếu.
Thể hiện sự chân thành
Nhiều bạn đọc được một số mẹo trên internet về cách nói làm sao biến điểm yếu thành điểm mạnh. Nhưng thay vì chắt lọc thông tin, sửa đổi cho phù hợp với bản thân và công việc thì bạn lại học thuộc lòng. Thậm chí nhiều bạn cố tình thể hiện điểm mạnh khi nói về điểm yếu mà không biết, dưới con mắt nhà tuyển dụng kinh nghiệm, họ dễ dàng nhận ra, bạn không thành thật.
Điều bạn cần làm khi nói về điểm yếu là sự chân thành. Tất nhiên để làm được điều này, bạn cần chuẩn bị kỹ trước đó, tìm hiểu rõ về doanh nghiệp, về yêu cầu công việc và hiểu rõ năng lực bản thân.
Ví dụ, lựa chọn điểm yếu là “cả nể”, bạn có thể nói như sau: “Tôi là người khá cả nể. Vậy nên, tôi thường ôm đồm việc, khi được đồng nghiệp nhờ vả, tôi không nỡ từ chối. Điều này dẫn đến một số lần, công việc không theo đúng deadline và hiệu quả mong muốn. Tôi nhận ra điểm yếu này và đã tích cực sửa đổi bằng cách tuân thủ kế hoạch trước đó, quản lý thời gian tốt hơn. Đồng thời tôi cũng chia sẻ với đồng nghiệp để phối hợp công việc nhịp nhàng hơn”.
Với cách chia sẻ này, bạn vừa thể hiện được sự chân thành, cởi mở lại vừa cho thấy tinh thần thay đổi cũng như phẩm chất đáng quý của một nhân sự. Do đó, đừng quá căng thẳng, áp lực hay cố gắng học thuộc lòng một câu trả lời mẫu nào.
Các câu trả lời mẫu cho câu hỏi về điểm yếu khi phỏng vấn
“Tôi từng gặp vấn đề với tính trì hoãn và thường xuyên vắt giò lên cổ khi thời hạn đến gần. Tôi quyết định rằng mình cần phải bỏ thói quen xấu này nên đã thực hiện các cách về quản lý thời gian. Tôi đã học cách sắp xếp ngày làm việc của mình và chia các dự án lớn thành từng phần có thể quản lý được. Giờ đây, tôi lập kế hoạch ngay khi nhận nhiệm vụ mới và tôi thường hoàn thành công việc trước thời hạn”.
“Tôi mạnh về thiết kế nhưng không có nhiều kinh nghiệm về viết nội dung, vì vậy tôi có thể nói rằng đó là một điểm yếu đối với tôi. Tuy nhiên, tôi là một người học hỏi nhanh và tôi tin rằng mình có thể cải thiện kỹ năng viết nếu điều đó cần cho công việc”.
Trên đây là gợi ý về cách trả lời câu hỏi về điểm yếu khi phỏng vấn giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Khi nhận rõ điểm yếu của bản thân với lý giải thông minh đi kèm cùng tinh thần chân thành, sẵn sàng cải thiện, bạn chắc chắn sẽ nổi bật hơn so với ứng viên khác.
Nguyễn Lý