Ngày Tết, nhiều gia đình có thói quen trữ đông thực phẩm để dùng dần. Thực phẩm trữ đông sẽ có thời gian bảo quản lâu hơn mà vẫn giữ được các chất dinh dưỡng bên trong. Tuy nhiên, thực phẩm trữ đông lại có sự bất tiện là trước khi chế biến cần phải rã đông. Vậy bạn đã biết rã đông thực phẩm đông lạnh đúng cách chưa?
Sở dĩ thực phẩm đông lạnh có thể có thời hạn sử dụng lâu hơn là do nhiệt độ thấp làm đông cứng hầu hết các vi sinh vật trong thực phẩm. Khi rã đông, nhiệt độ tăng lên, nhiều vi sinh vật sẽ hoạt động trở lại.
Ngoại trừ vi sinh vật đặc biệt chịu được nhiệt độ cao hoặc nhiệt độ thấp, thì nhiệt độ từ 16 - 30 ° C là thích hợp nhất cho sự phát triển và sinh sản của vi sinh vật. Vì vậy, khi thực phẩm đông lạnh để ở nhiệt độ phòng sẽ dễ sinh ra nhiều vi khuẩn hơn. Nếu rã đông ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài, nguy cơ nhiễm vi khuẩn cao, vì vậy phương pháp này không được khuyến khích. Nhưng vào mùa đông khi nhiệt độ phòng thấp thì bạn có thể thử phương pháp rã đông tự nhiên này.
Nếu bạn nghĩ rằng nước nóng có thể giết chết vi khuẩn thì bạn đã nhầm. Vì nhiệt độ chỉ tác động được phần bên ngoài và làm chín bề mặt thịt, bên trong vẫn đóng đá nên khi chế biến sẽ ảnh hưởng lớn đến mùi vị và dinh dưỡng của thực phẩm. Vậy còn ngâm trong nước lạnh thì sao? Ngâm trong nước lạnh và thêm muối để rã đông nghe có vẻ là một cách tốt để diệt vi khuẩn, nhưng vô dụng. Nếu ngâm lâu trong nước lạnh, bề mặt thịt sẽ trở nên mềm và có màu trắng, dễ làm mất chất dinh dưỡng và sinh sôi vi sinh vật. Đây mới là phương pháp rã đông chuẩn nhất:
Phương pháp rã đông chính xác có hai thủ thuật
Cách 1: Rã đông từ từ trong tủ lạnh
Thực phẩm đông lạnh sau khi lấy ra khỏi ngăn đá nên được rã đông trong ngăn mát của tủ lạnh bằng túi giữ nhiệt hoặc hộp giữ tươi. Cách làm này có thể đảm bảo dinh dưỡng của thực phẩm ở mức tối đa, và hạn chế được sự xâm nhập của các loài vi khuẩn vì nhiệt độ của ngăn mát tủ lạnh nói chung là 0-4 ℃, không có lợi cho sự phát triển của vi sinh vật.
Tuy nhiên, việc làm lạnh và rã đông bằng tủ lạnh sẽ mất khá nhiều thời gian, vì vậy bạn nên lấy thực phẩm đông lạnh vào buổi sáng trước khi đi ra ngoài (hoặc tối hôm trước), và sẽ thuận tiện hơn khi bạn về nhà vào buổi tối (hoặc ngày hôm sau) để nấu ăn.
Cách 2: Rã đông bằng lò vi sóng
Các lò vi sóng hiện nay thường có chức năng rã đông, so với rã đông trong tủ lạnh thì thời gian rút ngắn hơn rất nhiều và có thể hoàn thành rã đông trong vài phút, lượng dinh dưỡng hao hụt tương đối ít. Nhưng lưu ý không đặt nhiệt độ rã đông quá cao và thời gian rã đông không quá lâu vì có thể khiến thực phẩm bị nướng chín. Nếu bạn không chắc chắn về nhiệt độ và thời gian, hãy tuân thủ nguyên tắc nhiệt độ thấp, thời gian ngắn, nhiều lần và nhớ đảo thực phẩm trong quá trình rã đông.
Các loại thực phẩm khác nhau có các phương pháp rã đông khác nhau
Thịt đông lạnh (trữ đông lâu nhất là 3 tháng) như thịt lợn, thịt bò, gà, vịt, cá... có thể rã đông bằng tủ lạnh hoặc rã đông trong lò vi sóng. Hãy nhớ phân chia chúng thành những phần nhỏ trước khi đông lạnh, điều này có thể tiết kiệm thời gian rã đông.
Rau củ đông lạnh (bảo quản đông lạnh lâu nhất là 1 tháng) như đậu xanh, bắp ngô, cà rốt thái sợi... bảo quản ở nhiệt độ thấp sẽ giúp khóa chất dinh dưỡng trong rau củ, giá trị dinh dưỡng sau khi đông lạnh cũng cao. Khi rã đông, hãy chần thưc phẩm trong nồi nước sôi từ 30 giây đến 1 phút là bạn có thể bắt đầu nấu.
Các sản phẩm đã nấu chín (bảo quản đông lạnh lâu nhất từ 2-3 tháng) như các loại bánh hấp,... thường không khuyến khích hâm và rã đông trong lò vi sóng, vì dễ bị khô và ảnh hưởng đến hương vị. Nếu bạn phải sử dụng lò vi sóng để rã đông, hãy nhớ rưới một ít nước lên thực phẩm trước khi hâm nóng. Nhưng cách được khuyến khích nhất là cho lên nồi hấp và hấp từ từ trên lửa nhỏ.
Theo An Nhiên - Vietnamnet