Bất chấp thực tế rằng một số cặp đôi có thể hồi phục và hàn gắn sau khi ngoại tình nhưng nhiều cặp đôi khác thì không. Và ngay cả khi họ lựa chọn ở bên nhau, có thể phải mất rất nhiều công sức để chữa lành những tổn thương.
Các nghiên cứu cho thấy ngoại tình là vấn đề cực kỳ phổ biến trong hôn nhân. Theo một nghiên cứu năm 2017 trên 484 người trưởng thành tại Hoa Kỳ, 44% những người ở trong các mối quan hệ lãng mạn đang vướng ngoại tình.
Có nhiều lý do khác nhau khiến một số người thừa nhận mình đang ngoại tình. Một nghiên cứu năm 2020 đã xác định được 8 lý do chính dẫn đến lừa dối, bao gồm: sự tức giận, lòng tự trọng thấp, thiếu tình yêu, thiếu cam kết, cần sự đa dạng, bỏ bê quan hệ, ham muốn tình dục, yếu tố tình huống.
Nhìn chung, lý do dẫn đến ngoại tình rất khác nhau và tùy thuộc vào từng cá nhân cũng như mối quan hệ. Bài viết này, giới chuyên gia liệt kê một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro phổ biến nhất có thể dẫn đến lừa dối trong hôn nhân, đồng thời đưa ra lời khuyên giúp bạn vượt qua biến cố.
Ham muốn tình dục
Một số người lừa dối bạn tình của mình nhằm đạt được sự thỏa mãn trong tình dục. Họ khẳng định nhu cầu về sự đa dạng của bạn tình hoặc chỉ đơn giản là bị thu hút về mặt tình dục bởi ai đó và không chủ động chống lại sự hấp dẫn đó.
Sự tức giận
Nhiều người lừa dối bạn đời vì tức giận hoặc để trả thù. Họ cảm thấy tức giận hoặc bực bội với đối tác của mình vì điều gì đó và coi việc lừa dối như một hình phạt. Thậm chí họ nghĩ rằng lừa dối là một cách để trả thù thỏa đáng vì đối phương đã làm họ tổn thương.
Ví dụ, bạn tức giận với người yêu vì đã lừa dối bạn. Bạn cũng chọn cách lừa dối họ, muốn gây ra mức độ đau đớn cho họ giống như họ đã làm với bạn. Hoặc có thể bạn vừa trải qua một cuộc cãi vã căng thẳng và cơn tức giận khiến bạn nảy sinh ý định lừa dối.
Thiếu tình yêu hoặc sự cam kết
Cảm giác bị bỏ rơi trong một mối quan hệ là một lý do khác khiến mọi người có ý định lừa dối. (Ảnh: ITN)
Một số người ngoại tình vì lý do đơn giản: họ không còn yêu bạn đời của mình nữa. Hầu hết chúng ta bước vào những mối quan hệ lãng mạn vì chúng ta cảm nhận được sức hấp dẫn ban đầu.
Một số người mất đi sự hấp dẫn hoặc tình yêu dành cho bạn đời theo thời gian. Khi không còn yêu người bạn đời của mình nữa, việc lừa dối trở nên dễ dàng hơn.
Một số người thậm chí coi lừa dối như một cách để rời bỏ một mối quan hệ không còn khiến họ hạnh phúc. Ngoài ra, những người cảm thấy ít cam kết hơn với mối quan hệ của mình thường có nhiều khả năng lừa dối hơn.
Mối quan hệ bị bỏ bê
Cảm giác bị bỏ rơi trong một mối quan hệ là một lý do khác khiến mọi người có ý định lừa dối. Ví dụ, đối tác của bạn ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho công việc và không còn tập trung vào mối quan hệ với bạn. Hoặc có thể họ đang ở một nơi rất xa và bạn đã lâu không gặp được họ.
Cũng có trường hợp bạn và đối tác của mình không cảm thấy được kết nối, vì thế bạn cảm thấy đơn độc trong mối quan hệ của mình.
Bất kể hoàn cảnh cụ thể như thế nào, cảm giác bị bỏ rơi trong một mối quan hệ thường được coi là lý do khiến mọi người lừa dối nhau.
Yếu tố tình huống hoặc cơ hội
Một lý do rất phổ biến dẫn đến ngoại tình là vì... cơ hội đã xuất hiện. Ví dụ, ai đó ngoại tình vì họ đang bị ảnh hưởng bởi rượu và khả năng ức chế của họ bị giảm sút. Hoặc họ “trót dại” vì bị bỏ lại một mình với đồng nghiệp khi đi công tác.
Cách đối phó người bạn đời lừa dối
Hãy cố gắng đừng tìm cách trả thù hoặc đưa ra những quyết định quan trọng vì tức giận. (Ảnh: ITN)
Sự không chung thủy vô cùng tai hại cho các mối quan hệ và sự phản bội có thể ảnh hưởng lâu dài đến cảm giác tin cậy và giá trị bản thân. Cho dù tình huống này chắc chắn là đau đớn nhưng vẫn có nhiều cách để bạn đối phó.
Trước hết, hãy nhớ rằng bạn không có lỗi. Cho dù đối tác của bạn lừa dối vì lý do gì, có một điều cần khẳng định: bạn không “khiến” họ phản bội mối quan hệ của mình. Đây là một sự lựa chọn mà chính họ đã thực hiện. Bạn không có lỗi. Hãy cố gắng rèn luyện lòng trắc ẩn với bản thân và nhắc nhở bản thân về điều này thường xuyên nhất có thể.
Điều tự nhiên là có nhiều cảm giác khác nhau xuất hiện trong quá trình đau đớn này. Bạn có thể cảm thấy lẫn lộn giữa tức giận, đau buồn, tội lỗi, than trách, v.v. Hãy cho phép những cảm xúc này hiện diện mà không phán xét. Chấp nhận rằng bạn sẽ mất nhiều thời gian để vượt qua những cảm xúc phức tạp.
Đừng tìm cách trả thù hoặc đưa ra những quyết định quan trọng vì tức giận. Việc bảo vệ con và để con đứng ngoài cuộc xung đột cũng là điều nên làm.
Đây là thời gian để bạn tập trung vào việc chữa lành cho bản thân. Với sự hỗ trợ phù hợp, bạn có thể vượt qua biến cố và học cách tin tưởng trở lại, dù là trong mối quan hệ này hay mối quan hệ tiếp theo.
Theo Giáo dục & Thời đại