Món bánh ép Huế có nguồn gốc ở Thuận An. Đây là vùng đất ven biển nổi tiếng với những vựa cá, hải sản lớn bậc nhất ở Huế. Bánh ép thoạt nhìn rất giống bánh tráng nướng, nhưng mùi vị và cách chế biến rất khác nhau.
Bánh được làm từ những nguyên liệu đơn giản là bột lọc, thịt heo, trứng, hành lá...
(Ảnh: Internet)
Trước khi ép, bánh sẽ được vo sẵn thành từng viên bột nhỏ, nhân bánh khá đa dạng với trứng, thịt, pate, bò khô.
Bánh ép được viên thành từng cục bột nhỏ. (Ảnh: Internet)
Giống như tên gọi của bánh, bánh ép được làm chín bằng cách ép bột bánh và nhân vào giữa hai miếng nhôm trên lò than hồng.
Khi ép, bánh được đặt vào giữa hai tấm gang nóng đỏ rực đã được bôi dầu, đóng lại và dùng lực hai tay ép khuôn thật chặt trong khoảng 5 - 6 giây.
Tiếp đó, người làm sẽ mở khuôn ra, thêm vào trứng cút sống rồi tiếp tục ép lần 2 thêm vài giây nữa. Việc ép bánh rất quan trọng, là công đoạn để quyết định xem bánh ra lò có ngon không.
Nếu canh được đúng thời điểm khuôn bánh nóng vừa phải, ép đủ lực tay, lật bánh đúng lúc, khi bánh chín sẽ có vỏ hơi giòn bên ngoài nhưng vẫn có độ dẻo và dai bên trong.
Khu vực ép bánh thường rất nóng vì bánh phải được ép ở nhiệt độ cao. (Ảnh: Internet)
Bánh ép được biến tấu ăn kèm với rau răm, nộm chua ngọt và dưa leo. Nước mắm được pha sẵn hoặc khách có thể tự mình pha chế tùy thích với ớt khô chiên dầu và tương ớt.
Khi ăn bánh sẽ có vị dai dai, giòn giòn của bột lọc và mùi thơm béo của nhân hòa quyện cùng rau dưa, nước chấm tạo nên hương vị đặc biệt khiến món này ăn hoài mà không ngán.
Bánh ép thường ăn kèm rau sống và mắm chua ngọt. (Ảnh: Internet)
Bánh ép là món đặc sản lâu đời của ẩm thực Huế. Tùy theo khẩu vị và thói quen mà chiếc bánh ép được làm ra sẽ mang những nét riêng biệt.
Bánh ép được bày bán nhiều nơi ở Huế, chính vì vậy nếu có dịp về thăm Huế, đừng quên thưởng thức món bánh độc đáo và hấp dẫn này.
Theo VTC