Mê mẩn chuyện tình Tây Thi – Ngô Phù Sai của Vũ Linh và Ngọc Huyền

An Nhiên (Tổng hợp)| 10/03/2023 06:00

Một thời mê mẩn chuyện tình Tây Thi – Ngô Phù Sai trong vở cải lương “Giang sơn và mỹ nhân” do NSƯT Vũ Linh, Ngọc Huyền đảm nhận. Cố nghệ sĩ đã qua đời, nhưng để lại cho nghệ thuật cải lương di sản huy hoàng.

Lễ tang của NSƯT Vũ Linh khép lại vào ngày 9/3. Cố nghệ sĩ để lại nỗi đau, tiếc nuối, niềm yêu thương vô tận cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và giới mộ điệu.

Nhưng trên hết, ngôi sao cải lương đình đám một thời đã để lại cho nền nghệ thuật nước nhà một tài sản vô giá, một sự nghiệp lẫy lừng, một di sản huy hoàng bởi tài năng và sự tận tâm, tận lực cống hiến cho cải lương.

vlvb.jpeg
Lễ tang nghệ sĩ Vũ Linh khép lại trong ngày 9/3

Trong ngày nghệ sĩ Vũ Linh về với đất mẹ, hãy cùng ôn lại vở diễn Giang sơn và mỹ nhân của tác giả Ngọc Châu và “ông hoàng cải lương” giữ vai trò đạo diễn sân khấu.

Ngoài Vũ Linh trong vai Ngô Phù Sai, vở diễn còn có sự góp mặt của Ngọc Huyền đảm nhận vai Tây Thi, Kim Tử Long vai Phạm Lãi, Linh Tâm trong nhân vật Việt Vương Câu Tiễn, Thoại Mỹ vai Trịnh Đáng cùng nhiều nghệ sĩ khác như Cẩm Thu, Chi Bảo, Tú Sương, Trinh Trinh…

Giai thoại về Tây Thi, tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa

Theo sử sách, Tây Thi được xếp vào một trong tứ đại mỹ nhân thời Xuân Thu và cũng là người khiến vua Phù Sai phải chết mê chết mệt, dẫn tới họa diệt vong của nước Ngô.

Tây Thi nổi tiếng với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. vốn giặt lụa Trữ La (phía Nam Chư Kị, tỉnh Chiết Giang ngày nay) ở nước Việt. Nhan sắc hơn người của Tây Thi khiến nàng còn có biệt danh là Trầm Ngư. Tương truyền rằng khi nàng giặt áo bên bờ sông, bóng nàng soi trên mặt nước trong suốt làm nàng thêm xinh đẹp. Những chú cá nhìn thấy nàng, chúng say mê đến quên cả bơi, rồi dần lặn xuống đáy sông.

tthi3.jpeg
Giai thoại về Tây Thi rất nổi tiếng

Năm 494 TCN, nước Việt của Câu Tiễn bị vua Phù Sai nước Ngô đánh bại. Câu Tiễn rút chạy về cố thủ tại Cối Kê nhưng vẫn bị quân Ngô bao vây, buộc phải cầu hòa.

Phù Sai đưa ra điều kiện cho Việt Vương Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin. Biết Ngô Vương là kẻ háo sắc, nên trước khi lên đường sang Ngô quốc, Câu Tiễn tuyển chọn được Tây Thi và huấn luyện kỹ lưỡng để dâng lên Phù Sai nhằm mục đích phục thù.

tay-thi.jpg
Nhan sắc của Tây Thi được cho là nghiêng nước nghiêng thành

Tây Thi trở thành sủng phi trong hậu cung của Phù Sai. Nhờ nhan sắc nổi bật lại có trí thông minh và hơn hết là những kỹ năng được huấn luyện để quyến rũ người đứng đầu nước Việt, Tây Thi dần chiếm được tình cảm của Phù Sai.

Phù Sai đắm chìm trong nữ sắc. Tây Thi cứ theo những lời dặn dò của Việt Vương Câu Tiễn mà ra sức lấy lòng, mê hoặc vua Ngô. Ngũ Tử Tư phát hiện điều này liền yêu cầu vua phế truất Tây Thi. Nhưng ngược với mong đợi, Phù Sai không chỉ nổi giận, bảo vệ bằng được người đẹp mà còn gián tiếp khiến Ngũ Tử Tư phải tự vẫn.

tthi2.jpeg
Theo sử sách, nàng về nước Việt sau khi Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Phù Sai

Sau này, Phù Sai còn nghe theo lời của Tây Thi, thả Câu Tiễn và quân sư Phạm Lãi về nước Việt. Và đó chính là cái mầm họa diệt vong của nước Ngô.

Năm 473 trước Công nguyên, sau khi tích trữ đủ lương thảo, Việt Vương Câu Tiễn kéo đại quân Việt tấn công tiêu diệt nước Ngô và giết chết Phù Sai. Tây Thi bị người nước Ngô căm hận, ví như một yêu tinh đã khiến cho nước Ngô sụp đổ.

Sau đó, Tây Thi hoàn thành sứ mệnh của một nữ nhi yếm thắm đối với tổ quốc, vẻ vang trở về nước Việt. Nhưng sau khi Tây Thi trở về nước Việt, số phận ra sao, vẫn chưa rõ tung tích.

Những điểm mới trong vở cải lương 'Giang sơn và mỹ nhân'

Vở cải lương Giang sơn và mỹ nhân không theo kết cũ. Trong vở diễn kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, các nghệ sĩ Vũ Linh, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Cẩm Thu, Thoại Mỹ, Tú Sương… đã khắc hoạ rõ nét chân dung của từng nhân vật.

Diễn xuất và giọng hát xuất sắc của cố nghệ sĩ Vũ Linh làm sống động một Phù Sai si tình, mê đắm Tây Thi và cũng rất đỗi ngông cuồng. Giọng ca ngọt ngào của Ngọc Huyền, Kim Tử Long cũng làm say mê khán giả. Cả 3 tạo nên chuyện tình bi kịch, thấm đẫm máu và nước mắt.

gsmn3.jpeg
3 nghệ sĩ cải lương đình đám trong vở diễn Giang sơn và mỹ nhân

Ngay khi Việt vương Câu Tiễn (Linh Tâm) phục thù nước Ngô, quân sư Phạm Lãi (Kim Tử Long đóng) đã lẻn vào kinh thành gặp Tây Thi để thông báo tin vui và hòng đưa nàng về nước. Nhưng Tây Thi (Ngọc Huyền) lúc này đã phải lòng Phù Sai (vua nước Ngô đang xông ra trận chống đỡ quân địch).

Tây Thi tâm sự với Phạm Lãi: “Đã muộn rồi. A Khương là gái đã có chồng. Ngô chúa đã dành trọn cho Tây Thi cả tấm chân tình nên trái tim bé nhỏ này nguyện trao cho Phù Sai mãi mãi”.

Nàng nói: “Đối với Việt quốc, tôi đã làm tròn bổn phận con dân. Nhưng đối với Phù Sai, tôi chưa làm tròn phận vợ. Sở dĩ, tôi mong gặp Phạm đại phu là vì sinh mạng của chồng tôi. Hiện Ngô chúa Phù Sai lâm vào vòng nguy khốn, vì đạo nghĩa phu thê, mong một chút thương tình tha cho chàng mạng sống được bình an. Chúng tôi sẽ rời khỏi Ngô bang, chẳng nghĩ đến vinh quang không màn khinh tướng”.

gsmn2.jpeg
Cố nghệ sĩ Vũ Linh được xem là linh hồn của vở cải lương Giang sơn và mỹ nhân

Phạm Lãi kêu lên: “Ôi thật là chua chát. Ngày đưa tiễn đổi trao bao lời thề ước. Nhưng thời gian đã làm cho ai đó sớm vội quên đi. Xin lỗi Hoàng phi, tôi không quyền quyết định. Vì nỗi nhục sống lưu vong, Việt chúa quyết rửa hờn tẩy hận”.

Lúc bấy giờ Phù Sai mới nhận ra âm mưu của kẻ thù: “Ngô quốc bại vong vì Việt Vương Câu Tiễn. Ta thẹn với Tiên vương cùng Liệt tướng phủ. Đoán trước thế cờ gian mà Câu Tiễn truy lùng, Tướng quốc khuyên ta, ta cuồng ngông bác bỏ. Tin tưởng kẻ thù như thỏ nhỏ hiền ngoan”.

Thế nhưng, dù đất nước và bản thân đang lâm nguy, Phù Sai vẫn hết lòng lo cho sự an nguy của Tây Thi. Vua nói: “A Khương hỡi thương nàng số phận hồng nhan, mau lướt dặm quan san tránh xa phường bạo ác. Ân tình của A Khương xin chờ nhau kiếp khác, trong giây lát nữa thôi mệnh bạc đến Ngô Hoàng”.

gsmn1.jpeg
Vở cải lương đã thay đổi cái kết

Nhưng Tây Thi không thoát thân, nàng nguyện ở lại cùng Phù Sai: “Thiếp xin theo bạn đồng hành/Có nhau cho vẹn lòng thành/Phải tan thân cam đành, cánh hoa rơi xa cành/Nhưng chữ trung trinh vấn vương tơ mành”.

Nàng đồng thời trách Phù Sai “quá xem thường tình nghĩa của A Khương” và quyết: “Trong thảm trải đoạn trường uyên ương cùng chung cảnh. Gặp phải gian nguy đồng chôn thân huyệt lạnh, cho trọn đạo vợ chồng danh tiết chẳng mờ phai”.

Khi Việt Vương Câu Tiễn và Phạm Lãi kéo quân tiến vào liền lên giọng: “Phù Sai, Ngô bang đã về tay Việt quốc. Hãy quy hàng mạng sống sẽ được vẹn toàn”.

Nhưng Phù Sai liền bật cười đáp: “Không. Một danh tướng như ta không bao giờ đầu hàng quân phản phúc. Phạm Lãi! Ngô Việt tranh hùng, Phù Sai ta là người chiến bại. Nhưng trận tình ta là kẻ chiến thắng nhà ngươi”.

Phù Sai cũng mong “hồnTiên đế tha tội cho con, tướng phụ phủi lòng hờn, xin chờ Phù Sai theo với”. Ngay khi dứt lời, Phù Sai liền vung kiếm tự vẫn.

Chứng kiến cái chết của người mình yêu, Tây Thi liền kêu lên: “Nghĩa can thường muôn thuở miên trường, sống đồng tịch đồng sàn. Chết đồng quan đồng khách. A Khương nguyện bên Phù Sai mãi mãi”.

Ngay sau đó, nàng cũng lấy kiếm của Phù Sai kết liễu bản thân trong sự đau đớn của Phạm Lãi. Tiếng nhạc sau đó hùng hồn, giọng ca ngọt ngào của Ngọc Huyền vang lên: “Tây Thi vẹn chữ chung tình/Ngàn đời sử sách lưu truyền thế gian. Giang sơn Việt quốc mất hay còn, Ngô quốc suy tàn do bởi A Khương”.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mê mẩn chuyện tình Tây Thi – Ngô Phù Sai của Vũ Linh và Ngọc Huyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO