Các thông tin kèm theo cho biết sự việc xảy ra tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh (Hải Dương).
Nhiều dòng trạng thái được chia sẻ như: "Bệnh viện Chí Linh - Hải Dương, địa điểm đang được quan tâm nhất lúc này", "Hải Dương, bệnh viện Chí Linh có biến gì thế mọi người", "Khủng khiếp ở bệnh viện Chí Linh - Hải Dương, trầm cảm thực sự quá đáng sợ", "Nửa đêm đọc biến ở bệnh viện Chí Linh - Hải Dương rồi không dám ngủ",...
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến vụ án kinh hoàng trên, nhiều comment tiết lộ, bà mẹ bị trầm cảm còn con trai nhỏ 2 tuổi mắc Covid-19 đang điều trị trong khu cách ly của bệnh viện. Vì không thể làm chủ bản thân, người mẹ đã ra tay sát hại con trai rồi tự tử ngay sau đó.
Sáng 31/3, Công an tỉnh Hải Dương cho biết đang phối hợp với Công an TP.Chí Linh điều tra vụ 2 F0 đang điều trị tại Trung tâm Y tế TP.Chí Linh tử vong.
Được biết, người mẹ năm nay 43 tuổi và con trai mới 2 tuổi đã vào khu điều trị F0 của Trung tâm Y tế H.Chí Linh từ ngày 28/3. Thời điểm đó, bé trai bị sốt cao.
18h ngày 30/3, người chồng mang đồ đến cho hai mẹ con nhưng không gọi điện được nên đã báo với lực lượng y tế.
Khi nhân viên y tế đi kiểm tra thì phát hiện 2 mẹ con nằm dưới sàn, cả hai đều chảy nhiều máu và đã tử vong. Tại hiện trường phát hiện có con dao nhọn dùng để gọt hoa quả.
Cơ quan công an đang tiến hành làm rõ vụ việc
Xôn xao thông tin mẹ giết con rồi tự tử ở Hải Dương, bác sĩ chỉ cách phát hiện bệnh trầm cảm sớm |
Nhằm xác minh thông tin, sáng 31/3, phóng viên liên hệ với Sở Y tế tỉnh Hải Dương qua đường dây nóng. Người cầm máy cho biết, sẽ cho số điện thoại của Giám đốc TTYT TP Chí Linh để liên lạc thì sẽ “xác thực hơn”.
Tuy nhiên, phóng viên nhiều lần liên lạc với Giám đốc TTYT TP Chí Linh theo số điện thoại mà người trực đường dây nóng của Sở Y tế Hải Dương cho nhưng vẫn không nhận được phản hồi.
Hiện tại vẫn chưa rõ thực hư sự việc, nhưng nếu đúng như những gì MXH chia sẻ thì bệnh trầm cảm dường như chưa được đánh giá đúng mức độ nguy hiểm và cần phải được lưu tâm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng dự báo đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh.
Mỗi năm căn bệnh này cướp đi 850.000 mạng người trên thế giới.
WHO khuyến cáo việc ruồng bỏ, hay gạt sang bên lề người mắc trầm cảm là vấn đề lớn ngăn cản nhiều người tìm đến các dịch vụ giúp đỡ.
Theo BS CKII Vũ Kim Hoàn, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, hiện nay quá trình đô thị hóa, những khó khăn trong cuộc sống, áp lực công việc càng tăng, gây ra những mâu thuẫn trong gia đình, xã hội.
Nếu chúng ta không đáp ứng được sự thay đổi này, áp lực này... dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm và hàng loạt bệnh lý khác. Lâu ngày trở nên buồn chán, suy nghĩ bi quan, nặng hơn nữa là có ý định tự tử.
Thường độ tuổi từ 30-40 tuổi trở lên dễ bị trầm cảm. Phụ nữ sau khi sinh, người bệnh sau khi bị đột quỵ, tai biến, động kinh, parkinson, đái tháo đường... rất dễ bị trầm cảm.
Đáng nói, người bệnh thường ít khi ý thức được họ bị bệnh và do còn nhiều định kiến về bệnh tâm thần nên họ không chịu đến bệnh viện tâm thần khám ngay. Khi có các triệu chứng bất thường, họ chỉ nghĩ bị các bệnh lý cơ thể nên thường đến các chuyên khoa như tim mạch, tiêu hóa, thần kinh... để khám.
Nếu đi khám ở nhiều nơi, bệnh không thuyên giảm mà càng nặng hơn mới chịu đến cơ sở chuyên khoa tâm thần điều trị, hoặc được các cơ sở y tế không chuyên khoa chuyển đến.
Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, do áp lực trong cuộc sống, mâu thuẫn trong gia đình; ngoài xã hội, tại nơi công tác hoặc học tập..., ai cũng có thể gặp một cơn trầm cảm, nên cần nhận biết và phát hiện triệu chứng bất thường để điều chỉnh lại cuộc sống. Khi các triệu chứng chuyển biến nặng hơn phải đi khám, điều trị đúng chuyên khoa.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm: buồn rầu, mất hứng thú trong các hoạt động hằng ngày, mất hi vọng; rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác ăn uống, sút cân, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, mệt mỏi, giảm sinh lực; cảm thấy mình vô dụng, bận tâm suy nghĩ nhiều đến cái chết hoặc tự sát...