Mẹ chồng không ưng ý vì con dâu "kém xa" con trai
Khi bố mẹ chồng và con dâu chung sống trong một mái nhà thì khó tránh khỏi những hiểu lầm vô cớ hay xích mích nặng nhẹ với nhau.
Vì vậy, để gia đình êm ấm thì ngoại trừ sự nhường nhịn của mẹ chồng và con dâu ra thì cách xử lý tình huống của người chồng cũng đóng vai trò hòa giải không kém quan trọng.
Cũng giống như câu chuyện của người mẹ chồng dưới đây, nhờ có đứa con trai biết ứng xử mà mối quan hệ mẹ chồng con dâu đã không còn căng thẳng như lúc mới cưới nữa.
Người mẹ kể: “Thật ra lúc đầu tôi không thích cô con dâu mới cưới về đâu. Con trai tôi làm ngân hàng cao 1m78, lương 17-18 triệu, thế mà lại cưới con bé cao có 1m5, làm giáo viên mầm non, lương không được bao nhiêu lại còn tốn công tốn sức. Trước tôi vẫn bảo con trai cưới đồng nghiệp của em gái mà nó không chịu, người ta xinh đẹp lại làm bác sỹ nha khoa, tốt hơn vợ nó biết bao nhiêu lần".
Vì lúc ban đầu đã có định kiến nên người mẹ thấy con dâu làm gì cũng không vừa ý, bà liên tục bắt bẻ chuyện con dâu chậm trễ dọn dẹp nhà cửa và để chồng xuống bếp nấu cơm hâm đồ ăn cho vợ.
Sau đó mới xảy ra một chuyện làm người mẹ loại bỏ thành kiến cố hữu của mình đi.
Chuyện là, mỗi khi đến mùa vải thiều thì họ hàng sẽ gửi cho cả nhà một thùng to để ăn dần. Lúc trước, khi chưa cưới vợ thì con trai sẽ rửa sạch rồi bóc sẵn cho mẹ ăn, nhưng nay cưới vợ rồi thì ông chồng cũng ngồi bóc cho vợ.
Kể đến đây, người mẹ vẫn còn tức: “Tôi biết là con trai cưới vợ rồi thì nên chăm cho vợ, nhưng mà mẹ nó còn sống sờ sờ ở đây này, tôi còn chưa được ăn quả nào mà nó đã bóc hết cho vợ rồi".
Đến tối hôm sau, người mẹ quyết định nhắn tin cho con trai để phàn nàn.
Cuộc nói chuyện của người mẹ chồng và con trai.
Kể từ hôm đó, người chồng dường như đã nhận ra mối quan hệ của mẹ với vợ mình không được tốt lắm nên anh ta đã bắt đầu đứng ra làm người hòa giải đôi bên một cách rất thông minh.
Màn hòa giải xuất sắc của đôi vợ chồng
Người mẹ kể: “Thằng con cứ tưởng mình hay, tôi biết thừa mấy trò vặt vãnh đó của nó. Tôi vừa nói chuyện nó đút vải cho vợ ăn xong là hôm sau nó bóc hẳn một dĩa vừa đấm lưng vừa nài nỉ tôi ăn.
Ăn được mấy quả nó giở trò bảo ăn vải nhiều bị nóng, dễ bị nhiệt miệng, không tốt cho sức khỏe. Sau lại bảo vợ bưng một chén trà cẩu kỷ cho tôi uống. Từ vợ đến chồng, đứa nào cũng khen nức khen nở bảo là trà này giải nhiệt, chống ung thư, chống bệnh tiểu đường, mẹ uống hàng ngày thì có khi lại trẻ ra vài tuổi".
Chuyện chưa dừng ở đây, người chồng lại tiếp tục làm công tác tâm lý cho mẹ: “Mẹ, trà cẩu kỷ này là vợ con dầm mưa dãi nắng chạy vào bệnh viện hỏi đấy, cách nấu, liều lượng đều phù hợp với thể trạng của mẹ. Mẹ xem vợ con có tâm chưa?
Bình thường em ấy chăm sóc các bé mẫu giáo cũng đã mệt rồi nhưng về nhà vẫn làm việc nhà đầy đủ, con thấy mà xót quá nên lâu lâu mới phụ em ấy mà. Con cũng xót mẹ nữa, con sợ mẹ lại không ngơi tay ngơi chân cứ đòi dọn dẹp nhà cửa nên mới giành dọn trước đấy chứ.
Mẹ là người nuôi con lớn khôn, nhưng vợ cũng là người cùng con đi đến cuối đời. Con không muốn hai người có hiểu lầm hay xích mích gì nữa, như vậy thì con đau lòng lắm. Sau này có chuyện gì không hài lòng thì mẹ cứ nói trực tiếp với con được không? Để hai đứa con cùng nhau sửa, nha mẹ?”.
Người mẹ bật cười, bó tay với ông con lớn tướng này: “Được rồi, được rồi, anh nói thế thì tôi còn làm gì được nữa.”
Mấy ngày sau, người mẹ nói chuyện riêng với con dâu, bà kể lại: “Lúc đó thấy áy náy nên tôi cũng tìm con dâu để nói chuyện riêng, dù gì thì cũng là trước đó trong lòng tôi có thành kiến nên mới phủ nhận mọi cố gắng của con dâu.
Sau khi nói chuyện xong thì hai mẹ con cũng hòa hợp hơn, lâu lâu con bé còn mua cho tôi một ít quần áo rất đẹp nữa, mấy bà bạn cứ tấm tắc khen làm tôi nở hết cả mũi…”
Nếu bạn biết cách xử lý khéo léo thì không có hiểu lầm nào là không thể cởi bỏ và cũng không có chuyện gì là không thể giải quyết.
Theo Pháp luật và bạn đọc