'Mày muốn sống yên ổn ở lớp này thì phải biết điều!'

24/04/2023 17:57
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Đã nhiều năm qua đi nhưng quá khứ từng bị bắt nạt, cô lập vẫn luôn ám ảnh Mai Hương mỗi khi nhớ về...

Bị hội "nữ sinh sành điệu" bắt nạt, cô độc vì không một ai bênh vực

Rời khỏi mái trường THPT đã 15 năm nhưng chưa một lần Mai Hương (sinh năm 1991, quê Hòa Bình) góp mặt trong các cuộc họp lớp. Vết đau tâm lý khi bị bắt nạt, bạo lực về mặt tinh thần năm học lớp 10 vẫn ám ảnh cô cho đến tận bây giờ.

Hương không hiểu vì sao hồi ấy, bạn lớp trưởng lại có thành kiến nặng nề, "ghét ra mặt" đối với cô. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn việc, năm ấy, Hương bị bạo lực học đường.

Lớp trưởng là thành viên của hội "nữ sinh sành điệu" - nơi tập trung các bạn giữ chức vụ trong lớp, con nhà có điều kiện, bởi vậy, không một ai dám ra mặt bênh vực khi Hương bị bắt nạt.

Cô nghẹn ngào kể: "Hội "nữ sinh sành điệu" thường xuyên bắt nạt tôi bằng cách cứ đến cuối tuần lại báo cô chủ nhiệm rằng tôi phạm lỗi, không làm tròn trách nhiệm để tôi bị phạt trực nhật cả tuần. Những năm cấp 3 ấy, cuộc sống của tôi không khác gì tù đày, bị hành hạ dã man về mặt tinh thần".

Mày muốn sống yên ổn ở lớp này thì phải biết điều! - 1

Mai Hương đến nay vẫn từ chối đi họp lớp vì ám ảnh quá khứ bị cô lập, bắt nạt bởi nhóm "nữ sinh sành điệu" (Ảnh: NVCC).

Mai Hương từng phải trực nhật liên tiếp trong suốt một tháng trời. Quá ấm ức, cô bèn cãi nhau nhưng bị cả nhóm lôi lên trước lớp sỉ nhục.

Từng người một vây quanh, chỉ tay vào mặt Hương rồi gằn giọng đay nghiến: "Mày muốn sống yên ổn ở lớp này phải biết điều!", "Bạn bè cùng lớp, đừng để đến lúc tụi tao đụng vào mày không hay đâu"...

Một nữ sinh trong hội còn buông lời nạt nộ: "Bây giờ mà tao thích, tao chỉ cần nói một câu thôi là cô giáo cho mày trực nhật thêm một tháng nữa".

Chưa bao giờ cô gái nhỏ cảm thấy cô độc như thời khắc đó. Nhưng thay vì khóc lóc hay tỏ ra sợ hãi, Hương gồng mình, cười khẩy rồi lặng lẽ trở về chỗ ngồi. Điều đáng sợ với Hương có lẽ là ánh mắt của các bạn trong lớp - tò mò, nhạo báng, thương hại... có đủ cả.

Thậm chí, những ngày sau đó, Hương còn bị vu khống "dắt một đám con trai đến nhà những nữ sinh trong lớp gây rối". Bạn lớp trưởng giả tạo trước mặt cô giáo mà tố cáo Hương: "Em đã phân tích cho bạn ấy hiểu làm vậy sẽ ảnh hưởng đến tập thể lớp". Nhóm nữ sinh đó còn kể cho giáo viên nghe những điều họ bịa đặt về Hương.

Mày muốn sống yên ổn ở lớp này thì phải biết điều! - 2
Tôi nghĩ mình đã thua cuộc khi phải khóc trước mặt nhóm nữ sinh đó. Tôi nhớ, lúc ra về, cả đám còn nhại lại tiếng khóc của mình, vừa cười cợt, mỉa mai.

Quá sốc, Hương bỗng cảm thấy "buồn nôn kinh khủng". Cô không hiểu tại sao các bạn cùng lớp lại có thể bịa đặt một cách trắng trợn và dối trá về mình đến thế. Những câu nói "như lưỡi dao khoét sâu vào tim" trong buổi họp lớp năm ấy, cho đến hiện tại, vẫn ám ảnh tâm trí cô.

Lúc ấy, cô giáo nhìn Hương với ánh mắt ngờ vực, có phần khó hiểu và khó chịu. "Tôi nghĩ có lẽ cô đã tin tưởng lớp trưởng hơn. Tôi uất nghẹn đến mức không thể giải thích một câu nào trước cô giáo. Tất cả cảm xúc dồn nén bao lâu bỗng dưng như quả bóng nổ tung. Tôi òa khóc nức nở, không thể ngưng lại.

Cô giáo chỉ biết nói rằng tôi "hãy bình tĩnh". Nhưng giây phút đó, tôi không thể bình tĩnh nổi nữa. Tôi luôn chỉ có một mình, không ai dám bảo vệ hay lên tiếng bênh vực. Trong khi những người bắt nạt tôi là một nhóm, lại là ban cán sự lớp, con nhà giàu.

Tôi nghĩ mình đã thua cuộc khi phải khóc trước mặt nhóm nữ sinh đó. Tôi nhớ, lúc ra về, cả đám còn nhại lại tiếng khóc của mình, vừa cười cợt, mỉa mai", Hương kể tiếp.

Sau khi về nhà, lấy lại bình tĩnh, Hương đã viết thư tay bày tỏ cùng cô giáo tất cả mọi chuyện và sự uất ức của bản thân. Một tuần sau, giáo viên gọi riêng Hương cùng nhóm "nữ sinh sành điệu" để "đối chất".

Song, đến cuối cùng, cô giáo chọn đứng ở thế trung lập vì không biết nên tin bên nào. Hương nhớ, cô kết luận "ai cũng có lỗi vì đã không đoàn kết với nhau".

Từ đó, Hương cũng không "tâm sự" với cô giáo thêm một lần nào nữa. Và câu chuyện bắt nạt vẫn tiếp tục diễn ra những ngày sau đó...

Nhận ra trường học cũng giống như một xã hội thu nhỏ

Không chỉ bị bắt nạt hội đồng, Hương còn chịu cú sốc khá lớn vì bạn thân quay lưng phản bội.

"Trước khi mình bị cô lập thì người bạn này là đối tượng chịu sự dè bỉu của nhóm nữ sinh sành điệu. Lúc đó, mình đã ở bên bảo vệ bạn ấy. Nhưng tiếc thay, ngày mình bị bắt nạt thì người bạn ấy đã chọn quay lưng lại. Quá đáng hơn, họ còn hùa vào cô lập mình để lấy lòng hội bắt nạt", cô bộc bạch.

Mày muốn sống yên ổn ở lớp này thì phải biết điều! - 3

Mai Hương của hiện tại là một cô gái luôn hướng đến cuộc sống vui vẻ, lạc quan (Ảnh: NVCC).

Mãi sau này, Mai Hương nhận ra trường học cũng giống như một xã hội thu nhỏ vậy. Trong xã hội ấy có rất nhiều kiểu người khác nhau và bản thân mỗi người phải tự chọn cách trưởng thành. Hơn hết, bạn sẽ khó mà thay đổi được gì khi chỉ có một mình - yếu thế và cô độc.

"Thời đó điện thoại và mạng xã hội chưa phổ biến nên tôi không thể quay clip lại làm bằng chứng hay là tung lên mạng để được cộng đồng giúp đỡ như bây giờ. Vì là dân chuyên ban xã hội, nên câu chuyện của tôi không phải là bị hành hung về thể xác, mà là một kiểu "chơi xấu" đánh vào tinh thần nạn nhân.

Điều này làm nạn nhân đau khổ, uất ức theo một kiểu khác. Mọi người xung quanh thì không mấy để tâm, vì họ cho rằng, hành hung về thể xác mới là đáng sợ", Hương kể.

Bố mẹ xua tay "chỉ là chuyện trẻ con"

Thi thoảng trong những bữa cơm gia đình, Hương có kể chuyện mình bị bắt nạt ở trường. Nhưng người lớn nghĩ đơn giản rằng đó "chỉ là chuyện trẻ con" và không mấy để tâm.

Hương nghẹn ngào nói: "Tôi không chia sẻ được nhiều với gia đình vì chính bố mẹ cũng nghiêm khắc với con cái. Trong gia đình, em trai được coi trọng, còn tôi thì không.

Đi học thì bị bạn bè bắt nạt, về nhà không được sự đồng cảm. Tôi đã cô độc vô cùng, trốn trong bóng tối khóc rất nhiều lần suốt quãng thời gian đó".

Mày muốn sống yên ổn ở lớp này thì phải biết điều! - 4
Mày muốn sống yên ổn ở lớp này thì phải biết điều! - 5

Mai Hương tự chữa lành cho những vết thương tâm lý của mình bằng cách viết nhật ký. Những trang giấy chứa đựng tất thảy nỗi niềm, sự phẫn uất của một cô bé học lớp 10 bị bắt nạt một cách oan ức nhưng đành bất lực "chịu trận".

Thời điểm đó, cô nữ sinh bé nhỏ cũng tự an ủi mình: "Sẽ vượt qua được mà, không cần thanh minh gì hết, bù lại "cây ngay không sợ chết đứng", miệng lưỡi thế gian mà"; "Hương ơi cố lên! Đừng mít ướt nữa đó nha, cứng rắn lên".

Bây giờ, dù nhiều năm đã qua, câu chuyện năm ấy đã là dĩ vãng, nhưng mỗi khi đọc lại, Hương vẫn nức nở như một đứa trẻ...

Đối với vấn đề bắt nạt ở lứa tuổi học sinh, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Người lớn cần ý thức rằng các nạn nhân của bạo lực học đường chịu rất nhiều áp lực tâm lý. Các em trải nghiệm cảm xúc tự ti, bất an, côlập, lo lắng và ức chế.

Những kẻ bắt nạt sẽ luôn tìm cách gia tăng áp lực và đe dọa phải giữ bí mật về hành vi bắt nạt, vì vậy việc các em tiết lộ việc bị bắt nạt với cha mẹ và giáo viên, người lớn cần thể hiện sự tin tưởng và có kế hoạch hỗ trợ một cách có cân nhắc nếu không sẽ làm tình huống trở nên tồi tệ hơn.

Trên thực tế, nhiều gia đình và nhà trường đã không ứng xử với sự cẩn trọng và trách nhiệm cần thiết. Họ có thể tin rằng việc gặp kẻ bắt nạt nói vài câu hòa giải hoặc chỉ trích trừng phạt, thậm chí chuyển kẻ bắt nạt đi nơi khác là xong.

Cần lưu ý rằng với các vụ việc bạo lực học đường, không chỉ nạn nhân cần được tham vấn hỗ trợ để hồi phục về mặt tâm lý và học các chiến lược tự bảo vệ, ứng phó phù hợp với kẻ bắt nạt mà cũng cần hỗ trợ cả thủ phạm và những người a dua".

Nội dung: Tuệ Nhi

24/04/2023

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Mày muốn sống yên ổn ở lớp này thì phải biết điều!'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO