Quy trình xử lý máy bay xâm phạm vùng trời đang được Bộ Quốc phòng xây dựng trong nghị định mới, nêu rõ nguyên tắc bay chặn, ép hạ cánh của không quân Việt Nam khi gặp máy bay vi phạm.
Việc xử lý máy bay xâm phạm vùng trời bằng cách cho máy bay quân sự "bay chặn", "ép hạ cánh" đã được lực lượng Không quân Việt Nam áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, quy trình này sẽ được "thể chế hóa" một cách chi tiết thông qua dự thảo nghị định đang được Bộ Quốc phòng xây dựng trình Chính phủ.
Tại dự thảo, Bộ Quốc phòng xác định lực lượng không quân Việt Nam sẽ thực hiện bay chặn (ngăn chặn không cho máy bay tiếp tục vi phạm), bay kèm (dẫn dắt máy bay đến khi kết thúc vi phạm) hoặc bay ép hạ cánh (ép buộc máy bay vi phạm phải hạ cánh tại sân bay của Việt Nam).
Trong đó, "bay chặn, bay kèm" được áp dụng trong 4 tình huống: (1) máy bay bay vào vùng trời Việt Nam khi chưa được cấp phép bay; (2) máy bay bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay; (3) máy bay không tuân thủ quy tắc bay; (4) vi phạm chế độ bay nhưng không chấp hành hướng dẫn của cơ quan điều hành bay.
Biện pháp "bay ép hạ cánh" được áp dụng trong tình huống: (1) máy bay bị can thiệp bất hợp pháp; (2) máy bay vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của máy bay chặn, bay kèm; (3) máy bay không thực hiện đúng phép bay.
Trong tình huống bay chặn, bay kèm hoặc ép hạ cánh, máy bay của không quân Việt Nam sẽ tiếp cận máy bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải, sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động bảo đảm cho phi công (tổ bay) của máy bay vi phạm có thể tiếp nhận được.
Trường hợp "bay chặn, bay kèm", máy bay của không quân Việt Nam sẽ thoát ly sau khi máy bay vi phạm chấm dứt vi phạm. Trường hợp "bay ép", máy bay của không quân Việt Nam sẽ thoát ly hoặc hạ cánh sau khi máy bay vi phạm đã hạ cánh tại sân bay được chỉ định.
Bộ Quốc phòng cho biết những năm qua, các đơn vị quân đội đã thực hiện tốt công tác quản lý vùng trời, xử lý các tình huống, bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng và quân sự. Các đơn vị không quân thường xuyên được huấn luyện nội dung bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh.
Tuy nhiên, đến nay chưa có quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật, chưa có cơ sở pháp lý để bộ ngành khác hiệp đồng tổ chức huấn luyện, diễn tập. Khi xảy ra vụ việc vi phạm vùng trời, các đơn vị còn gặp khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn trong phối hợp thực hiện.