Máy bay nằm đất vì COVID-19, doanh nghiệp dịch vụ hàng không 'sống' thế nào?

06/08/2021 08:06

Dịch COVID-19 bùng phát, hàng không đóng băng, máy bay nằm đất la liệt, tình trạng này đã tác động lớn đến các doanh nghiệp dịch vụ.

Bức tranh kinh doanh của đa số doanh nghiệp dịch vụ hàng không như Sasco, Nasco, MCS…không sáng sủa khi doanh thu sụt giảm, lợi nhuận bốc hơi. Trên thị trường, giá cổ phiếu doanh nghiệp này cũng liên tục đỏ sàn.

Lắt lay vì COVID-19

Hoạt động kinh doanh gặp khó vì COVID-19 cộng với sự suy giảm của doanh thu tài chính đã đẩy Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã SAS) rơi vào cảnh thua lỗ.

Máy bay nằm đất vì COVID-19, doanh nghiệp dịch vụ hàng không 'sống' thế nào? - 1

Doanh nghiệp phục vụ hàng không điêu đứng vì không có khách bay, phải xoay qua vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể, theo kết quả kinh doanh, doanh thu thuần quý II của Sasco đạt gần 94 tỷ đồng và lãi gộp 48 tỷ đồng, tăng tương ứng 56% và 109% so với cùng kỳ. Tuy nhiên kết quả này thấp hơn rất nhiều nếu so với cùng kỳ 2019, khi ngành hàng không chưa chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Doanh thu tài chính của giảm mạnh 81% và chỉ còn 23,2 tỷ đồng. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp gần 43 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ, chủ yếu là do chi phí nhân viên quản lý tăng thêm gần 20 tỷ đồng. Do đó giảm lỗ ròng 14,5 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm, Sasco ghi nhận doanh thu thuần hơn 202 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ, lỗ ròng gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 52 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu Sasco giao dịch mức 25.500 đồng/cổ phiếu, giảm 12% so hồi đầu năm 2021.

Tương tự, Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (mã NCS) cũng ngậm ngùi báo lỗ trong 6 tháng đầu năm dù đã xoay xở nhiều phương án nhằm vực dậy hoạt động kinh doanh giữa dịch bệnh.

Báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu quý II của NCS đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái đạt 32 tỷ đồng. Nhưng việc tăng mạnh giá vốn bán hàng tới 16% lên 48 tỷ đồng khiến NCS lỗ gộp 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gộp 9,6 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, NCS lỗ sau thuế 24 tỷ đồng – ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp NCS rơi vào thua lỗ.

Trong 6 tháng đầu năm, NCS ghi nhận doanh thu 76 tỷ đồng, giảm 48%; lỗ sau thuế 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 18 tỷ đồng. Hiện lỗ lũy kế của NCS đã lên mức 70 tỷ đồng.

Theo giải trình của NCS, nửa đầu 2021 tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và nặng nề hơn so với năm 2020, ảnh hưởng đến toàn bộ thời gian hoạt động kinh doanh nên doanh thu và lợi nhuận của kỳ này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (Taseco, mã AST) quý II năm nay ghi nhận doanh thu thuần gần 51 tỷ đồng, tăng nhẹ so cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn tăng mạnh gần 49% lên 39 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng tăng cao cùng với khoản lỗ từ các doanh nghiệp liên kết khiên AST đến lỗ sau thuế 35 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu 2021, AST lỗ 66 tỷ đồng trong khi năm ngoái có lãi hơn 1,5 tỷ đồng.

Gam màu xám cũng xuất hiện trong bức tranh kinh doanh của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng (Masco, mã MAS). Theo báo cáo, doanh thu thuần trong các tháng 4, 5 và 6 của MAS chỉ đạt hơn 12,2 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ so với cùng kỳ 2020 nhưng giảm sâu so với quý II của 2019.

Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng không của MAS suy giảm so với cùng kỳ, khiến MAS lỗ sau thuế 4,2 tỷ đồng, cùng kỳ cũng lỗ hơn 5,8 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm MAS lỗ 7,4 tỷ đồng, tăng so với con số 6,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong văn bản giải trình với cổ đông, lãnh đạo Masco cho biết là đơn vị kinh doanh trong ngành hàng không, Masco không nằm ngoài khó khăn chung, nhất là trong đợt bùng phát dịch từ 27/4. Tuy vậy nhờ thực hiện chính sách tiết kiệm triệt để, cắt giảm chi phí, tiền lương nên mức lỗ trong quý II thấp hơn so cùng kỳ 26,6%.

vận chuyển hàng hóa vẫn sống khỏe

Tuy vậy trong bức tranh ảm đạm của ngành hàng không vẫn có những điểm sáng le nói, nằm ở mảng vận chuyển hàng hóa.

Theo đó, kết quả kinh doanh quý II cho thấy Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã SCS) doanh thu tăng mạnh và ghi nhận quý có lãi cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, trong kỳ, SCS đạt doanh thu thuần gần 212 tỷ đồng, tăng 47%. Trong đó, mảng khai thác nhà ga tăng từ 133 tỷ đồng lên hơn 199 tỷ đồng. Biên lãi gộp của SCS cũng tăng lên 80%.

Trong kỳ, các khoản chi phí có tăng, nhưng không tăng mạnh bằng doanh thu, giúp SCS ghi nhận lãi ròng hơn 150 tỷ đồng, tăng 51%.

Lũy kế 6 tháng, SCS đạt doanh thu thuần 408 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 288 tỷ đồng, tăng tương ứng 24% và 30%.

Theo giải trình của SCS, việc các hãng hàng không quốc tế hoạt động trở lại trong quý II giúp doanh nghiệp có thêm hợp đồng mới và sản lượng khai thác trong kỳ tăng 45%.

Ngoài ra, SCS cũng được lợi từ việc dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gặp khó khăn do giá cước tăng mạnh.

Trên thị trường, giá cổ phiếu SCS khép phiên cuối tuần trước đứng ở mức 138.400 đồng/cổ phiếu, tăng 1,17% so phiên liền trước. Tính từ đầu năm, mã này tăng 8,1%, giúp mỗi cổ phiếu thêm 10.400 đồng và là điểm sáng hiếm hoi trong lĩnh vực.

Không tưng bừng như SCS song Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cũng báo doanh thu thuần hơn 145 tỷ đồng trong quý II, tăng 27,1%.

Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt gần 19,5 tỷ đồng, tăng 646%.

Theo SAGS, doanh thu và lợi nhuận trong quý II/2020 giảm sâu do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tăng cường các biện pháp tiết kiệm khoản chi phí.

Trên thị trường, cổ phiếu SGN đang đứng mức 66.700 đồng, giảm 5,3% so hồi đầu năm.

Hòa Bình

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/may-bay-nam-dat-vi-covid-19-doanh-nghiep-dich-vu-hang-khong-song-the-nao-ar628993.html
Copy Link
https://vtc.vn/may-bay-nam-dat-vi-covid-19-doanh-nghiep-dich-vu-hang-khong-song-the-nao-ar628993.html
Bài liên quan
  • Vé máy bay TP.HCM lên giá
    Do giới hạn lượng ghế bán ra, giá vé trên đường bay TP.HCM - Hà Nội bắt đầu tăng, có những giờ bay giá vé lên đến 6,6 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Máy bay nằm đất vì COVID-19, doanh nghiệp dịch vụ hàng không 'sống' thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO