Máy bay Boeing bung cửa trên trời, loạt lãnh đạo mất chức: Tình thế có thay đổi?

26/03/2024 08:37

Loạt lãnh đạo hãng máy bay Boeing mất chức sau nhiều sự cố, gần nhất là vụ bung cánh cửa trên trời. Ông lớn Mỹ liệu có vượt qua nửa thập kỷ đen tối, xoay chuyển được tình thế?

Bay cả dàn lãnh đạo

Một loạt tờ báo của Mỹ đưa tin, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Boeing Larry Kellner cùng Giám đốc điều hành (CEO) Dave Calhoun sẽ rời vị trí lãnh đạo.

Cụ thể, CEO Tập đoàn Boeing Dave Calhoun sẽ từ chức vào cuối năm 2024, còn Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Boeing Larry Kellner cũng cho hay ông sẽ không tái tranh cử trong cuộc họp thường niên vào tháng 5, mở đường cho ông Steve Mollenkopf lên thay.

Chủ tịch kiêm CEO của Boeing Commercial Airplanes - Stan Deal cũng quyết định nghỉ hưu và Giám đốc điều hành Stephanie Pope sẽ kế nhiệm.

Như vậy, đây là đợt cải tổ lớn chưa từng của có hãng hàng không vũ trụ Mỹ. Việc “thay máu” dàn lãnh đạo diễn ra khi hãng máy bay Boeing trải qua một loạt sai sót về chất lượng và sản xuất máy bay. Gần nhất, ngay đầu năm 2024, là vụ máy bay Boeing bung cánh cửa trên trời, kéo dài chuỗi ngày đen tối của tập đoàn này lên tới nửa thập kỷ.

Cụ thể, theo CNN, hôm 5/1, một máy bay Boeing 737 Max 9 của Hãng hàng không Alaska Airlines bay từ thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ) đến thành phố Ontario, California đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một cửa thoát hiểm giữa khoang máy bay bị bung ra khi chiếc 737 Max 9 đang ở trên không, ở độ cao gần 5.000m.

Loại máy bay này từng gây sóng gió cho Boeing. Tới nay, hãng đã chuyển giao hơn 200 máy bay 737 Max 9 cho các hãng hàng không trên toàn thế giới.

boeingceodavecalhou seattletimes.gif
CEO sắp mãn nhiệm của Tập đoàn Boeing Dave Calhoun. Ảnh: AP

Hàng trăm máy bay Boeing 737 Max 9 bị đình bay tạm thời để kiểm tra an toàn sau sự cố. Ngoài Alaska Airlines, các hãng United Airlines (Mỹ), Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ),... cũng dừng khai thác Boeing 737 Max 9 sau sự cố.

Còn theo Reuters, United Airlines sau đó đã phát hiện nhiều máy bay Boeing 737 Max 9 bị lỏng ốc vít.

Hồi cuối năm 2018 và đầu 2019, hai máy bay thuộc dòng này liên tục gặp sự cố, dẫn đến cái chết của hàng trăm người. Vào tháng 3/2019, dòng máy bay thương mại thân hẹp Boeing 737 Max đã bị cấm bay trên toàn thế giới trong vòng 20 tháng. Hay cuối năm 2023, Boeing đã yêu cầu các hãng hàng không kiểm tra tất cả máy bay thuộc dòng 737 Max vì khả năng có một con ốc lỏng trong hệ thống bánh lái.

Như vậy, chỉ một vài năm sau khi được đưa vào khai thác và được kỳ vọng là dòng máy bay mang đến doanh thu và lợi nhuận khủng cho Boeing, 737 Max đối mặt với nhiều vấn đề và khiến hãng rơi vào khó khăn. Vụ việc bung cửa khi đang bay trên bầu trời càng làm dấy lên lo ngại về độ an toàn của loại máy bay này.

Sau vụ tai nạn tại Indonesia (tháng 10/2018) và Ethiopia (tháng 3/2019), đầu tháng 6/2019, Boeing thừa nhận trên kênh CNN rằng một số mẫu máy bay 737 có thể có lỗi linh kiện ở cánh, ngoài lỗi phần mềm đã được xác nhận trước đó.

Liệu Boeing có đổi vận?

Thông thường, để vực dậy một tổ chức rơi vào khủng hoảng, giải pháp thường thấy nhất là thay thế lãnh đạo/dàn lãnh đạo.

Boeing cũng chọn giải pháp này. Tuy nhiên, ở vào tình cảnh hiện nay, liệu ông lớn Boeing có thể lột xác để hồi phục sau những sự cố nghiêm trọng như vậy không?

Trên thực tế, trong vài năm gần đây, Boeing có dấu hiệu chậm lại so với đối thủ Airbus đến từ châu Âu.

Cách đây vài ngày, Airbus bán được hơn 60 máy bay cho hai hãng hàng không của Nhật Bản và Hàn Quốc giữa lúc Boeing quay cuồng với loạt sự cố. Đây là lần đầu tiên Airbus bán máy bay thân hẹp cho Japan Airlines - hãng hàng không vốn là khách hàng lâu năm của Boeing. Trong khi đó, hãng bay lớn nhất Hàn Quốc Korean Air cũng lần đầu tiên mua A350 của Airbus.

Gần đây, Tập đoàn Hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC) đã rất tham vọng với dòng máy bay dân dụng thân hẹp đầu tiên của Trung Quốc Comac C919. Dòng máy bay này có đợt giới thiệu ấn tượng tại khu vực châu Á.

boeing737max9 bungcua2024jan5 rt.gif
Vụ bung cánh cửa trên bầu trời. Ảnh: RT

Theo thông số kỹ thuật, C919 nằm trong phân khúc cạnh tranh trực tiếp với Airbus A320neo và Boeing 737 Max. Việc C919 xuất hiện có thể phá vỡ thế vững chắc của hai ông lớn Mỹ và châu Âu.

Mặc dù Boeing gặp rất nhiều khó khăn, Airbus đang đi lên và C919 xuất hiện, nhưng nhà sản xuất Mỹ vẫn được xem là một thế lực mạnh.

Trên Reuters, Boeing thông tin hãng này hiện có 65% thị phần tại Đông Bắc Á. Japan Airlines vẫn đặt tin tưởng vào 787 Dreamliner. Đây được xem là dòng máy bay thân rộng chở khách được ưa chuộng nhất lịch sử hàng không.

Dù Airbus có cơ hội quay lại Nhật, nhưng trên thực tế Boeing cũng giành được các đơn hàng với JAL và Korean Air.

Hiện tại, các hãng hàng không trên thế giới cân đo rất nhiều yếu tố trước khi quyết định xuống tiền mua một dòng máy bay. Đó là chất lượng, độ an toàn, an ninh, hệ thống trợ giúp khách hàng (sữa chữa, bảo dưỡng, đại tu), hiệu suất, giá cả...

Reuters cho rằng, việc Boeing gần đây nhận được ít đơn hàng không hoàn toàn do các rắc rối của hãng. Nhiều hãng hàng không muốn đa dạng hóa các dòng máy bay, không muốn phụ thuộc vào một hãng sản xuất nào. Ngoài ra, các hãng cũng sợ rủi ro bị Boeing giao hàng trễ do rà soát lại chất lượng sản phẩm.

Sự ra mắt của C919 đánh dấu điểm khởi đầu trong việc thách thức Boeing và Airbus. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc phải mất nhiều năm nữa mới để có thể thấy được thành công nếu máy bay hoạt động hiệu quả và an toàn.

Hiện Boeing và Airbus vẫn thống trị thị trường máy bay thế giới. Việc gia nhập vào lĩnh vực sản xuất máy bay rất khó khăn. Một số tập đoàn như Mitsubishi của Nhật Bản hay Bombardier Inc. của Canada đã thất bại với chương trình sản xuất máy bay phản lực.

Bài liên quan
  • CEO Boeing từ chức sau sự cố nghiêm trọng
    Sự thay đổi nhân sự cấp cao của Boeing liên tiếp diễn ra sau vụ rơi cửa máy bay Boeing 737 Max-9 vào tháng 1 vừa qua, doanh nghiệp gặp khủng hoảng an toàn lan rộng, ảnh hưởng trầm trọng tới uy tín.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Máy bay Boeing bung cửa trên trời, loạt lãnh đạo mất chức: Tình thế có thay đổi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO