Những tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến việc hàng trăm nghìn người lao động bị thiếu việc, mất việc dẫn đến giảm thu nhập.
Ghi nhận tại khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) buổi chiều một ngày tháng 11, nhiều công nhân phản ánh đang bị giảm tần suất tăng ca, giảm giờ làm. Không ít công nhân trong số đó là những người từ các tỉnh, thành phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê sau dịch Covid-19 rồi từ quê ra Hà Nội làm việc.
Hàng trăm nghìn công nhân bị giảm giờ làm
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đến ngày 9/11, tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm diễn ra ở 28 địa phương với 485 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, do bị giảm, mất đơn hàng. Các tỉnh, thành phía Nam chiếm tới gần 62% doanh nghiệp ở các ngành như dệt may, da giày, chế biến gỗ và 87% lao động.
Giảm đơn hàng nhiều nhất là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: dệt may, da giày, chế biến gỗ, tới 30-50%, tiếp đến là điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch... Tổng cộng 570.000 công nhân bị giảm giờ làm; 34.500 người bị chấm dứt hợp đồng; hơn 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng.
Các hình thức phổ biến là cắt giảm giờ, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc và nghỉ không hưởng lương.
Đánh giá về tình trạng trên, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, nguyên nhân dẫn tới "làn sóng" cho công nhân nghỉ việc là do doanh nghiệp gặp khó khăn chung khi thiếu hụt đơn hàng. Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang... là những địa phương có đông công nhân và tỷ lệ cắt giảm nhiều nhất.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Công đoàn sẽ cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) họp bàn giải pháp hỗ trợ người lao động. Nếu tình trạng kéo dài với số lao động bị ảnh hưởng lớn, theo bà Ngân, cần sớm có chính sách hỗ trợ từ nhà nước và địa phương nơi đặt khu công nghiệp.
Phó ban Quan hệ lao động nói rằng, giải pháp trước mắt sẽ ưu tiên hỗ trợ những công nhân khó khăn, thực hiện bằng kinh phí công đoàn, để người lao động yên tâm những ngày cuối năm.
Bà Ngân cũng đưa ra cảnh báo, các doanh nghiệp cần phòng ngừa tình trạng thiếu hụt lao động như sau đợt dịch vừa qua. Cụ thể, do sản xuất khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động và tới khi có đơn hàng thì tuyển dụng không kịp, khiến cho thị trường thiếu hụt cục bộ.
Một chuyên gia lao động khác là ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đưa ra dự báo, tình trạng cắt giảm việc làm sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023 vì liên quan chu kỳ sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp đơn hàng.
Tuy nhiên, ông Toàn cũng mang tới tín hiệu vui khi qua khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, nhiều doanh nghiệp lớn suy giảm đơn hàng nhưng vẫn giữ chân lao động bằng cách giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, trả 70% lương.
Về lâu dài, ông Toàn đưa cho rằng, cần phải hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh để thu hút lao động tại chỗ, không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là các khu công nghiệp này có tồn tại được hay không phụ thuộc vào việc đảm bảo an sinh cho công nhân như nhà ở, trường học…
Doanh nghiệp đông lao động nhất TPHCM cho công nhân nghỉ việc luân phiên
Cuối tháng 11/2022, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đưa ra thông báo, do tình hình đơn đặt hàng ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, công ty và toàn thể công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp thỏa thuận sắp xếp nghỉ luân phiên.
Công ty này thông báo thời gian kéo dài 3 tháng bắt đầu từ ngày 1/12/2022 cho đến ngày 28/2/2023). Theo đó, công nhân các khu xưởng C, D, Y và Hóa công 10C, 155, 172, 176, B0Y6, 10B, 153, 171, 18C, 181, B02R, B08W thuộc khối sự nghiệp PCaG luân phiên nghỉ tổng cộng 14 ngày.
Các ngày nghỉ của công nhân chủ yếu bố trí vào ngày cuối tuần. Công nhân trong ngày nghỉ luân phiên theo kế hoạch được hưởng lương nghỉ việc 180.000 đồng/ngày. Kế hoạch nghỉ luân phiên như thông báo của Công ty PouYuen Việt Nam ảnh hưởng đến hàng ngàn công nhân.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM diễn ra ngày 19/11, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM - ông Lê Văn Thinh thông tin, tính đến nay, toàn địa bàn có 27 doanh nghiệp thông báo cắt giảm lao động vì nhiều lý do. Theo Giám đốc Sở này, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm lao động như vậy đang ở mức rất thấp so với những năm trước đây.
Cụ thể, so với năm 2021, số lượng doanh nghiệp cần cắt giảm lao động ở mức tương đồng, tăng không đáng kể. Còn so với những năm trước đó, con số này đang ở mức rất thấp. Năm 2019 toàn địa bàn có 74 doanh nghiệp cần cắt giảm lao động và năm 2020 có 86 doanh nghiệp.
Công ty có thể tự ý cho công nhân thôi việc hay không?
Những tháng cuối năm, tình hình lao động tại TPHCM diễn biến phức tạp khi nhiều công ty thông báo cắt giảm hàng nghìn nhân sự do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng…
Việc không được tăng ca, giảm giờ làm làm sụt thu nhập thực tế của công nhân. Trong khi nhiều gia đình trông chờ mùa tăng ca cuối năm để có thêm thu nhập, chuẩn bị cho cái Tết sắp tới.
Không chỉ thế, nhiều công nhân lo lắng tình trạng thiếu đơn hàng còn tiếp diễn thì nguy cơ mất việc rất cao, lo sợ công ty tự ý cho thôi việc.
Thực tế, việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động được pháp luật quy định rất chặt chẽ với nhiều điều khoản để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Theo điều 36 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng; Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị quá lâu mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh; Người lao động không có mặt tại nơi làm việc quá thời hạn quy định; Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu.
Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên; người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 quy định 3 trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, trừ trường hợp đã điều trị quá lâu mà khả năng lao động chưa hồi phục; Đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
Người lao động nữ mang thai, đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trong trường hợp cắt giảm nhiều lao động vì lý do kinh tế, hết đơn hàng để duy trì sản xuất như thời gian qua tại TPHCM, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ hơn.
Điều 42 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều NLĐ có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì NSDLĐ phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động.
Phương án sử dụng lao động phải nêu rõ số lượng và danh sách NLĐ tiếp tục được sử dụng, NLĐ được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, NLĐ được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; Số lượng và danh sách NLĐ nghỉ hưu; Số lượng và danh sách NLĐ phải chấm dứt hợp đồng lao động; Quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ, NLĐ và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động…
Trong trường hợp NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm. Việc cho thôi việc đối với NLĐ trong trường hợp này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với công đoàn cơ sở, thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và NLĐ.
140 tỷ đồng chăm lo Tết cho người lao động
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp, ngành nghề đang gặp khó khăn, công đoàn các địa phương đang nỗ lực trong việc lo thưởng Tết cho công nhân khi Tết Nguyên đán đã cận kề.
Tại TPHCM trong hội nghị thông tin các hoạt động chăm lo Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023 chiều 23/11, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM đánh giá, việc các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng ít đơn hàng, giảm việc làm, thậm chí cắt giảm lao động ngay vào thời điểm cuối năm và cận Tết Nguyên đán gây ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.
Chính vì vậy, LĐLĐ TPHCM đã lên kế hoạch tổ chức chương trình "Tết sum vầy - Xuân tri ân" chăm lo cho 10.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động tại các doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết. Mỗi hộ sẽ được tặng phần quà trị giá 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình khác như: tổ chức cho 5.000 hộ gia đình đoàn viên, công nhân lao động vui Xuân tại Công viên Văn hóa Đầm Sen; họp mặt, tặng quà cho 3.000 đoàn viên nghiệp đoàn và 147 Ban chấp hành các nghiệp đoàn; chúc Tết gia đình đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng 30.000-35.000 vé tàu, vé máy bay, vé xe về quê cho công nhân…
Kinh phí dự trù cho 10 chương trình trên là gần 140 tỷ đồng. Trong đó, các chương trình của công đoàn cấp thành phố là 25-28 tỷ đồng, công đoàn cấp trên là 110 tỷ đồng. Ngoài ra, công đoàn cơ sở, các doanh nghiệp cũng có những hoạt động chăm lo Tết riêng dành cho đoàn viên, công nhân tại đơn vị.
Đối với kế hoạch lương thưởng cuối năm dự kiến đến ngày 25/12, khi có kết quả tổng hợp LĐLĐ thành phố mới biết khu vực nào, ngành nào, doanh nghiệp nào có khó khăn, khó khăn ra sao để có kế hoạch hỗ trợ.
Nhiều khoản tiền thưởng của cán bộ đảng viên tăng mạnh từ 1/7/2023
Việc tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/ tháng lên 1,8 triệu đồng/ tháng khiến mức tiền thưởng của đảng viên và tổ chức đảng có sự thay đổi đáng kể.
Cụ thể, từ 1/7/2023, mức tiền thưởng với đảng viên được tổ chức cơ sở đảng tặng giấy khen vì đạt tiêu chuẩn "Đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong năm là 540.000 đồng (trước đó là 447.000 đồng); được Ban thường vụ tỉnh ủy tặng giấy khen vì đạt tiêu chuẩn "Đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" 5 năm liền là 2.700.000 đồng (trước đó là 2.235.000 đồng).
Bên cạnh đó, cá nhân được tặng kỷ niệm chương của ngành do các cơ quan Trung ương tặng giấy chứng nhận, tiền thưởng kèm theo bằng 0,6 lần mức tiền lương cơ sở tương đương với 894.000 đồng sẽ được áp dụng đến 30/6/2023. Từ 1/7/2023 trở đi, mức tiền thưởng này sẽ tăng lên 1.080.000 đồng.
Với tổ chức đảng, Chi bộ thuộc Đảng ủy cơ sở đạt "Trong sạch, vững mạnh" Do Đảng ủy cơ sở tặng giấy khen vì đạt tiêu chuẩn tiêu biểu trong năm được thưởng 1.080.000 đồng (trước đó là 894.000 đồng); do Ban thường vụ huyện ủy tặng giấy khen vì đạt tiêu chuẩn tiêu biểu 5 năm liền là 2.700.000 đồng (trước đó là 2.235.000 đồng)…
Đặc biệt khi lương cơ sở tăng cũng sẽ khiến các mức phụ cấp cho đảng viên tăng mạnh. Với phụ cấp trách nhiệm của ủy viên cấp ủy các cấp, theo Quy định 169-QĐ/TW, khi đảng viên được bầu cử hoặc chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ, Chi bộ các cấp từ Trung ương đến cơ sở sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm. Riêng cấp ủy đảng trong lực lượng vũ trang sẽ thực hiện theo hướng dẫn riêng.
Về phụ cấp công tác đảng, đoàn thể, chính trị, xã hội, theo Hướng dẫn 05-HD/BTCTW ngày 1/7/2011 về một số chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội được quy định như sau:
Mức phụ cấp bằng 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Theo đó, khi lương cơ sở tăng thì mức lương hiện hưởng (đang tính theo công thức: Hệ số (x) lương cơ sở) cũng tăng. Do đó, 30% (mức lương hiện hưởng + phụ cấp lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung - nếu có) sẽ tăng theo.
Khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì mức phụ cấp công tác đảng, đoàn thể, chính trị, xã hội của đảng viên cũng tăng tương ứng.
Như vậy, khi lương cơ sở tăng không chỉ thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức…thay đổi mà một số khoản tiền thưởng, phụ cấp của đảng viên cũng tăng theo.
27/11/2022