Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần
Một nghiên cứu năm 2015 ở trẻ em nước Anh cho thấy nếu các em sử dụng các trang mạng xã hội từ 3 giờ trở lên trong một ngày học thì nguy cơ mắc bệnh tâm thần tăng lên rất cao.
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, thực tế cho thấy, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, thậm chí độ tuổi sử dụng thành thạo các nền tảng này ngày càng trẻ hóa khi chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các bạn học sinh cấp 1, cấp 2 đang sử dụng smartphone, Ipad.. Sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc các em dễ dàng tiếp cận với những nội dung phản cảm, độc hại trên mạng xã hội, điều này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý và hành vi của các em.
“Không gian mạng là một "con dao hai lưỡi", mặc dù giúp học sinh tiếp cận thông tin nhanh chóng, hỗ trợ học tập hiệu quả nhưng nó cũng là một nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng báo động, từ nội dung khiêu dâm, bạo lực đến các thông tin sai lệch, hình ảnh độc hại. Nó sẽ khiến các em nhỏ có những suy nghĩ lệch lạc, không phân biệt đúng sai, tệ hơn là bị dụ dỗ”, chuyên gia tâm lý Hồng Hương nói.
Việc sử dụng mạng xã hội để trò chuyện trực tuyến cho phép trẻ vị thành niên giữ liên lạc với bạn bè, bạn học hay người thân nhưng điều này có thể trở thành một vấn đề nếu việc nói chuyện trực tuyến chiếm hết mọi tương tác xã hội, hoặc trong trường hợp lướt mạng thụ động quá mức, nếu thanh thiếu niên đang hấp thụ nhiều thông tin hơn là tương tác với thông tin. Thụ động sử dụng mạng xã hội quá mức thông qua việc chỉ lướt các bài đăng có thể gây ra cho trẻ cảm giác đố kỵ, thua kém và không hài lòng với cuộc sống. Các nghiên cứu thậm chí còn cho rằng thói quen này có thể dẫn đến các triệu chứng ADHD, lo âu và thiếu ngủ.
Việc lạm dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung sẽ khiến các em mất tập trung, ảnh hưởng tới não bộ và trí nhớ giảm sút. Thể chất của trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề và rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ. Thậm chí, nghiện mạng xã hội có thể sẽ khiến tâm trạng trẻ trở nên bất ổn, thậm chí rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn hành vi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe tâm thần.
Ảnh hưởng sức khỏe sinh sản
Theo báo cáo tổng quan “Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam” do mạng lưới toàn cầu về chấm dứt tình trạng bóc lột tình dục trẻ em (ECPAT), Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL) và Văn phòng Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có 89% trẻ em Việt Nam từ 12 – 17 tuổi sử dụng internet, con số này ở lứa tuổi 12 – 13 là 82% và tăng lên 93% ở tuổi 16 – 17%; 97% ở tuổi 16 – 17.
Theo Thạc sĩ, Chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Xanh (Green Edu), trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho giới trẻ đang đối mặt với nhiều khó khăn. Các thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội cộng với sự thiếu hụt kỹ năng sàng lọc thông tin và sự tò mò vốn có ở tuổi trẻ, đã khiến không ít học sinh thực hiện những hành vi chưa phù hợp với lứa tuổi, như thể hiện tình cảm quá mức nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến môi trường học tập.
Tình trạng này đang trở nên phổ biến ở lứa tuổi học sinh, đặc biệt là học sinh trung học phổ thông. Qua các buổi tuyên truyền mà ông từng tham dự, ông nhận thấy rất nhiều giáo viên bày tỏ sự lo ngại về việc học sinh ngày càng có những hành vi vượt quá giới hạn cho phép.
Thậm chí, việc tiếp xúc với những văn hóa phẩm ngoại lai tiêu cực, những thông tin sai lệch về tình dục đã đẩy nhiều bạn trẻ đến những quyết định sai lầm, như yêu sớm, quan hệ tình dục sớm. Đặc biệt, nhiều trẻ vị thành niên có những hiểu biết sai lệch về sức khỏe sinh sản của mình và các biện pháp tránh thai an toàn.
“Tôi đã từng chứng kiến nhiều bạn trẻ tin vào những phương pháp dân gian thiếu khoa học lan truyền trên mạng như uống nước chanh, ăn đu đủ để tránh thai, dẫn đến việc các em không mảy may để ý đến các biện pháp bảo vệ an toàn. Từ đó đã mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm như HIV/AIDS, lậu, giang mai, sùi mào gà..”, Ths. Lưu Văn Tuấn chia sẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay trên mạng xã hội, các thông tin xấu độc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục xuất hiện “nhan nhản” trên mạng xã hội. Việc tiếp xúc quá nhiều với chất liệu tình dục không phù hợp từ sớm sẽ kích thích sự tò mò, khiến các em thay đổi quan niệm về tình yêu và quan hệ tình dục. Đồng thời, làm thúc đẩy hành vi tình dục không an toàn.
PGS Trần Thành Nam dẫn chứng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi tiếp xúc với quá nhiều thông tin lệch lạc trên mạng xã hội sẽ làm thay đổi chuẩn mực trong suy nghĩ của học sinh. Các em sẽ có xu hướng tin rằng việc quan hệ tình dục là một thước đo sự trưởng thành, tất cả mọi người đều đã quan hệ tình dục. Đặc biệt, những thông tin trên mạng không bao giờ đề cập đến những hậu quả rủi ro của việc quan hệ, như: Bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay mang thai ngoài ý muốn.
Kiểm soát thông tin trên mạng xã hội nhiệm vụ cấp bách hàng đầu
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, thanh thiếu niên thường tìm hiểu về giới tính, sinh sản, tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục từ nhiều nguồn khác nhau như cha mẹ, bạn bè, đài phát thanh, truyền hình, báo chí, tin đồn và quan sát người khác. Tuy nhiên, hiện nay các em không có nguồn thông tin chất lượng để có thể kiếm chứng, nhận biết các nguồn thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.
Việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội là một bài toán khó. Việc trẻ có thể dễ dàng tạo ra các tài khoản ảo với thông tin không chính xác như khai man độ tuổi không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến tương lai của các em và cộng đồng. Do đó, việc xác minh độ tuổi người dùng, lọc bỏ thông tin sai lệch, độc hại là một nhiệm vụ cần được ưu tiên.
Hiện nay, những nội dung giải trí, thậm chí là những thông tin sai lệch, độc hại lại thu hút sự quan tâm rất lớn của người xem, ngược lại các thông tin chính thống về sức khỏe sinh sản lại ít nhận được sự chú ý. Điều này đặt ra yêu cầu cao về việc cần đổi mới phương pháp giáo dục, tạo ra những sản phẩm truyền thông hấp dẫn, phù hợp với tâm lý của giới trẻ để thu hút sự quan tâm của họ.
Các hình thức truyền thông đa dạng như ấn phẩm, video, các buổi tọa đàm, hội thảo sẽ giúp thông tin về sức khỏe sinh sản đến gần hơn với giới trẻ và các đối tượng liên quan. Nhà nước cần ban hành những quy định chặt chẽ về nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt là những nội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản của giới trẻ.
Theo Ths. Lưu Văn Tuấn, việc xây dựng và áp dụng các thuật toán kiểm soát độ tuổi người dùng và nội dung trên mạng là cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi những thông tin độc hại. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về truyền bá thông tin sai lệch, độc hại trên mạng xã hội. Các hình phạt đối với những hành vi vi phạm cần được nghiêm minh hóa để tạo sức răn đe.