Giấy phép lái xe được xem là giấy tờ tùy thân nếu như bạn đích thân điều khiến phương tiện. Vì vậy nếu phải đi làm mỗi ngày, việc mất thứ giấy này sẽ đem lại rất nhiều phiền toái, khiến những thu xếp cuộc sống bị đảo lộn, hoặc sẽ khiến bạn đối mặt với nguy cơ bị phạt khi cảnh sát giao thông kiểm tra.
Nếu mất giấy phép lái xe...
Nếu mất giấy phép lái xe, bạn có thể xin cấp lại hay không, liệu có phải đi thi sát hạch từ đầu để xin cấp bằng lái mới? Câu trả lời là tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu làm mất giấy phép lái xe lần đầu, bạn sẽ được cấp lại mà không cần thi sát hạch lý thuyết, thực hành.
Nếu bị mất giấy phép lái xe lần thứ hai sau 2 năm được cấp lại lần thứ nhất, bạn cũng sẽ được cấp lại bằng lái mà không phải thi lý thuyết, thực hành. Tuy nhiên, bạn sẽ phải thi lại lý thuyết nếu lần mất bằng thứ hai này diễn ra chưa đến 2 năm sau lần mất đầu tiên.
Nếu mất bằng lái xe lần thứ 3 trong vòng 2 năm, bạn sẽ phải thi lại cả lý thuyết và thực hành.
Sau khoảng 2 tháng sau khi bạn nộp hồ sơ, Sở Giao thông Vận tải sẽ xử lý hồ sơ và cấp lại giấy phép lái xe cho bạn nếu không phát hiện sai phạm và thiếu sót nào.
Thủ tục xin cấp lại giấy phép lái xe
1. Chuẩn bị hồ sơ
Nếu giấy phép lái xe bị mất còn thời hạn sử dụng hoặc quá hạn dưới 3 tháng, bạn cần chuẩn bị:
- Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định
- Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có)
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3
- Bản sao CMND/ thẻ căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn có ghi số CMND hoặc căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài).
Sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; bạn có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, giấy phép lái xe sẽ được cấp lại cho bạn.
Nếu giấy phép lái xe bị mất quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, bạn có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, bạn sẽ phải sát hạch lại sau 2 tháng kể từ khi nộp đủ hồ sơ. Nếu giấy phép lái xe quá hạn dưới 1 năm, bạn phải thi lại lý thuyết, nếu quá hạn từ 1 năm trở nên thì phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.
Hồ sơ dự sát hạch lại bao gồm:
- Bản sao CMND hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số CMND/ căn cước công dân (đối với người Việt Nam); hộ chiếu còn thời hạn (đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài)
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp
- Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận
- Bản chính hồ sơ gốc của giấy phép lái xe bị mất (nếu có).
Thời gian cấp giấy phép lái xe tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.
2. Nộp hồ sơ
Bạn nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép lái xe bị mất tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải. Bạn được chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu.
3. Nộp lệ phí
Thông tư 188/2016/TT-BTC quy định cụ thể lệ phí cấp lại bằng lái xe bị mất như sau:
- Lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần.
- Phí sát hạch lái xe: Đối với thi sát hạch lái xe máy (hạng xe A1, A2, A3, A4), phí sát hạch lý thuyết 40.000 đồng/lần, sát hạch thực hành 50.000 đồng/lần. Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F), phí sát hạch lý thuyết 90.000 đồng/lần, sát hạch thực hành trong hình 300.000 đồng/lần, sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng 60.000 đồng/lần.
4. Nhận giấy phép lái xe cấp lại
Theo thời hạn trên giấy hẹn, bạn đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để nhận giấy phép lái xe được cấp lại.
Việc làm thủ tục cấp lại giấy phép lái xe bị mất là bắt buộc đối với mọi tài xế. Nếu điều khiển phương tiện mà không có giấy phép lái xe, bạn sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 4 triệu đồng, theo Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ.