Để chắc suất cho con chuyển cấp vào một trường tư, đề phòng tình huống con không thi đỗ vào ngôi trường nào theo nguyện vọng, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng phí ghi danh, hay còn gọi là giữ chỗ cho con vào trường.
Bên cạnh những ý kiến bức xúc về mức giá, quy định không hoàn trả phí giữ chỗ mà một số trường đặt ra, một số phụ huynh lại cho rằng khoản thu này là chấp nhận được.
Mất trắng 20 triệu đồng nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận
Năm ngoái, chị Lê Lan H. dự định chuyển con từ Trường Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel lên học lớp 6 tại một ngôi trường mới. Lựa chọn của chị là một trong số những trường ngoài công lập và trường quốc tế chất lượng tại Hà Nội.
Chị H. quyết định đăng ký cho con vào cấp THCS của một hệ thống giáo dục có tiếng tại quận Cầu Giấy. Lệ phí hồ sơ của trường này là 500 nghìn đồng, phí ghi danh lên tới 20 triệu đồng.
Nhà trường lưu ý, các khoản tiền này đều không được hoàn trả lại cho phụ huynh mà được quy đổi thành khóa học hành trang vào lớp 6. Học sinh dù nhập học chính thức vào trường hay rút hồ sơ đều được tham gia khóa học này.
Ngoài ngôi trường trên, chị H. còn mua hồ sơ đăng ký cho con vào một số trường tư khác với lệ phí 500 nghìn đồng/trường.
Kết quả cuối cùng, con chị đỗ học bổng vào một trường quốc tế. Xét thấy mức học bổng cao, môi trường học tập tốt nên chị H. "chốt" cho con nhập học tại đây. Điều này đồng nghĩa với việc chị sẽ rút hồ sơ của con khỏi những trường còn lại và mất trắng phí giữ chỗ.
Chị H. cũng không cho con học khóa hành trang vào lớp 6 tại trường tư mà con đã ghi danh. Chị cho rằng, khóa học này không có lợi ích thiết thực đối với những học sinh không nhập học vào trường như con chị.
Chị H. cho biết, cùng năm ngoái, người thân của chị cũng "giữ chỗ" cho con vào lớp 10 tại hai trường tư với chi phí hơn 20 triệu đồng. Sau đó, người này chấp nhận mất số tiền không nhỏ đó khi rút hồ sơ ở cả hai nơi, cho con nhập học vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi con đã xuất sắc trúng tuyển.
"Theo tôi, việc các trường thu chi phí ghi danh là hợp lý để đảm bảo hiệu quả tuyển sinh của họ, tránh việc phụ huynh nộp hồ sơ ồ ạt rồi rút lại, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và cơ hội vào trường của các bạn khác.
Phụ huynh đã bỏ tiền ra để mua cơ hội và sự yên tâm thì không có lý do gì để bức xúc nếu mất tiền nhưng may mắn đạt được nguyện vọng cao hơn. Bản thân tôi cũng vui vẻ chấp nhận mất tiền.
Tuy nhiên, nhà trường quy đổi phí giữ chỗ thành khóa học là chưa phù hợp. Bởi vì, chỉ là một khóa học định hướng vào lớp 6 mà có giá vài chục triệu đồng là khá đắt đỏ", chị H. chia sẻ.
Theo chị H., để hợp lý hơn, các trường có thể chuyển đổi khoản tiền này thành học phí hay các khoản thu bắt buộc khác với những học sinh nhập học, còn với học sinh rút hồ sơ, nhà trường nên hoàn lại một phần nhỏ.
Nộp thêm 500 nghìn đồng để con được cộng 1 điểm xét tuyển
Năm ngoái, con gái chị Lê Minh N. (Hà Nội) khi ấy đang học lớp 9 tại Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, có nguyện vọng vào hai trường THPT công lập, trong đó có một trường chuyên. Đây đều là những trường có mức độ cạnh tranh lớn.
Để đề phòng các tình huống rủi ro, chị N. mua thêm hồ sơ của hai trường liên cấp tư thục khác. Tại ngôi trường có địa chỉ ở quận Hai Bà Trưng, lệ phí mua hồ sơ là 50 nghìn đồng, nhà trường tư vấn nếu phụ huynh nộp thêm 500 nghìn đồng thì con sẽ được cộng 1 điểm xét tuyển, chị H. quyết định đóng thêm khoản này vì cho rằng chi phí ở mức chấp nhận được.
Ngôi trường thứ hai mà chị N. tìm đến tại quận Đống Đa thu 50 nghìn đồng tiền hồ sơ, chị nộp thêm 5 triệu đồng để giữ chỗ cho con. Phí này áp dụng cho những học sinh trúng tuyển bằng hình thức xét học bạ, sẽ được trừ vào học phí nếu học sinh xác nhận nhập học chính thức, không được trả lại nếu các em không nhập học.
Nhà trường cũng lưu ý những thí sinh trúng tuyển mỗi đợt nếu không đến làm thủ tục giữ chỗ sẽ không được xét trúng tuyển cho đợt tiếp theo.
Đến khi có kết quả tuyển sinh, con chị N. không đủ điểm đỗ vào các trường THPT công lập theo nguyện vọng. Chị quyết định cho con chuyển lên cấp 3 tại trường tư nơi con đã học cấp 2.
"Vì con không đỗ vào các trường công như mong đợi nên tôi để con chuyển cấp ngay tại ngôi trường con đã theo học. Chất lượng đào tạo và chi phí học tập ở trường này cũng tương tự như những trường tư mà tôi đã mua hồ sơ và giữ chỗ.
Tôi chấp nhận việc bỏ tiền để chuẩn bị các phương án dự phòng cho con, tránh phải hoang mang khi các nguyện vọng của con không đạt kết quả như ý, hay con bỗng dưng đổi ý muốn tiếp tục học tại trường cũ, khi đó mới cuống lên đi tìm trường để thay thế thì đã muộn.
Lệ phí mua hồ sơ và ghi danh là thỏa thuận mà các trường đưa ra từ đầu, không ai ép buộc cả nên phụ huynh cảm thấy lựa chọn nào phù hợp với mục tiêu và điều kiện của mình thì tự do quyết định, nếu phụ huynh không nộp thì để dành cơ hội vào trường cho các bạn khác, không có gì phải bàn cãi. Với tôi, mức phí 5 triệu đồng để mua cơ hội cho con là xứng đáng", chị N. chia sẻ.
Chị N. cho biết, điều mà chị băn khoăn là các trường thường chỉ cho khoảng thời gian ngắn để nộp tiền giữ chỗ. Khi con trúng tuyển bằng hình thức xét học bạ, nhà trường yêu cầu phụ huynh phải đóng khoản tiền này trong vòng 1 ngày sau đó. Thời điểm ấy, con chưa có kết quả xét tuyển vào các ngôi trường khác nhưng để chắc một suất đỗ cấp 3 cho con, chị N. chấp nhận chi tiền.
"Vì thời hạn giữ chỗ rất ngắn, các trường lại tổ chức xét tuyển rải rác ở nhiều thời điểm khác nhau nên tôi không thể chờ có đủ kết quả để cân nhắc mà buộc phải đặt cọc luôn, trong khi không có gì đảm bảo con sẽ theo học tại trường mà mình đã nộp tiền ghi danh", chị N. băn khoăn.
Chị Nguyễn Thị C. (Hà Nội) là một giáo viên, cũng là phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10. Chị C. cho rằng, chi phí ghi danh vào lớp 10 dưới 5 triệu đồng là chấp nhận được. Tuy nhiên, tùy vào ngôi trường đó có chất lượng ra sao. Có trường quy định khoản tiền giữ chỗ trị giá 5 triệu đồng nhưng chất lượng lại không xứng đáng để phụ huynh bỏ ra số tiền đó.
Chị C. dự định, năm nay, chị sẽ giữ chỗ cho con vào một trường THPT ngoài công lập tại quận Đống Đa, nếu trường này giữ nguyên mức phí 5 triệu đồng như năm ngoái.
"Theo tôi, khi có cơ hội, bố mẹ nào cũng muốn bỏ tiền ra để chắc chắn có một suất cho con vào cấp 3. Nhà trường đặt ra các khoản thu này để có thể quản lý, định lượng số liệu tuyển sinh và điều chỉnh kế hoạch của mình sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, chi phí ghi danh không nên vượt quá 5 triệu đồng vì như vậy sẽ làm khó phụ huynh", chị C. nói.
3 năm trước, khi con gái lớn xét tuyển vào lớp 10, chị C. cũng từng chi một khoản tiền tương tự để giữ chỗ cho con. Nhà trường khi ấy gọi tên khoản thu này là học phí 2 tháng đầu, có giá 6,4 triệu đồng, tuy nhiên, nó có ý nghĩa không khác gì phí giữ chỗ để chắc suất vào trường.