Masan bất ngờ mua mạng Reddi, nhảy vào 'đại dương đỏ' viễn thông

21/09/2021 16:51

Tập đoàn Masan vừa công bố mua lại 70% cổ phần của mạng di động ảo Reddi với số tiền là 295,5 tỷ đồng, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông.

Masan bất ngờ mua mạng Reddi, nhảy vào 'đại dương đỏ' viễn thông
Tập đoàn Masan vừa công bố mua lại 70% cổ phần của mạng di động ảo Reddi với số tiền là 295,5 tỷ đồng.

Công ty TNHH The Sherpa – một thành viên của Tập đoàn Masan vừa công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast, đơn vị đang sở hữu mạng di động ảo Reddi với số tiền là 295,5 tỷ đồng.

Masan hiện đang sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt để mang đến giá trị vượt trội cho người tiêu dùng. “Point of Life” là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số. Đây là những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt.

Sau thương vụ này, Reddi sẽ được tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. Đây là lợi thế giúp Reddi tiết giảm đáng kể chi phí thu hút khách hàng và cho phép công ty dùng khoản tiết kiệm này để tái đầu tư vào phát triển các giải pháp tiêu dùng số độc đáo và nền tảng trải nghiệm khách hàng cho người tiêu dùng Việt Nam, trong đó 44% thuê bao di động vẫn chủ yếu dùng dịch vụ thoại và SMS.

Tổng giám đốc Masan Group, ông Danny Le cho biết: “Tầm nhìn của Masan là xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online nhằm phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, có tần suất sử dụng hàng ngày cho 50 triệu người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2025. Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa “Point of Life”, từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất. Dù chỉ mới ở giai đoạn đầu, “Point of Life” đã có tất cả các mảng ghép chiến lược cần thiết để thu hút người tiêu dùng với chi phí hiệu quả. Từ đó, giúp người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ và sản phẩm với chi phí rẻ hơn so với hiện tại. Đây chính là mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng nền tảng này.”

Hồi tháng 6/2020, Công ty Cổ phần Mobicast đã chính thức khai trương mạng đi động ảo thương hiệu Reddi với đầu số 055. Mạng Reddi lúc đó định vị tập trung cung cấp viễn thông và dịch vụ số cho khách hàng trẻ, hiện đại, thông qua nền tảng ứng dụng di động (mobile app). Mạng di động ảo Reddi sử dụng hạ tầng của VNPT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, mô hình mạng di động ảo là mô hình mới tại Việt Nam. Hiện Việt Nam có 2 nhà mạng cung cấp theo mô hình này. Đây là mô hình có thể triển khai nhanh các dịch vụ trên toàn quốc và tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên. Mô hình này sẽ mang lại giá trị mới cho khách hàng.

Với thương vụ này, Masan bắt đầu bước chân vào thị trường viễn thông Việt Nam. Nếu nhìn lịch sử thị trường viễn thông Việt Nam cho thấy thị trường viễn thông di động Việt Nam là một thị trường đầy khắc nghiệt. Nhiều nhiều nhà đầu tư viễn thông có tên tuổi trên thế giới cũng từng sa lầy tại thị trường Việt Nam. Về cơ bản thị phần di động đang thuộc về 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone. Ngoài ra thị trường còn có các nhà mạng khác như Vietnamobile, Gtel, Đông Dương Telecom nhưng thị phần khá khiêm tốn.

Thị trường viễn thông di động Việt Nam đá bắt đầu đến điểm bão hòa về thuê bao mới. Tuy nhiên, các mạng ảo vẫn có thể tìm đường lấn sân sang thị trường ngách. Đơn cử mạng di động ảo Đông Dương Telecom tuyên bố nhắm đến lớp khách hàng chủ yếu là đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp. Ưu điểm của các mạng di động ảo là có gói cước hấp dẫn, nhưng lại hạn chế về thương hiệu đến với khách hàng. Vì vậy, cho dù mạng di động ảo đã có mặt tại Việt Nam khoảng 2 năm nay, nhưng chưa tạo được ấn tượng trên thị trường di động.

Sự kiện Masan nhảy vào thị trường di động Việt Nam là câu chuyện khá bất ngờ khi họ là người ngoại đạo trong lĩnh vực này. Thị trường viễn thông truyền thống đang được ví là "đại dương đỏ". Liệu Masan có chiêu gì  để làm dậy sóng thị trường di động được hay không vẫn phải chờ thời gian trả lời.

Thái Khang

Theo ictnews.vietnamnet.vn
https://ictnews.vietnamnet.vn/vien-thong/masan-mua-mang-reddi-nhay-vao-dai-duong-do-vien-thong-393093.html
Copy Link
https://ictnews.vietnamnet.vn/vien-thong/masan-mua-mang-reddi-nhay-vao-dai-duong-do-vien-thong-393093.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Masan bất ngờ mua mạng Reddi, nhảy vào 'đại dương đỏ' viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO