Mark Zuckerberg đang lẩn tránh công chúng

06/03/2022 19:06

Giữa lúc Facebook đang lao đao, Mark Zuckerberg lại cố gắng giảm thiểu mức độ xuất hiện trước truyền thông và các nhà lập pháp.

Mark Zuckerberg ne tranh truyen thong. anh 1

Nga vừa thông báo “cấm cửa” Facebook sau khi cáo buộc mạng xã hội của Mỹ hạn chế tiếp cận nội dung từ các kênh truyền thông Nga. Meta, công ty mẹ của Facebook, bất đắc dĩ bị đưa vào trung tâm cuộc xung đột.

Tuy nhiên, không phải Mark Zuckerberg, người đại diện cho tập đoàn để lên tiếng trong xung đột Nga - Ukraine lần này lại là Nick Clegg, Giám đốc các vấn đề toàn cầu của Meta.

Mark Zuckerberg né tránh bị soi xét

“Mới hôm qua, chính quyền Nga đã yêu cầu ngừng độc lập kiểm duyệt và dán nhãn nội dung trên Facebook của 4 cơ quan truyền thông nhà nước Nga. Tuy nhiên, chúng tôi đã từ chối”, Nick Clegg chia sẻ. Ông cũng cho biết hãng sẽ thực hiện những biện pháp để giải quyết xung đột, đồng thời liên hệ với chính phủ các quốc gia khác.

Trong khi đó, Zuckerberg lại chưa từng công khai đưa ra ý kiến trước vấn đề này.

Phát ngôn của Nick Clegg đã tô đậm vai trò người đại diện cho các vấn đề chính sách của Meta ngay sau khi ông được giao chức vụ mới được một tháng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng điều này cho thấy Zuckerberg đang cố gắng lẩn trốn công chúng. Vị CEO, đồng thời là nhà sáng lập nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới đang cố gắng giảm thiểu mức độ xuất hiện trước truyền thông toàn cầu.

Mark Zuckerberg ne tranh truyen thong. anh 2

Mark Zuckerberg không còn đại diện Meta trước những phát ngôn quan trọng của tập đoàn. Ảnh: Getty Images.

Clegg, từng là Phó thủ tướng Anh, đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch phụ trách truyền thông và các vấn đề toàn cầu của Meta từ năm 2018. Ông đã tham gia vào các tranh cãi liên quan đến chính sách và liên tục lên tiếng thay mặt công ty.

Trong buổi bổ nhiệm vào tháng trước, Zuckerberg cho hay từ nay Clegg sẽ “lãnh đạo và đại diện tập đoàn trong các vấn đề chính sách toàn cầu”. Theo vị CEO, việc này sẽ giúp ông dành thời gian cho phát triển sản phẩm và công nghệ sau khi Meta đầu tư vào lĩnh vực thực tế ảo.

Ngoài ra, Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh hiện gặp nhiều khó khăn.

"Với chức danh của Nick Clegg, Zuckerberg hoàn toàn có thể tránh né phát ngôn trước chính quyền", Roger McNamee, nhà đầu tư thời kỳ đầu của Facebook

Sau khi cược hàng tỷ USD vào việc tái cơ cấu công ty, Zuckerberg giờ đây bắt đầu tập trung vào việc xây dựng vũ trụ ảo metaverse. Đồng thời, Nick Clegg sẽ đảm nhận vai trò trình bày và diễn giải những ý tưởng đó với các nhà quản lý, nhà lập pháp và công chúng.

“Việc thăng chức Nick Clegg về cơ bản chẳng ảnh hưởng gì đến vai trò trước đó của ông ấy. Nhưng với một chức danh lớn như vậy, tôi nghĩ Zuckerberg hoàn toàn có thể tránh né phát ngôn trước chính quyền”, Roger McNamee, nhà đầu tư ban đầu của Facebook và cố vấn cho Mark Zuckerberg khi ông còn trẻ nhận định.

Tuy nhiên, “tầm nhìn của Zuckerberg vẫn là yếu tố quan trọng nhất lèo lái tập đoàn”, ông bổ sung.

Nhiều người theo dõi Meta cũng nhận thấy việc thuyên chuyển trong giới lãnh đạo của Meta có nhiều điểm tương đồng với các hãng công nghệ khác.

Những nhà sáng lập như Bill Gates của Microsoft, Jeff Bezos của Amazon, Larry Page và Sergey Brin của Google cũng rời khỏi vị trí phải xuất hiện trước truyền thông và những nhà lập pháp khi công ty bị giám sát, nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát và ảnh hưởng lớn đến toàn bộ tập đoàn.

Mark Zuckerberg ne tranh truyen thong. anh 3

Facebook mới đây phải chứng kiến tình trạng sụt giảm người dùng, đồng thời doanh thu ảm đạm. Ảnh: Reuters.

Do đó, Mark Zuckerberg vẫn là cổ đông lớn nhất và tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của Meta. Tuy nhiên, khác với các ông lớn khác, Zuckerberg vẫn giữ vị trí CEO của tập đoàn.

Những thay đổi này cho thấy Meta đang cố gắng quay về thời kỳ ít phải đối diện với bê bối và các vấn đề pháp lý như trước kia, CNN nhận định.

Nhân vật quan trọng thứ ba của Facebook

Trước năm 2016, phân bổ nhân sự của Facebook có phần khác lạ: Zuckerberg đảm nhiệm mảng kỹ thuật và sản phẩm, còn Sandberg sẽ lèo lái phần còn lại, theo Nu Wexler, đại diện phát ngôn cho hãng vào năm 2017-2018.

Nhưng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tình hình đã đã thay đổi. Facebook bắt đầu phải đối diện với nhiều tranh cãi đến từ chính quyền và công chúng hơn. Zuckerberg cũng nhiều lần phải trình diện trước Quốc hội Mỹ và Nghị viện châu Âu trong thời gian đó.

Mark Zuckerberg ne tranh truyen thong. anh 4

Nick Clegg đại diện Meta trong nhiều sự kiện. Ảnh: Alamy.

Giữa lúc này, năm 2018, Clegg đầu quân cho Facebook. Mặc dù không thành công trong con đường chính trị nhưng những kinh nghiệm và mối quan hệ của ông đã có đóng góp rất lớn cho tập đoàn lúc bấy giờ đang vướng phải nhiều vấn đề pháp lý toàn cầu. Nhiều nguồn tin cho rằng Zuckerberg và Sandberg đều đồng lòng chiêu mộ ông Clegg.

Kể từ đó, Facebook (và sau này là Meta) phải đối mặt với rất nhiều khủng hoảng truyền thông và chính sách. Gần đây nhất, vào cuối năm 2021 hàng nghìn trang tài liệu nội bộ của Facebook bị cựu nhân viên Frances Haugen tiết lộ, chỉ ra nền tảng này có nguy cơ gây hại cho sức khỏe tâm thần người trẻ.

"Mark Zuckerberg có cố cũng không thể tránh khỏi những áp lực đến từ các chính quyền", Katie Harbath, cựu quản lý về chính sách quốc tế của Facebook

Việc thăng chức Clegg cho thấy những khó khăn mà Meta đang gánh chịu đã vượt quá sức tải của Sandberg, theo Nu Wexler. Nhiệm vụ của Sandberg vốn dĩ chỉ liên quan đến mảng quảng cáo doanh nghiệp, giờ đây cũng đã xuất hiện nhiều thử thách như chính sách kiểm duyệt quảng cáo của Apple và sự phát triển vũ bão của TikTok. Chính những điều này đã khiến bà ít có thời gian cho các vấn đề chính sách toàn cầu.

Chức vụ mới của của Clegg đồng nghĩa với việc ông vừa phải lèo lái công ty giữa xung đột Nga - Ukraine, vừa phải lộ mặt để ra những quyết định quan trọng. Ông phải đảm bảo tin giả hoặc các tác nhân phi quốc gia không ảnh hưởng đến Facebook trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp tới, đồng thời giải quyết những yêu cầu liên quan đến bảo vệ trẻ em trên nền tảng.

Một bài toán khó khác chính là quyết định có bãi bỏ lệnh cấm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuộc bầu cử sắp đến hay không, theo Katie Harbath, cựu quản lý về chính sách quốc tế của Facebook. Việc liệu Zuckerberg có nhúng tay vào quyết định đó hay không sẽ cho thấy người thực sự điều hành công ty là ai, bà Harbath nhận định.

Mark Zuckerberg không thể tránh trách nhiệm

Theo bà Harbath, Nick Clegg với vai trò mới đang phải lộ diện trước công chúng nhiều hơn. Thay đổi này có thể chính là nỗ lực của lãnh đạo Meta với việc phải thường xuyên trình diện trước Quốc hội Mỹ và các nhà cầm quyền các quốc gia khác.

Mark Zuckerberg ne tranh truyen thong. anh 5

Giới cầm quyền nhiều nước yêu cầu Mark Zuckerberg lên tiếng thay mặt công ty, thay vì Nick Clegg. Ảnh: AP.

“Theo tôi, tập đoàn cuối cùng cũng nhận ra Mark Zuckerberg không thể đại diện cho công ty trước công chúng, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị. Sự xuất hiện của ông tại quốc hội chỉ khiến tình hình tệ hơn. Do đó, họ cần bổ nhiệm một người như Nick Clegg vào vị trí này”, bà Luria bổ sung.

Nhưng vấn đề đặt ra là liệu chính phủ các quốc gia có chấp thuận Clegg là người phát ngôn đại diện cho Meta hay tiếp tục yêu cầu Mark Zuckerberg phải ra mặt.

“Suy cho cùng, Mark Zuckerberg không thể tránh khỏi những áp lực đến từ các chính quyền”, bà Harbath nhận định.

“Nick có thể sẽ là người phù hợp để trình diện trước các nhà làm luật. Nhưng tôi không cho rằng điều này sẽ làm giảm mối quan tâm của mọi người lên Mark Zuckerberg”, bà kết luận.

(Theo Zing)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mark Zuckerberg đang lẩn tránh công chúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO