Mạo danh công an gửi lệnh bắt giữ, lừa tiền qua điện thoại

07/11/2022 15:10

Các đối tượng lừa đảo ngày càng có nhiều chiêu trò tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu thiếu cảnh giác, người dùng có thể mất hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Các đối tượng lừa đảo mạo danh công an, sử dụng lệnh bắt giả để gây áp lực. Ảnh: NVCC.

Chị Thanh Thúy (TP Hà Tĩnh) chia sẻ với Zing, đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sự cả tin, thiếu cảnh giác của bản thân chị nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Với mánh khóe gọi điện yêu cầu giữ bí mật và cung cấp các thông tin, địa chỉ thật, nhiều người dùng đã sập bẫy.

Bưu kiện chứa hàng "cấm"

Vào một buổi sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại từ đầu số lạ. Người tự nhận là nhân viên bưu cục và thông báo rằng tôi đang có một bưu kiện chưa nhận.

Vì bản thân cũng hay đặt hàng trên mạng nên tôi đã tin tưởng và gọi lại vào đường dây nóng của doanh nghiệp bưu chính để hỏi về đơn hàng này. Tuy nhiên, bên phía đường dây nóng báo với tôi đã tra cứu theo tên và số điện thoại nhưng không tìm thấy.

lua dao qua dien thoai anh 1
Lệnh bắt giữ giả được các đối tượng lừa đảo sử dụng với đầy đủ thông tin cá nhân của người dùng. Ảnh: NVCC.

Khoảng 2 ngày sau, tôi lại tiếp tục nhận được cuộc gọi với nội dung tương tự. Lúc này bản thân tôi nghĩ chắc đã có đơn hàng nào bị bỏ sót nên mới liên tục nhận được điện thoại từ bưu cục. Vì vậy tôi đã nhờ người được cho là nhân viên kiểm tra lại thông tin người gửi, người nhận và hàng hóa trong bưu kiện.

Người nhân viên này cho biết thông tin người gửi đi là tôi và người nhận là tên một người lạ, tôi không hề quen biết. Bưu kiện được gửi đi từ bưu cục có địa chỉ 45 Yên Bái, phường Hải Trung 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Sau khi kiểm tra bưu kiện, người nhân viên tiết lộ trong bưu kiện này có chứa 2 bộ quần áo, 2 thẻ ngân hàng và hàng cấm là ngà voi. Vì trong bưu kiện có hàng cấm, người này đã tư vấn cho tôi về việc nên báo công an địa phương nếu nghi vấn bản thân bị lộ thông tin cá nhân.

Tin tưởng người được cho là nhân viên doanh nghiệp bưu chính cùng với việc lo ngại thông tin cá nhân bị lộ, tôi đồng ý với việc liên hệ với công an thành phố Đà Nẵng thông qua người này.

Người này đã cung cấp cho tôi thông tin mã đơn hàng, thời gian gửi hàng cùng tên, mã nhân viên và giúp tôi nối máy tới đường dây nóng của công an thành phố Đà Nẵng.

Giả mạo công an

Sau khi được nối máy, có một người tự nhận là Hoàng Đức Linh, công an thành phố Đà Nẵng mang hàm trung tá, tiếp nhận hồ sơ thông tin về bưu kiện chứa hàng cấm và vấn đề bị lộ thông tin cá nhân của tôi.

Người này yêu cầu tôi cung cấp thông tin, số điện thoại và số chứng minh thư để phục vụ cho việc điều tra. Sau đó, "đồng chí Hoàng Đức Linh" điện đàm với cấp trên và đọc rõ ràng tên tuổi, mã số ngành rồi gửi thông tin để yêu cầu kiểm tra xem trước giờ thông tin của tôi đã từng mạo danh chưa và liệu có ghi nhận trường hợp tương tự.

lua dao qua dien thoai anh 2
Đối tượng kết bạn với tôi qua ứng dụng Line để gửi thông tin. Ảnh: NVCC.

Lúc này đầu dây tự xưng là tổng bộ báo rằng công dân có số chứng minh thư 18429****, là CMT của tôi, đang nằm trong một cuộc điều tra về lừa đảo, đánh bạc online.

Sau khi nghe thông tin, vị "trung tá" này yêu cầu tôi giữ máy và thông báo rằng tôi đang nằm trong đối tượng tình nghi của một chuyên án mang tính nghiêm trọng "cấp độ 2".

Hiện chuyên án này đang trong quá trình điều tra nên yêu cầu tôi giữ bí mật mọi thông tin. Nếu tôi tiết lộ chuyên án mật sẽ bị phạt tù 2-7 năm hoặc phạt tiền tối đa 100 triệu đồng.

Vụ việc này này liên quan tới giám đốc một ngân hàng thương mại lớn và rất nhiều quan chức của tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí này đã hỏi tôi có quen biết đối tượng A - người cầm đầu đường dây rửa tiền - hay không vì người này có cùng nguyên quán với tôi.

Ngoài ra thông tin của tôi được dùng để mở thẻ tại ngân hàng. Chiếc thẻ này được dùng để chuyển và nhận tiền trong khá nhiều giao dịch.

"Đồng chí" này cho biết đã liên hệ với ngân hàng để xác nhận đúng thông tin của tôi được dùng để mở thẻ và thông báo nghi ngờ tôi cho mượn hoặc bán thông tin.

Lúc này bản thân tôi cảm thấy lo sợ vì thông tin cá nhân bị đánh cắp và nằm trong đường dây lừa đảo.

Kế tiếp, Hoàng Đức Linh cho biết sẽ bàn giao trường hợp của tôi qua "đồng chí Vũ Huy Công". Người tự nhận là Công yêu cầu tôi cung cấp thông tin các tài sản đang đứng tên, những ngân hàng đang sử dụng, số dư tài khoản và 10 giao dịch gần nhất để kiểm tra.

Đồng chí này thông báo rằng cần phong tỏa tài sản của tôi vì hiện tại chưa thể rõ tôi là người bị hại hay là đối tượng bán thông tin. Bên cạnh đó, người này cũng yêu cầu tôi tải ứng dụng Line để gửi lệnh "Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản" và hỏi hiện tôi đang ở thành phố nào để có thể gặp và làm việc trực tiếp.

Lúc này tôi đã bắt đầu thấy nghi ngờ bởi lực lượng công an yêu cầu cung cấp các thông tin giao dịch gần đây và sử dụng ứng dụng Line để gửi thông tin. Vì vậy đã hỏi ngược lại đầu dây bên kia rằng tại sao công an có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê mà lại hỏi tôi.

Sau khi nghe tôi hỏi câu này, đối tượng đã bảo rằng cần tôi cung cấp thông tin trước khi ủy quyền tới ngân hàng để xác nhận sao kê và yêu cầu tôi buổi chiều ra trụ sở công an quận 1 (TP.HCM) để điều tra nhằm chứng minh bản thân không liên quan tới vụ việc lừa đảo này.

Lúc này tôi khá hoảng hốt khi nghe phải ra công an làm việc vì tất cả thông tin, địa chỉ mà đối tượng cung cấp đều đúng với tra cứu. Tuy nhiên tôi vẫn không cung cấp thông tin sao kê mà quyết định buổi chiều sẽ trực tiếp ra công an quận 1 làm việc.

Có lẽ vì thấy tôi quyết định ra làm việc trực tiếp nên đối tượng đã thông báo hẹn gặp ở trụ sở để giải quyết và không còn liên lạc với tôi nữa. Đến buổi chiều, trước giờ hẹn tôi đã liên lạc lại theo số điện thoại và tin nhắn qua ứng dụng Line nhưng không nhận được phản hồi nên đã quyết định không ra trụ sở công an quận 1.

May mắn chưa sa bẫy

Lúc này, tôi bắt đầu tỉnh ra và gọi cho bạn tôi làm bên ngân hàng để nói về vụ việc này vì lo sợ đối tượng sẽ sử dụng thông tin cá nhân của tôi bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMT và số dư tài khoản để thực hiện chiếm đoạt tài sản.

Bạn tôi là nhân viên ngân hàng cho biết, dù đối tượng sở hữu những thông tin trên cũng sẽ không có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp mật khẩu đăng nhập được nên tôi tài khoản của tôi vẫn an toàn.

Người này cũng tiết lộ có nhiều khách hàng khác đã gọi lên ngân hàng trình báo về vụ việc tương tự. Có người vì nhẹ dạ cả tin đã chuyển hết tiền trong tài khoản cho đối tượng lừa đảo nhằm phục vụ quá trình điều tra.

"Đối tượng lừa đảo sẽ báo người dùng chuyển khoản tiền trong tài khoản sang tài khoản cá nhân để tạm giữ và sẽ hoàn trả khi chứng minh bản thân là người bị hại trong đường dây lừa đảo", bạn tôi chia sẻ.

Tuy nhiên khi chuyển tiền xong, nạn nhân sẽ không thể liên hệ được với đối tượng lừa đảo nữa.

Lúc này, tôi đã quyết định gọi cho anh họ của tôi, người cũng đang làm công an tại TP.HCM, để hỏi về vấn đề này. Anh tôi khẳng định chắc chắn tôi đã bị lừa.

Người anh họ cho biết thời gian gần đây ghi nhận được khá nhiều trường hợp lừa đảo qua điện thoại. Đa phần đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng, đánh vào tâm lý sợ hãi của người dân khi dính vào một "chuyên án mật" và từ đó dễ dàng yêu cầu chuyển khoản tiền để tạm giữ.

"Chung cung cấp cho người dùng địa chỉ bưu cục, trụ sở công an thật và hẹn gặp tại trụ sở khiến người dùng thêm phần hoang mang. Nếu thật sự đang là đối tượng tình nghi, em đã bị dẫn lên đồn rồi", người anh của tôi chia sẻ.

Ngoài ra, anh tôi cũng chia sẻ thêm không có công an nào làm việc với công dân thông qua gọi điện và tin nhắn từ ứng dụng. Đối tượng lừa đảo đã lợi dụng ứng dụng để che giấu thông tin.

Sau khi nắm hết thông tin tôi đã khá bất ngờ khi mánh khóe của các đối tượng lừa đảo ngày càng công phu. Chúng đã dành ra gần một tiếng đồng hồ điện thoại để nói chuyện với tôi, tạo công văn giả và thậm chí còn mua cả mũ công an giả nhằm tăng thêm tính chân thật.

May mắn là số tiền trong tài khoản của tôi không nhiều và tôi yêu cầu ra gặp mặt làm việc nên đối tượng đã không thể chiếm đoạt tài sản.

Là nạn nhân của trường hợp này, tôi cũng đã tin mình vô tình dính vào chuyên án lừa đảo, rửa tiền. Vì vậy nếu không tỉnh táo chắc chắn nhiều người dùng sẽ dễ dàng sập bẫy khi các đối tượng cung cấp thông tin địa chỉ bưu cục và trụ sở thật.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mạo danh công an gửi lệnh bắt giữ, lừa tiền qua điện thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO