"Mang tiền về cho mẹ, mang tiền về cho mẹ.
Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ"
MV mới của rapper Đen Vâu mới ra mắt vào ngày 29/12/2021 hiện đã đạt 9,7 triệu lượt view. Lời bài hát đang trở nên viral trong những ngày cuối năm và đầu năm mới với lời nhắn gửi chạm vào trái tim của Đen Vâu:
"Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè
Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về
Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang
Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan".
Thực tế trên sàn chứng khoán không hiếm trường hợp các "ông này bà nọ" đã gửi gắm hàng trăm triệu cổ phiếu cho mẹ nắm giữ với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý top 4 "mang tiền về cho mẹ" đều là các ông chủ ngân hàng.
Đứng đầu danh sách "mang tiền về cho mẹ" là Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 8.700 tỷ đồng, bản thân ông Hồ Hùng Anh nắm giữ cá nhân lượng cổ phiếu TCB chỉ 39,3 triệu cổ phiếu, còn phần lớn là do vợ, con trai và mẹ nắm giữ. Năm 2021 là một năm thăng hoa của ông Hồ Hùng Anh với giá trị tài sản theo tính toán của chúng tôi ước đạt gần 2 tỷ USD, tương đương 44.844 tỷ đồng chủ yếu nhờ giá cổ phiếu MSN tăng rất mạnh.
Người thứ hai "mang tiền về cho mẹ" là ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank. Bà Vũ Thị Quyên, mẹ ông Ngô Chí Dũng đang nắm giữ 217,2 triệu cổ phiếu VPB, giá trị hơn 7.777 tỷ đồng. Cũng giống ông Hồ Hùng Anh, số lượng cổ phiếu VPB ông Ngô Chí Dũng nắm giữ trực tiếp khá khiêm tốn, dưới 5% ngân hàng, đạt 219 triệu cổ phiếu, tương đương 7.841 tỷ đồng. Số cổ phần gia đình ông Dũng nắm giữ được chia đều cho vợ ông Dũng là bà Hoàng Anh Minh và mẹ là bà Vũ Thị Quyên.
Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng |
Bà mẹ quyền lực thứ 3 trên sàn chứng khoán là bà Lý Thị Thu Hà, mẹ ông Lô Bằng Giang, Phó Chủ tịch VPB với hơn 188 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 6.659 tỷ đồng. Ông Giang cũng để vợ là bà Nguyễn Thu Thuỷ nắm giữ 135,5 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 4.853 tỷ đồng.
Top 4 "mang tiền về cho mẹ" là soái ca ACB Trần Hùng Huy. Mẹ của Chủ tịch ACB bà Đặng Thu Thuỷ hiện đang nắm giữ 32,2 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1.093 tỷ đồng trong khi ông Trần Hùng Huy đang nắm giữ 92,58 triệu cổ phiếu, tương đương 3.194 tỷ đồng.
Gia đình Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: Bà Đặng Thu Thuỷ (trái) |
Để lý giải về hiện tượng các ông chủ nhà băng "mang tiền về cho mẹ" và "mang tiền về cho vợ", thực tế thì tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng và Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Do đó để không vượt tỷ lệ 5% theo quy định thì các ông chủ ngân hàng đã phải "chia" cổ phần ra để vợ, mẹ hoặc con trai/con gái nắm giữ.
Trong danh sách "mang tiền về cho mẹ" đình đám còn có ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex khi mẹ ông Tuấn là bà Đào Thị Lơ hiện sở hữu 15 triệu cổ phiếu GEX và nhiều cổ phiếu khác trị giá 994 tỷ đồng.
Bà Hà Thị Huệ, mẹ bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Gỗ Đức Thành nắm giữ 4,8 triệu cổ phiếu GDT, tương đương 302 tỷ đồng.
Bà Ngô Thị Ngọc Liễu, mẹ ông Cao Tấn Thạch, thành viên HĐQT đang nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu NLG, trong khi ông Thạch nắm giữ 4,75 triệu cổ phiếu và vợ ông Thạch là bà Lâm Ngọc Minh chỉ nắm giữ hơn 12.000 cổ phiếu NLG.
Trên Facebook, Đen Vâu viết: “Điều mong mỏi lớn nhất của đa số những người mẹ không phải con mình làm trời làm bể, mà là muốn “chúng nó” bước ra đời tự nuôi sống được bản thân mình. “Mang tiền về cho mẹ” như một lời nhắn nhủ tới gia đình hãy yên tâm về “những đứa trẻ đi xa nhà”, có việc làm, có đóng góp”.
Danh sách các bà mẹ giàu có và quyền lực trên TTCK còn rất dài, dù vì bất kỳ lý do gì khi được gửi gắm đống cổ phiếu có trị giá từ vài tỷ đến hàng nghìn tỷ thì các bà mẹ này cũng rất tự hào vì những người con của mình.
Có lẽ, cả bài hát của Đen Vâu, tôi thích nhất câu hát:
"Muốn được nghe tiếng mẹ mắng mỗi ngày để con thấy mình còn chưa được khôn ngoan
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)