Mang theo cả tủ đồ ăn từ quê trở lại TP.HCM, Hà Nội sau Tết

30/01/2023 09:00

Với không ít người sống, làm việc xa quê, đồ ăn mang theo từ nhà sau Tết vừa chứa đựng sự quan tâm của gia đình, vừa là phương án giúp giảm đáng kể chi tiêu cho thực phẩm.

Rạng sáng 29/1, nhiều người dân từ miền Tây trở lại TP.HCM làm việc. Ảnh: Hoàng Giám

Trở lại Hà Nội làm việc vào ngày 26/1, hành lý của Diệu Linh (sinh năm 1994, quê Điện Biên) ngoài 3 vali quần áo, đồ dùng cá nhân còn là một vali lớn đựng đầy bánh kẹo, thực phẩm còn dư sau Tết Nguyên đán.

“Phần lớn bánh kẹo Tết ngọt quá, bố mẹ tôi không ăn nên gần như tôi mang đi cả, vừa đỡ phải mua dùng, vừa giúp nhà ‘dọn tủ’”, Linh nói với Zing.

Không riêng Diệu Linh, phần lớn người rời quê lên thành phố đi học, đi làm sau Tết đều được gia đình gói theo cả thùng đồ ăn, bánh kẹo. Nhiều người cảm thấy những món ăn sau lễ có cảm giác ngon hơn hẳn. Với không ít người, số đồ “tiếp tế” còn giúp giảm được khoản chi tiêu ăn uống đáng kể.

Gói ghém quà quê

Sinh sống, làm việc khá xa nhà, Diệu Linh cố gắng sắp xếp về thăm gia đình đều đặn mỗi tháng. Bởi vậy, việc đem theo những món “quà quê” gia đình chuẩn bị không còn là điều xa lạ với cô, song số lượng nhiều và đa dạng món nhất vẫn là những dịp sau lễ Tết.

roi que sau tet anh 1
Diệu Linh "dọn tủ" giúp bố mẹ các món bánh kẹo còn dư sau Tết.

Do di chuyển bằng máy bay, lại mua sẵn tới 40 kg hành lý ký gửi, Linh nói rằng bản thân thoải mái mang theo nhiều đồ đạc, không lo chen chúc như đi xe khách.

Vì quá nhiều, nữ nhân viên văn phòng dự định đem tới cơ quan chia sẻ cùng đồng nghiệp trong buổi đi làm đầu tiên của năm Quý Mão.

“Tính ra giá trị mấy món đồ ăn không lớn, toàn là gói kẹo, cái bánh, nhưng việc ăn đồ mua từ nhà cảm giác vẫn thấy thích và vui sao đó”.

Chật vật mãi mới “nhét” được hết chỗ thức ăn trong thùng quà đem từ nhà vào tủ lạnh, Phương Thanh (sinh năm 1996, quê Bình Thuận) vừa cảm động vừa hạnh phúc.

Từ mực khô, cá khô, sườn lợn, đến gói bánh, hộp kẹo, lọ mắm đều được bố mẹ cô gói bọc kỹ càng và chọn mua những loại tốt nhất ở chợ từ trước Tết.

Lấy chồng cách nhà hơn 200 km, mỗi năm, Thanh chỉ có thể về thăm nhà một lần vào dịp Tết. Năm nay, cô cùng chồng và con gái nhỏ về đón Tết nhà ngoại được 3 ngày, từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán.

Khi trở lại TP.HCM, như mọi lần, bố mẹ luôn chuẩn bị sẵn thực phẩm để con gái đem theo.

“Từ khi tôi xa nhà đến TP.HCM học tập, làm việc rồi ở lại lập gia đình, lần nào nghe tin tôi về chơi là bố mẹ lại mua sẵn đồ chuẩn bị cho đem theo như vậy. Hồi tôi còn đi học, bố mẹ gói cả bột giặt, gia vị nấu ăn cho tôi”.

Đến giờ, dù Thanh đã có gia đình riêng, mỗi lần nghe con gái kêu thèm, bố mẹ cô đều nhanh chóng gói ghém hương vị quê như chả giò, chả cá gửi tặng.

“Bố mẹ lúc nào cũng sợ con cái thiếu cái này, cái kia vậy đó. Dù có lớn thế nào, tôi cảm giác mình vẫn luôn là cô con gái nhỏ, cần được chăm sóc trong mắt bố mẹ”, Thanh tâm sự.

Vì thuê ôtô riêng di chuyển, gia đình Phương Thanh không gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển đồ ăn từ Bình Thuận về TP.HCM. Bà mẹ trẻ cũng chia sẻ dù đều là những món có thể mua ở TP.HCM, được ăn đồ gia đình chuẩn bị, đúng vị quê hương vẫn khiến cô thấy yêu thích và cảm giác ngon hơn hẳn.

“Có thể đó còn một phần do chúng chứa đựng sự yêu thương, quan tâm của gia đình nữa”, cô chia sẻ.

Đỡ gánh nặng chi tiêu

“Bánh tét này tới nơi cất vào tủ lạnh ngay, bóc dần ra chiên hết phần nào thì gói kỹ lại. Thịt hầm chắc chỉ ăn được trong tuần thôi, nhớ ăn hết không được để hỏng đâu. Rau này mẹ chưa rửa, nhưng sạch, gói giấy báo cất vào tủ lạnh rồi mang ra nấu dần…”, những lời dặn của mẹ khiến Hoàng Quý (25 tuổi, quê Bình Định) sợ mình không nhớ hết.

Từ khi Quý đi học đại học rồi đi làm, mỗi dịp rời quê vào TP.HCM sau Tết, anh đã quen với việc được mẹ chuẩn bị cho cả thùng đồ ăn.

Nhờ số đồ “tiếp tế” từ mẹ, hai tuần sau Tết cũng là khoảng thời gian Quý ăn ở nhà nhiều nhất. Thời gian còn lại, anh chủ yếu ăn ở hàng quán, thỉnh thoảng mới nấu nướng vào cuối tuần.

Sau khi tốn một khoản lớn chi tiêu trong dịp lễ, ra Tết lại chưa được nhận lương ngay, Quý cảm thấy may mắn khi đỡ được một khoản tiền ăn kha khá.

“Mấy ngày Tết, nhìn đồ gì cũng ngán. Nhưng vừa tới thành phố, mở mấy hộp thịt kho, bánh tét ra ăn lại thấy ngon lạ, lại không tốn tiền. Bởi vậy, tôi thường không từ chối món gì mẹ gói cho”.

roi que sau tet anh 4
Hà Trang mang cả thùng đồ ăn khi rời quê ra thành phố.

Ngày cuối trước khi con gái lên thành phố sau Tết, mẹ của Hà Trang (21 tuổi, sinh viên năm cuối) cũng gói ghém cả thùng đồ ăn để con mang theo. Bên trong chiếc thùng xốp chất đầy những túi bánh chưng, gạo, rau, thịt, cá, trứng, hành, gừng và cả gia vị…

Trong vali của Trang còn có bánh kẹo và nước ngọt. “Nhưng đây chưa phải là tất cả, vì chị gái mình ra sau một thời gian sẽ còn mang thêm nhiều đồ ăn nữa”, Trang nói.

Với mẹ của Trang, gói ghém bao nhiêu cũng là “không nhiều”, lúc nào cũng lo con ở thành phố không ăn uống đầy đủ.

Vì bận đi học và đi làm, Trang chủ yếu mang theo những đồ ăn đã nấu sẵn, là những món còn dư trong ngày Tết, đến bữa chỉ cần hâm nóng lại. Những đồ tươi sống cũng là trứng và rau vì chế biến nhanh gọn.

Mang cả thùng đồ ăn khá bất tiện, nhất là lúc di chuyển từ bến xe về phòng trọ, nhưng cô thấy rất đáng công.

Tất cả số đồ này có lẽ đủ cho mình ăn cả tháng, tiết kiệm được một khoản lớn. Đến khi nấu ăn, đến cọng hành, củ tỏi cũng phải đi mua mới thấy được giá trị của những thứ mẹ gói cho”, cô chia sẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mang theo cả tủ đồ ăn từ quê trở lại TP.HCM, Hà Nội sau Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO