Vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại ban đầu chỉ là tin trình báo mất tích nhưng sau đó đã trở thành vụ án ly kỳ nhất lịch sử tố tụng miền ngược.
Điều làm dư luận “sốc” chính là những tình tiết ly kỳ của vụ án. Càng điều tra, vụ án càng nảy sinh những bí ẩn, thắc mắc.
Cho đến khi mẹ của nạn nhân bị khởi tố, bắt tạm giam thì kịch tính đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Vụ án đang đi vào hồi kết nhưng với cán bộ chiến sĩ công an thì còn bao nỗi buồn khó có thể sẻ chia...
Vở kịch hoàn hảo, màn diễn vụng về
Ngày 25/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Trần Thị Hiền (45 tuổi, ở Đội 5, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) về hành vi Mua bán trái phép ma túy. Bà Hiền là mẹ của nữ sinh viên Cao Mỹ Duyên (22 tuổi) - người bị nhóm 8 người bắt cóc, hãm hiếp sau đó sát hại trong dịp Tết Nguyên đán.
Hôm 27/5, thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, khẳng định bà Hiền tham gia buôn bán ma túy với Vì Văn Toán - kẻ chủ mưu thuê nhóm tội ác bắt cóc, sát hại Cao Mỹ Duyên. Người phụ nữ này biết việc con gái bị bắt cóc nhưng khai báo không trung thực gây khó khăn cho công tác điều tra...
Cơ quan Cảnh sát điều tra khám xét nhà đối tượng Bùi Văn Công.
Trở lại vụ án này, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Cao Mỹ Duyên được nghỉ học nên tham gia phụ bán gà cùng gia đình. Chiều 30 Tết, Duyên mất tích khi đi xe máy giao gà cho một khách đặt mang đến phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ.
Gia đình đã trình báo công an. Trưa mùng 3 Tết, qua nguồn tin của quần chúng, cảnh sát phát hiện thi thể Cao Mỹ Duyên tại ngôi nhà hoang ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên - cách trung tâm TP Điện Biên Phủ khoảng 6 km.
Qua khám nghiệm, cảnh sát xác định đây là vụ án giết người, hiếp dâm. Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và xác lập chuyên án để đấu tranh.
Trong quá trình điều tra, ban chuyên án hầu như không thu thập được thông tin liên quan đến sự mất tích của Cao Mỹ Duyên từ gia đình, nhất là mẹ của nạn nhân, ngoài việc có một thanh niên đi xe tay ga đến đặt mua gà. Cảnh sát ngay ban đầu đã nghi vấn có dấu hiệu của một vụ bắt cóc nhằm cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, chính lời khai báo thiếu trung thực của mẹ nạn nhân làm những nhận định của ban chuyên án rơi vào bế tắc.
Một điều tra viên tham gia chuyên án chia sẻ: “Khi được gọi lên viết tường trình, bà Hiền gần như không tiết lộ những tình tiết quan trọng liên quan đến vụ án. Mối quan hệ của bà và các thành viên trong gia đình cũng chỉ xoay quanh xóm làng, bạn bè cùng đi chợ. Ở địa phương, bà Hiền cũng không phải diện đối tượng cộm cán. Chính vì vậy, việc xác định động cơ gây án, dựng lên các đối tượng nghi vấn gặp hết sức khó khăn”.
Tuy nhiên, bằng trách nhiệm và danh dự nghề nghiệp, với sự giúp đỡ của Cục Cảnh sát hình sự, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, ban chuyên án đã sàng lọc, khoanh vùng, xác định được nghi can. Và cũng chỉ 72 giờ sau khi phát hiện thi thể nạn nhân, nghi phạm đầu tiên đã bị bắt.
Đó là Vương Văn Hùng (35 tuổi, ở thị trấn Tuần Giáo, huyện Điện Biên). Tên này mới ra tù, nghiện hút, sống lang thang.
Từ lời khai của Hùng và những chứng cứ, tài liệu thu thập, ban chuyên án lần lượt bắt giữ Bùi Văn Công, Lường Văn Lả, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng, Cầm Văn Chương, Phạm Văn Dũng (anh trai Phạm Văn Nhiệm) và Bùi Thị Kim Thu (vợ Bùi Văn Công) về các hành vi giết người, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tổ chức sử dụng trái phép ma túy và không tố giác tội phạm.
Đại tá Tráng A Tủa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Trưởng ban chuyên án, chia sẻ: “Đấu tranh với nhóm này thực sự là một cuộc đấu trí vì các nghi phạm đều nghiện ma túy, nhiều tiền án, tiền sự (trừ Bùi Thị Kim Thu). Họ có nhiều thủ đoạn đối phó với công an. Sau khi gây án, nhóm này có thời gian xóa dấu vết, thống nhất lời khai, ngụy tạo bằng chứng ngoại phạm”.
Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, chúng đã bị các điều tra viên từng bước khuất phục. Bùi Văn Công ngoan cố nhất, phải mất 20 ngày hắn mới bắt đầu khai báo nhỏ giọt. Đến lúc này thì kẻ chủ mưu bắt đầu lộ diện...
Ngày 28/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Vì Văn Toán (37 tuổi, ở đội 4, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên). Các đối tượng khai nhận Toán là kẻ đã thuê Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng... tổ chức bắt cóc Cao Mỹ Duyên nhằm cưỡng đoạt tài sản. Sau khi bắt Vì Văn Toán, ban chuyên án và đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã về Hà Nội trực tiếp báo cáo án với lãnh đạo Bộ Công an và VKSND Tối cao. Một kế hoạch được ban chuyên án xây dựng, các điều tra viên có kinh nghiệm được huy động tham gia "giai đoạn 2" của chuyên án.
Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt Quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can Trần Thị Hiền.
Đến lúc này các trinh sát đã có cơ sở về sự liên quan của bà Trần Thị Hiền với nhóm gây án. Tuy nhiên, một số tờ báo, đặc biệt là mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin không chính xác, thiếu thiện chí, làm nhiễu loạn, lộ lọt thông tin điều tra nên ban chuyên án phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ bí mật nhằm không “đánh động” bà Hiền và người khác.
Cũng trong thời điểm này, nhằm đánh lạc hướng điều tra, Trần Thị Hiền tiếp tục diễn vở kịch ngụy trang mà bà ta đã sắp sẵn trước đó. Hiền thường xuyên lên mạng xã hội livestream, đăng các status về sự tiếc thương của một người mẹ mất con, muốn “thiêu sống” những kẻ gây tội ác.
Đặc biệt, bà không tiếc lời chửi bới, mạt sát những bài báo, các bài viết của các Facebooker nghi ngờ về cái chết của Cao Mỹ Duyên. Trong thực tế, Trần Thị Hiền nhập vai khá tốt với màn kịch giả dối nhưng càng về sau bà ta càng vụng về, bắt đầu lộ chân tướng...
Các trinh sát tập trung làm rõ mối quan hệ của Vì Văn Toán và mẹ của nữ sinh xấu số bị sát hại. Đấu tranh với Vì Văn Toán và một số nghi phạm trong nhóm, cơ quan điều tra có đủ cơ sở khẳng định bà Trần Thị Hiền tham gia đường dây mua bán trái phép chất ma túy.
Bà ta có mối quan hệ "làm ăn" với Vì Văn Toán và vợ là Vì Thị Thu (bị bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy) từ trước khi tên này đi tù năm 2008.
Cơ quan điều tra có căn cứ khẳng định Trần Thị Hiền tham gia nhiều phi vụ ma túy với số lượng không hề nhỏ. Việc khởi tố, bắt tạm giam Trần Thị Hiền đã được liên ngành công an, viện kiểm sát cân nhắc rất kĩ về thời điểm, vừa không ảnh hưởng đến tiến trình điều tra, vừa đảm bảo tính nhân văn với gia đình bị can...
Nỗi buồn người đánh án
Ở giai đoạn 1 của chuyên án, sau khi bắt giữ được 5 bị can là Vương Văn Hùng, Lường Văn Lả, Bùi Văn Công, Phạm Văn Nhiệm và Lường Văn Hùng, Công an tỉnh Điện Biên đã tổ chức gặp mặt thông tin về vụ án cho báo chí.
Tại buổi gặp mặt, để kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ chiến sĩ tham gia chuyên án, UBND tỉnh và Ban Giám đốc Công an tỉnh đã thưởng nóng một số tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, ngay sau đó một số tờ báo và trang mạng xã hội đăng nhiều thông tin thiếu thiện chí, thậm chí phê phán cay nghiệt lực lượng tham gia phá án là “tung hoa lên nỗi đau” nạn nhân. Điều này khiến những người trực tiếp làm án rất buồn.
Bị can Vì Văn Toán.
Thời điểm đó, thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh, đã khẳng định việc khen thưởng là để động viên những cán bộ chiến sĩ đã không có ngày Tết để điều tra phá án. Đây là vụ án hết sức phức tạp, công tác điều tra còn đang tiếp tục...
Tuy nhiên, những “bật mí” của tướng Hồng không thể làm “nguội” dư luận với những “anh hùng bàn phím” đang rầm rộ dạy công an phá án.
Người viết bài này thấu hiểu những vất vả các cán bộ điều tra đã trải qua và những áp lực đè nặng lên mỗi điều tra viên, trinh sát tham gia chuyên án. Các trinh sát phải ngày đêm bám địa bàn. Ban ngày "săn" thông tin, tối đến lại thay nhau đấu tranh với các đối tượng nghi vấn, họp án, khớp nối, xâu chuỗi, chắt lọc các tình tiết, manh mối thu thập được.
Khoanh vùng được nghi phạm, cảnh sát lại bí mật bám sát đề phòng họ bỏ trốn và tiếp tục củng cố chứng cứ để chứng minh hành vi. Chính vì áp lực của vụ án, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều không về nhà.
Đại tá Trần Văn Tình, Trưởng phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Điện Biên. có hơn 30 năm trong ngành công an thì chừng ấy năm anh làm công tác tiếp xúc với các tử thi. Cứng rắn như anh cũng phải rơi nước mắt lúc thắp hương khai quật tử thi Cao Mỹ Duyên.
Các bị can trong đường dây tội ác.
“Việc khai quật tử thi nạn nhân cũng là việc cực chẳng đã. Bởi trong thời gian các bị can bắt giữ nạn nhân, mặc dù chúng thay nhau hãm hiếp nhưng chúng vẫn cho nạn nhân ăn uống, tắm rửa. Chính vì thế nhiều dấu vết đã bị trôi đi hoặc rất mờ. Để củng cố chứng cứ từ các vấn đề nảy sinh, chứng minh hành vi phạm tội và vai trò của từng tên, cơ quan điều tra phải tiến hành khai quật tử thi khám nghiệm tìm thêm dấu vết có liên quan khác...”, đại tá Tình chia sẻ.
Người trong nghề đều hiểu, điều tra phá án phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc nghiệp vụ, trong đó bí mật phải là yếu tố đầu tiên. Thời điểm đó, việc bắt giữ các nghi phạm mới chỉ là bắt đầu. Để buộc tội được chúng, phải có đầy đủ tang chứng, vật chứng và các tài liệu vật chất khác, không chỉ căn cứ vào lời khai.
Phó ban chuyên án, thượng tá Dương Quốc Hoàn (Trưởng phòng cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Điện Biên) là người rất kiệm lời và nguyên tắc trong công tác nghiệp vụ. Trong “cơn bão” dư luận đánh giá sai về công an tỉnh Điện Biên khi đó, ông cũng chỉ nhỏ nhẹ khi tôi hỏi: “Rất buồn nhưng việc của chúng tôi là điều tra, làm rõ hung thủ. Vụ án chưa dừng ở đây. Không ai muốn xảy ra án để đi điều tra nhưng chắc chắn chúng tôi phải làm rõ, bắt tội phạm phải trả giá cho tội ác chúng gây ra. Và nói thật với anh, sự thật sẽ còn phũ phàng, càng làm sáng tỏ, chúng tôi càng buồn hơn”.
Khi ấy, bằng mẫn cảm trong nghề, tôi hiểu ẩn ý đằng sau lời nói của Trưởng phòng cảnh sát hình sự miền biên viễn này là một kế hoạch mới đang được các anh triển khai. Có thể sẽ có một mẻ lưới lớn với những “con cá” to.
Và quả đúng như vậy. Nhưng đúng như những gì anh đã trải lòng, hiếm có vụ án nào làm sáng tỏ động cơ gây án, bắt giữ được hung thủ nhưng tâm trạng ai cũng trĩu nặng với những nỗi buồn nhân thế...